(RFA - Nam Nguyên - 21.10.2013) Vấn đề ‘đất đai sở hữu toàn dân’ được cho là sẽ không có thay đổi trong Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi, khi Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6 hiện nay. Tuy vậy giới chuyên gia hy vọng có thể hiến định hoặc làm rõ hơn trong Luật Đất đai về việc xem quyền sử dụng đất là một quyền tài sản.
Theo GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An, bây giờ nếu không dám thực hiện đất nào của dân, của nông dân giao cho họ quyền sở hữu thực sự, thì ổn định xã hội sẽ vẫn là một nan đề. Giáo sư nói:
“Năm 46 bác Hồ đề nghị đưa vô Hiến pháp là đất đai có ba chủ thể, một là công điền, thứ hai là của tập thể, thứ ba là của tư nhân, nông dân. Bây giờ bỏ hết trơn hết trọi…qui định đất đai là của toàn dân. Họ không theo lời bác Hồ dạy, cho nên cứ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bây giờ 70% các vụ kiện tụng, đánh nhau, giết nhau toàn là đất đai hết.
Cơ bản là Nhà nước muốn đất đai sở hữu toàn dân, nhưng thực sự ở dưới xã ông xã quyết định hoặc ông huyện ông tỉnh, chứ không có toàn dân nào hết trơn. Đây là một kẽ hở để cho tham nhũng nó hoành hành dữ tợn.”
Đã thừa nhận việc chuyển nhượng bằng tiền thì không có cách nào để phủ nhận nó là quyền tài sản của người sử dụng đất.- GS-TS Đặng Hùng Võ
Luật pháp chưa cụ thể minh bạch dẫn tới sự giải thích tùy tiện, cho nên giới chuyên gia đề nghị phải hiến định quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Bởi vì nếu không thực hiện như vậy thì cơ chế bảo vệ quyền lợi của người dân là rất mong manh.
GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT được báo chí trích lời nói rằng, trên thực tế luật pháp Việt Nam đã thừa nhận một cách rất rõ việc người dân bỏ tiền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo lời ông: “Đã thừa nhận việc chuyển nhượng bằng tiền thì không có cách nào để phủ nhận nó là quyền tài sản của người sử dụng đất.”
GS-TS Đặng Hùng Võ trình bày lập luận của ông trong một cuộc hội thảo được tổ chức vào ngày 8/10/2013 ở TP.HCM. Theo đó: “Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng quyền sử dụng đất là tài sản hoặc quyền tài sản của người sử dụng và Nhà nước bảo đảm quyền ấy trong Hiến pháp, để tránh những nguy cơ người sử dụng đất phải đối mặt khi bỏ một khối tài sản ra cho việc này.”
Trả lời chúng tôi, LS Nguyễn Văn Hậu phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định rằng, Hiến pháp là đạo luật gốc chỉ cần qui định cơ bản, còn chi tiết thì nên để các bộ Luật Đất đai hay Luật Nhà ở qui định. Thí dụ như thế nào là sử dụng ổn định lâu dài hoặc đền bù như thế nào khi thu hồi đất. LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng, bản thân các luật hiện hành đã công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản rồi. LS Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh:
“Tôi nghĩ rằng, đó là cách sử dụng từ ngữ thôi, trong thực tiễn đất đai đã là tài sản rồi; những người làm luật đã qui định rõ đất đai là một loại hàng hóa đặc biệt và đó là quyền tài sản. Người ta đã định giá đất trong những văn bản dưới luật, thí dụ giá đất ở TP.HCM hay giá đất ở nông thôn, thì đã thể hiện giá trị quyền tài sản; khi bị thu hồi thì nó phải thể hiện giá trị tài sản đó là giá thị trường. Khi thu hồi đất thì phải theo cơ chế ngang bằng giá trị thị trường, người bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Tôi cho rằng qui định như thế là phù hợp.”
Phải bỏ quy định thu hồi đất
Trả lời chúng tôi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nói rằng, nếu Hiến pháp được sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên đất đai là sở hữu toàn dân, thì Luật Đất đai sửa đổi cần kéo dài thời hạn sử dụng đất đủ lâu dài dể người dân an tâm đầu tư, nhất là đất nông nghiệp. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh:
“Phải bảo đảm quyền sử dụng đó là quyền được luật pháp công nhận như là một quyền tài sản và đã là quyền tài sản thì là bất khả xâm phạm. Ai muốn sử dụng tài sản của họ kể cả Nhà nước thì phải mua chứ không phải thu hồi. Vì vậy cho nên trong Hiến pháp điều qui định về đất đai cũng như Luật Đất đai phải rất chú trọng điều về thu hồi đất.”
Phải bảo đảm quyền sử dụng đó là quyền được luật pháp công nhận như là một quyền tài sản và đã là quyền tài sản thì là bất khả xâm phạm. Ai muốn sử dụng tài sản của họ kể cả Nhà nước thì phải mua chứ không phải thu hồi.- CGKT Phạm Chi Lan
Hầu như các ý kiến của giới khoa học, chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều dứt khoát cho rằng phải bỏ qui định Nhà nước có thể thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế, phần đã được thêm vào trong Luật Đất đai 2003 đi sau các lý do thu hồi đất vì an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng.
LS Nguyễn Văn Hậu nhận định:
"Theo quan điểm cá nhân, nên hạn chế việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, tốt nhất là nên bỏ hẳn điều đó….Vì mục đích an ninh, quốc phòng, công cộng thì mọi người đồng ý; nhưng vì mục đích phát triển kinh tế vì lợi ích một nhóm người, một tập thể nhỏ thì phải tính toán lại, không nên qui định điều đó.”
Đối với những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì các lý do chính đáng như an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng, LS Nguyễn Văn Hậu nói rằng người dân phải được bồi thường thỏa đáng. Ông nói:
“Người dân muốn rằng khi bị thu hồi quyền sử dụng đất thì Nhà nước phải trả giá trị quyền sử dụng đất cho họ bằng hoặc là tốt hơn vị thế mà họ đang có. Làm như thế thì việc tranh chấp đất đai sẽ giảm rất nhiều. Việc định giá như thế nào thì hội hội đồng định giá phải định giá thực là giá trị tài sản đó. Giải quyết được bài toán này thì việc tranh chấp đất đai sẽ không như thời gian vừa qua.”
Một bản Hiến pháp dân chủ hơn, từ đó Luật Đất đai sửa đổi có thể hợp lòng dân hơn là điều Quốc hội Việt Nam phải gánh vác. Nhưng nói theo nhiều người, Một Quốc hội của Nhà nước Cộng sản là để phục vụ lợi ích và quyền lực của Đảng. Hiến pháp còn đứng sau Cương lĩnh Đảng thì khi nào Đảng chấp nhận cải cách, lúc ấy mới có cải cách.
...♥.♥.♥...
...♥.♥.♥...
.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
Trả lờiXóa(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.