...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

189) Kỳ vọng gì ở Hội thảo Biển Đông tại Campuchia ?


Bản đồ khu vực tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa các nước do AFP thực hiện hôm 16 tháng 9 năm 2013

Trong hai ngày 19 và 20 tháng 9, tại Phnom Penh, thủ đô của Campuchia, sẽ diễn ra hội thảo về biển Đông với tên gọi ASEAN và biển Đông: thành tựu, thách thức và hướng tương lai. Tham dự hội thảo là các chuyên gia từ các nước ASEAN, Úc và Ấn Độ. Tại sao Campuchia tổ chức hội thảo về biển Đông vào lúc này? Việt Hà phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer, thuộc Công ty Tư vấn Carl Thayer của Australia, một diễn giả trong chương trình:


Asean cần một đòn bẩy


Trước hết nói về lý do mà Campuchia tổ chức hội thảo này, Giáo sư Carl Thayer nhận định:

GS Carl Thayer: Chúng ta nhìn vào bài phát biểu quan trọng của ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong với tên gọi là tương lai của biển Đông, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN Trung Quốc vì hòa bình hợp tác và thịnh vượng, năm nay là kỷ niệm 10 năm quan hệ này. Rất nhiều quan chức của Campuchia đã không đồng ý với ý kiến tôi đưa năm ngoái về Campuchia. Họ nghĩ rằng Campuchia đã làm tốt vai trò của mình là chủ tịch ASEAN. Tất cả những gì họ làm là ký tất cả những văn bản thỏa thuận mà ASEAN đưa ra và lấy tiếng là nước chủ tịch.

"Campuchia cũng muốn vượt qua cái gì đã diễn ra năm ngoái dù họ không nghĩ là họ đã làm gì sai. Hội thảo này cũng là cách để Campuchia đưa ra chính sách của mình.
-GS Carl Thayer"

Tôi thấy có hai điều ở đây. Thứ nhất, hội thảo này giống như một cách để khôi phục hình ảnh của Campuchia. Điểm đáng chú ý là chúng ta cũng thấy có những diễn giả từ Lào, từ Myanamar, Ấn độ, tức là một nhóm các chuyên gia khá kỹ thuật. Ngoài ra Campuchia cũng muốn vượt qua cái gì đã diễn ra năm ngoái dù họ không nghĩ là họ đã làm gì sai. Hội thảo này cũng là cách để Campuchia đưa ra chính sách của mình.

Việt Hà: Campuchia được coi là đồng minh thân cận với Trung Quốc, vậy với việc tổ chức hội thảo lần này, liệu có phải Campuchia đang thay đổi lập trường của mình về Trung Quốc với biển Đông?

GS Carl Thayer: Trong cuộc gặp cấp bộ trưởng với Trung Quốc, ngoại trưởng Hor Namhong và những người khác đã ca ngợi hết lời quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc. Tôi nghĩ Campuchia là nước nổi bật ở ASEAN là nước không có gì phải lo sợ Trung Quốc, và chính phủ do một đảng thống trị có được rất nhiều từ đầu tư kinh tế của Trung Quốc vào nước này. Campuchia cũng là nước gần như im lặng hoàn toàn với vấn đề biển Đông. Trong cuộc gặp lần trước của ASEAN, các nước ASEAN thống nhất một tiếng nói trong vấn đề biển Đông. Asean cần một đòn bẩy, vậy thì vai trò của Campuchia bây giờ khi không còn là chủ tịch ASEAN là gì?

Từ tháng giêng Brunei đã bắt đầu ghế chủ tịch và không ai mua chuộc được Brunei, Thái Lan đã nhận vai trò trung gian, Lê Lương minh, tổng thư ký ASEAN đã đặt ưu tiên vào việc đạt được COC, và tất nhiên Việt nam, Philippines và Malaysia ủng hộ điều này. Indonesia đóng vai trò chính trong việc đoàn kết ASEAN. Cho nên chúng ta có 6 trong số 10 nước ASEAN, trong khi 4 nước kia gần như cũng không làm gì để có thể ngăn cản ASEAN. Campuchia có thể làm gián đoạn nhưng dường như khối thống nhất chính đang đẩy mạnh COC, và điều này đã được ghi nhận từ cuộc họp các bộ trưởng thường niên trong thượng đỉnh năm nay.

Việt Hà: Hội thảo lần này rõ ràng là khác với các hội thảo về biển Đông đã được tổ chức ở nhiều nước khác trước kia, chúng ta có thể hy vọng hội thảo này đóng góp gì vào những tranh luận về vấn đề biển Đông hiện nay?

GS Carl Thayer: Trước tiên chúng ta sẽ có được những quan điểm được quan chức chính phủ Campuchia đưa ra, và họ cũng đã làm tốt một việc là tập hợp được những chuyên gia từ nhiều nơi. Tôi nghĩ là đến lúc tôi thảo luận, các vấn đề cũng đã được đề cập vì có rất nhiều phần trùng lặp. Nhưng chúng ta thấy có chuyên gia từ Campuchia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Brunei, nước gần như chẳng bao giờ lên tiếng, Lào cũng có mặt, chuyên gia Myanmar cũng có mặt. Tôi nghĩ Myanmar sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự thống nhất trong ASEAN vào năm tới. Lào thì gần như chưa bao giờ nói gì về biển Đông. Rất nhiều người tham dự hội thảo là các quan chức hoặc các cựu quan chức, và một số các chuyên gia tư vấn. Và khi tôi nhìn vào đây thì dường như Campuchia đang nói với mọi người là đừng nhìn vào quá khứ mà hãy nhìn vào tương lai, và Campuchia đang cố gắng đóng vai trò tích cực hơn.


Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN nhóm họp tại Hua Hin, Thái Lan vào ngày 14 tháng 8 năm 2013. AFP PHOTO / Nicolas ASFOURI

Vai trò của Mỹ


Việt Hà: Trong danh sách những diễn giả ở hội thảo chúng ta không thấy có diễn giả từ Hoa Kỳ, rất khác với các hội thảo khác, liệu có phải Campuchia đang làm giảm nhẹ vai trò của Hoa Kỳ ở đây?

"Theo tôi thì cũng có thể đó là mong muốn của Trung Quốc, nước vốn nhìn Mỹ như một nước bên ngoài cuộc. Nhưng hội thảo cũng có chuyên gia Australia và Ấn Độ.
-GS Carl Thayer"

GS Carl Thayer: Theo tôi thì cũng có thể đó là mong muốn của Trung Quốc, nước vốn nhìn Mỹ như một nước bên ngoài cuộc. Nhưng hội thảo cũng có chuyên gia Australia và Ấn Độ, tức là có hai nước không thuộc ASEAN. Tất cả các nước ASEAN đều có đại diện ở hội thảo. Tại đây họ đang làm một hổi thảo theo đúng tên là ASEAN Trung Quốc, nếu bạn muốn hiểu theo cách đó.

Việt Hà: Chủ đề của hội thảo là về những thành tựu và thách thức của ASEAN trong vấn đề biển Đông, theo ông những thành tựu và thách thức hiện nay là gì?

GS Carl Thayer: Thành tựu đáng chú ý nhất chính là cuộc gặp vừa diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 9 đưa ra cuộc gặp tham vấn đầu tiên về biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Đó là điều quan trọng. Ngoài ra cũng có 5 lĩnh vực hợp tác dưới DOC và họ cũng đưa ra một kế hoạch làm việc vào ngày 14 và 15 vừa qua cho hai năm tới. vậy chúng ta sẽ nhìn thấy dự án bắt đầu từ đây hay không? Đại sứ ASEAN ở Canberra nói với tôi rằng chúng tôi không thể có các dàn xếp hợp tác vì Trung Quốc muốn chúng tôi nhìn nhận chủ quyền của họ, và họ cho chúng tôi biết đâu là chủ quyền của họ, sau đó mới hợp tác. Đại sứ nói điều này là không thể chấp nhận được. Và điều này cần phải được làm rõ, đâu là điều kiện tiên quyết cho việc hợp tác.

Thách thức hiện có là mặc dù DOC đưa ra 5 lĩnh vực hợp tác nhưng chỉ có 4 nhóm làm việc được thành lập còn đi lại và liên lạc trên biển thì không có và đây có thể ảnh hưởng trực tiếp lên hành vi Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra nhiều tiền để tài trợ cho các dự án này và ASEAN phải đưa ra các dự án. Nhưng mọi việc cứ kéo dài mãi qua các cuộc gặp. Nhưng trong bài viết của tôi, tôi có nói ai có thể đảm bảo là những hoạt động hợp tác này có thể đóng góp tích cực vào điều chúng ta muốn. Ngoài ra thì Trung Quốc cũng cô lập Philippines và tôi tin là bất cứ lúc nào Trung quốc cũng có thể lấy lý do thái độ của Philippines để làm chậm tiến trình. Qua sự kiện Scharborough shoal mà Philippines cáo buộc Trung Quốc đang đổ các khối bê tông tại đây, Trung Quốc có thể nói là Phi đang gây rắc rối.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nguồn : RFA

1 nhận xét:

  1. .♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
    (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam !!!
    .♥.♥.♥... VẠN VẬT THÁI BÌNH ...♥.♥.♥.

    Trả lờiXóa

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...