...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

243) Thiên tai Đà nẵng, chuyện dễ làm và chuyện khó nói - (RFA)


(RFA - Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam - 19.10.2013) Sau bão số 11, khắp thành phố Đà Nẵng ngổn ngang cây xanh gãy đổ, đi đâu cũng gặp hình ảnh người dân và bộ đội dọn dẹp xác xây, rác rưởi. Hiện nay, vẫn còn một số quận ngoại ô Đà Nẵng bị cúp điện. Tuy các ngành chức năng hối hả vào cuộc để giải quyết hậu quả của bão. Nhưng một số người dân lại có nhận định khác về các hoạt động này.

Cây đổ do bão tại Đà Nẵng, ảnh chụp tháng 10 năm 2013.
RFA PHOTO

Chuyện dễ làm

Đương nhiên, phía quân đội được đánh giá là hoàn toàn vô tư và nhiệt tình nhất trong hoạt động chống bão cũng như khắc phục hậu quả của bão. Những người lính mặc áo xanh đã làm việc quần quật suốt ngày đêm để dọn dẹp, cắt tỉa những cây xanh đổ vắt ngang các tuyến giao thông. Mặc dù trời lạnh nhưng họ mồ hôi nhuể nhại. Có thể nói đây là những hình ảnh đẹp và cảm động nhất mà các bộ đội có được trong hiện tại.

Tình cảm của người dân dành cho các anh lính trẻ cũng khá mặn nồng. Nhiều người mang nước trà, bánh mì, trái cây đến mời, thậm chí, có nhà mang tiền ra biếu nhưng những người lính chỉ nhận trái cây, nước và bánh mì, họ tuyệt đối không nhận tiền của dân.

Đó là tình cảm của nhân dân dành cho bộ đội. Tuy nhiên, sự đánh giá của người dân đối với nhà cầm quyền lại hoàn toàn khác trong vấn đề phòng chống cũng như khắc phuc hậu quả sau bão. Có người cho rằng nhà cầm quyền đã sử dụng nhân lực không đúng lúc và trong đó hàm chứa ý đồ không tốt của những quan chức có liên quan đến dịch vụ cây xanh đô thị.

Ông Hoàng, một quan chức quân đội, hiện tại đang mang quân hàm đại tá trực thuộc Quân khu 5, đóng tại Đà nẵng, chia sẻ với chúng tôi rằng ông lấy làm lạ là thời gian nhận được tin bão đổ bộ vào đất liền luôn trước vài ngày, ít nhất cũng hai ngày, riêng bão số 11, Đà Nẵng nhận được tin bão trước đó ba ngày. Nó tương đương với thời gian đủ để dọn dẹp cây xanh gãy đổ. Nếu tính toán hợp lý, ngay từ lúc nhận được tin bão, ủy ban nhân dân thành phố nên quyết định đưa bộ đội ra quân cắt tỉa các cành nhánh cây trong thành phố, điều này sẽ dễ dàng hơn so với dọn dẹp sau bão và một khi cây đã được cắt tỉa gọn gàng, chỉ còn thân cây và các cành nhánh chủ lực thì việc trụ lại trước gió của nó quá đơn giản, tránh được hiện tượng gãy đổ.

Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả của bão tại Đà Nẵng,
ảnh chụp tháng 10 năm 2013. RFA PHOTO.

Thế nhưng thành phố Đà Nẵng đã không làm thế, chỉ tập trung vào việc tập huấn cứu hộ, cứu trợ. Trong khi đó, những việc này đã từng làm nhiều lần trong năm, không cần thiết phải lặp lại quá nhiều. Hơn nữa, nếu nói rằng vì lo phụ giúp cho nhân dân phòng chống bão nên không để ý đến cây cối thì càng không hợp lý. Vì không riêng gì Đà Nẵng mà hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có chung một động thái khi nhận được tin bão là các quan chức về nơi có bão, tổ chức họp báo, nói phương án phòng chống. Nói thì nghe to tát nhưng trên thực tế thì cũng quanh quẩn trong chuyện kêu gọi nhân dân phòng tránh bão bằng các loa sắt phát thanh ở khối phố. Và một bộ phận rất nhỏ bộ đội, cán bộ được điều đến những vùng dự đoán nguy hiểm để di dời người dân.

Theo ông Hoàng, việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm chỉ tốn chưa đầy 2% lực lượng bộ đội địa phương, số còn lại vẫn án binh bất động. Nếu như ngay từ đầu, nhận được tin bão, chỉ cần đưa một phần tư số quân ra đường, kết hợp với các công ty cây xanh, môi trường đô thị để cắt tỉa cành nhánh các cây trong thành phố, việc này chỉ tốn chưa đầy một ngày. Vì mỗi quận đều có quận đội, mỗi phường đầu có dân quân tự vệ phường, dân quân khối xóm. Đó là chưa muốn nói đến lực lượng công an từ cấp thành phố đến cấp phường có đến vài chục ngàn người. Với con số như vậy, ra quân phòng chống ngay từ đầu sẽ hiệu quả và đỡ tốn kém gấp bội lần so với ra quân để khắc phục hậu quả.

Chuyện khó nói

Một người dân Đà Nẵng tên Ty, lắc đầu nói với chúng tôi rằng anh thấy rất khó nói khi nhìn những bộ đội khắc phục hậu quả do bão gây ra. Vì anh biết chắc một điều là giám đốc công ty cây xanh Đà Nẵng là người có thế lực, là em trai của cựu chủ tịch Nguyễn Bá Thanh. Và với một công ty cây xanh trong một thành phố, khi mà cây xanh đã phủ kín thành phố này, điều đó cũng đồng nghĩa với thị trường của công ty này bị co cụm, eo hẹp. Cứ mỗi lần thiên tai là một cơ hội lớn để công ty cây xanh vào cuộc và hốt bạc. Đương nhiên là để hốt bạc được nhiều thì phải có chung chi, đi đêm với các quan chức.

Một cây Sưa bị đổ do bão tại Đà Nẵng,
ảnh chụp tháng 10 năm 2013. RFA PHOTO.
Và lần này, những biểu hiện mang tính cơ hội xôi thịt hiện ra rất rõ. Không chỉ riêng các công ty cây xanh lớn, nhỏ trong thành phố Đà nẵng vào cuộc mà cả các công ty từ Quảng Trị, Đồng Hới cũng đưa xe vào “cứu hộ”, giúp đỡ. Anh Ty tỏ ra buồn cười và nói rằng hậu quả sau bão số 10 ở các tỉnh này vẫn chưa kịp khắc phục, bão số 11 họ cũng bị ảnh hưởng, nếu họ thật tâm cứu hộ, cứu trợ thì việc giúp cho dân tỉnh họ còn rất dài, chắc gì một tuần nữa làm đã xong mà lại tốn xăng chạy xe cả vài trăm cây số để vào cứu hộ. Thật ra là bên trong sự cứu hộ đó chứa cả ý đồ tìm kiếm thị trường. Vì thành phố Đà Nẵng nổi tiếng là thành cây xanh và bờ biển đẹp. Việc khắc phục hậu quả bão và trồng cây phủ xanh thành phố là việc cần làm gấp của Đà Nẵng. Chính sự gấp gáp này làm lộ ra một thị trường màu mỡ cho các công ty cây xanh.

Một người dân Đà Nẵng khác tên Hồng, nói rằng bà đánh giá những người lính bộ đội rất cao, họ hoàn toàn vô tư, hết sức nhiệt tình và không vụ lợi trong việc giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão. Nhưng bà đánh giá kế hoạch phòng chống bão của các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng rất thấp. Và bà cho rằng không phải nhà cầm quyền không biết nghĩ đến chuyện này mà họ đã cố tình lờ đi vì nhiều mục đích. Trong đó, có hai mục đích chính đó là bi kịch hóa hậu quả và rửa ngân sách.

Bà Hồng khẳng định là mình sống, làm việc phục vụ quá lâu trong bộ máy chính quyền Cộng sản, bà thừa hiểu rằng bi kịch hóa mọi vấn đề để rồi sau đó nhảy vào cuộc, diễn trò cứu hộ, chia sẻ để lấy lòng nhân dân vốn là trò rất xưa và rất truyền thống trong quản lý nhà nước. Nó cũng nằm trong chiến thuật lấy lòng dân, gở gạt tình cảm nhân dân sau hàng loạt bất bình về nhà đất, bất công và tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Và mỗi lần diễn trò như thế, ngân sách nhà nước do dân đóng thuế cũng bị thâm hụt rất nhiều sau khi trích ra để khắc phục. Một số tiền không nhỏ sẽ nghiễm nhiên đi qua cổng, tiến thẳng vào nhà các quan chức.

Hiện tại, việc khắc phục hậu quả bão số 11 vẫn còn ngổn ngang, hình ảnh những anh lính bộ đội dầm mưa dãi nắng dọn dẹp đường phố thật đẹp và cảm động, điều này biểu hiện nhiệt huyết và sự trong sáng của tuổi trẻ Việt Nam. Nhưng giá như sự nhiệt huyết trong sáng này được vận dụng bởi những cái đầu khoa học và những trái tim trong sáng trước nhân dân thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

...♥.♥.♥...
...♥.♥.♥...
https://www.facebook.com/photo.php?v=618477201524086
...♥.♥.♥...

1 nhận xét:

  1. .♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
    (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
    .♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

    Trả lờiXóa

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...