...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

COC và UNCLOS không có trong Tuyên bố chung Việt-Trung - Việt-Trung lập đường dây nóng về hoạt động ngư nghiệp tại Biển Đông - Ngư dân Việt Nam lại bị “tàu lạ” tấn công gần Côn Đảo


COC và UNCLOS không có trong Tuyên bố chung Việt-Trung

(RFI - Trọng Nghĩa - 21.06.2013) - Chuyến công du Trung Quốc trong ba ngày của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kết thúc vào hôm nay, 21/06/2013. Đúng như dự báo, vấn đề Biển Đông đã được Chủ tịch nước Việt Nam nêu lên trong các cuộc thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc, và đã được nêu lên trong bản thông cáo chung tổng kết chuyến thăm. Và cũng đúng với dự đoán, hai bên chỉ nhắc lại cam kết tăng cường đối thoại, và cố tránh đối đầu trên vấn đề này. Tuy nhiên, hai yếu tố Việt Nam rất mong muốn là Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông và nhu cầu tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc đã hoàn toàn vắng bóng trong văn kiện.

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bắc Kinh, 20/06/2013. REUTERS/Mark Ralston/Pool

Trong ấn bản tiếng Việt của Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc dài gần 4000 từ, gồm 8 đề mục, được TTXVN loan báo, vấn đề tranh chấp Biển Đông được nêu khá chi tiết trong đề mục thứ tư, xác nhận rằng hồ sơ đã được nêu lên nhân chuyến công du Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang.

Mở đầu phần nói về Biển Đông, bản Tuyên bố chung nói rõ : “Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước”.

Sau khi liệt kê một số hướng hành động trong việc duy trì đối thoại nêu trên, bản Tuyên bố chung Việt Nam Trung Quốc kết thúc bằng cam kết nỗ lực tránh gây căng thẳng : “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại biển Đông".

Cơ sở có thể nói là pháp lý để hai bên quản lý tốt tranh chấp Biển Đông là hai văn kiện then chốt. Trước hết đó là thỏa thuận song phương Việt Trung - “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” – mà hai nước cam kết “nghiêm túc thực hiện”, và lẽ dĩ nhiên là bản “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), được cả hai nước “nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả”.

Điều được giới phân tích ghi nhận là trong toàn bộ những phần đề cập đến các vấn đề trên biển trong bản Tuyên bố chung, không hề có một từ ngữ nào nhắc đến yêu cầu tôn trọng “luật pháp quốc tế” hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, những khái niệm luôn luôn được phía Việt Nam nhấn mạnh trong những năm gần đây.

Xin nhắc lại là quan điểm của Bắc Kinh cho đến nay vẫn là không muốn tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các láng giềng bị quốc tế hóa.

Mặt khác, một trong những điều được Việt Nam mong đợi là tín hiệu từ phía Trung Quốc cho biết là họ sẵn sàng mở thương thuyết với ASEAN về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC. Tuy nhiên, trong bản Tuyên  bố  chung Việt-Trung nhân chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, không có bất kỳ từ ngữ nào về vấn đề này.

...♥.♥.♥...

Việt-Trung lập đường dây nóng về hoạt động ngư nghiệp tại Biển Đông

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc trong lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, 19/06/2013. REUTERS

(RFI - Đức Tâm - 20.06.2013) - Nhân chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, hai nước đã đạt được đồng thuận lập đường dây điện thoại nóng nhằm giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông, nơi thường xuyên xẩy ra những vụ tàu ngư chính Trung Quốc bắt giữ, tấn công các tàu đánh cá của Việt Nam.

Theo Tân Hoa Xã, được AFP trích dẫn, ngày hôm qua, 19/06/2013, thỏa thuận lập đường dây điện thoại nóng đã được ký kết giữa đại diện Bộ Nông nghiệp hai nước.

Một quan chức cao cấp Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, với việc thiết lập đường dây điện thoại nóng về hoạt động ngư nghiệp, mỗi bên có thể thông báo cho bên kia trong vòng 48 tiếng đồng hồ các vấn đề liên quan đến ngư dân và tàu cá.

Theo truyền thông chính thức của Trung Quốc, nhân chuyến công du này, chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình nhắc lại lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải (tức Biển Đông), rằng hai nước cần phải thể theo tinh thần có trách nhiệm đối với lịch sử và nhân dân, hạ quyết tâm chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết chính trị vấn đề Nam Hải (Biển Đông), đề phòng vấn đề này quấy nhiễu đến quan hệ hai nước, mọi tranh chấp về lãnh thổ giữa hai nước phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương, không áp dụng bất cứ hành động nào có thể làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp, đề phòng quốc tế hóa vấn đề Nam Hải (Biển Đông).

Có thể nói, chuyến công du này đã tạo cơ hội cho Trung Quốc nhắc lại trực tiếp và công khai với lãnh đạo Việt Nam về lập trường đầy quyết đoán của Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Các tranh chấp chủ quyền kéo dài từ nhiều thập niên qua tại Biển Đông đã biến nơi đây thành một trong những khu vực ở châu Á có nguy cơ xung đột quân sự cao. Trong quá khứ, năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc đó do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Đến năm 1988, hải quân Trung Quốc đánh chiếm một số đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa. Còn trên bộ, chiến tranh biên giới Trung – Việt đã xẩy ra năm 1979.

Ngoài thỏa thuận lập đường dây nóng về hoạt động ngư nghiệp, hai nước còn ký nhiều nhiều văn bản hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, chính sách ngoại giao.

Theo báo chí Việt Nam, nhân chuyến công du Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang, hai nước đã ký thỏa thuận cùng hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vịnh Bắc Bộ, chỉ nhằm phục vụ lợi ích kinh tế của hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.

...♥.♥.♥...

Ngư dân Việt Nam lại bị “tàu lạ” tấn công gần Côn Đảo


(Baomoi) - Ngày 18/6, 8 ngư dân Bình Định trên chiếc tàu cá BĐ 31138 TS đã được cứu vớt sau khi bị một tàu lạ đâm chìm khi đang hoạt động trên ngư trường Việt Nam.

Theo thông tin từ Đài Thông tin duyên hải Việt Nam, vào lúc 22 giờ ngày 17/6, tàu cá mang số hiệu BĐ 31138 TS khi đang hoạt động nghề cá trên vùng biển tại tọa độ 08-31N 106-10E, cách Côn Đảo khoảng 24 hải lý về phía Nam - Tây Nam đã bị một tàu lạ đâm chìm, khiến 8 ngư dân trên tàu lúc đó văng xuống biển.

Đến 10 giờ 35 phút ngày hôm nay (18/6), theo tin từ Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng đưa lúc 16 giờ, số ngư dân này đã được tàu BĐ 30806 TS cứu vớt thành công.

Tính mạng của ngư dân Việt Nam bị tàu lạ đe dọa khi đang hoạt động nghề cá trên ngư trường truyền thống đang có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Đây là vụ thứ 2 được ghi nhận trong tháng này. Trước đó, rạng sáng ngày 1/6, tại khu vực cách đảo Mê khoảng 2 hải lý, đã có 1 ngư dân Thanh Hóa tử nạn khi bị một tàu lạ, không rõ số hiệu đâm cực mạnh, khiến tàu cá bị chìm ngay lập tức. Cho đến nay, vẫn chưa rõ nguồn gốc, mã hiệu con tàu lạ gây án tại khu vực đảo Mê.

...♥.♥.♥...

1 nhận xét:

  1. .♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
    (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
    .♥.♥.♥... VẠN VẬT THÁI BÌNH

    Trả lờiXóa

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...