(RFI) - Vụ xử ba blogger Điếu Cày, Anhbasg, Tạ Phong Tần, tiếp đến là vụ xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình và bây giờ là vụ bắt giữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên đều có mẫu số chung, đó việc bóp nghẹt những tiếng nói phản đối những hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 03/11/2012, tức là ba tuần sau khi gần như là bắt cóc nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Công an tỉnh Long An cùng với Công an Thành phố Hồ Chí Minh mới tổ chức họp báo công bố việc bắt và khởi tố sinh viên Nguyễn Phương Uyên vì “ hành vi rải truyền đơn, tuyên truyền chống phá Nhà nước”.
Cùng bị khởi tố với Nguyễn Phương Uyên, còn có anh Đinh Nguyên Kha, người mà công an cho là đã “cấu kết” với Nguyễn Phương Uyên, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thiện Thành, được mô tả là “đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam trốn ra nước ngoài”, để tiến hành các hoạt động “tuyên truyền chống Nhà nước”. Công an Long An còn khẳng định là nhóm người nói trên “đã chuẩn bị thuốc nỗ để tiến hành hoạt động phá hoại ở một số nơi”. Nói cách khác, cô nữ sinh viên chân yếu tay mềm Phương Uyên được mô tả như là một tay khủng bố nguy hiểm.
Như vậy là có vẻ như chính quyền Việt Nam sẽ rất nặng tay với những người như Phương Uyên, cho dù vụ bắt giữ cô nữ sinh viên Đại học Công nghệ Thực phẩm Thành phố HCM đã gây rất nhiều phản ứng bất bình.
Sau khi nghe tin Phương Uyên bị bắt giữ, một tập thể sinh viên trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Thành phố HCM, đã gởi thư đề ngày 20/10, cầu cứu lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ bắt giữ người bạn của họ. Một nhóm gồm 144 nhân sĩ trí thức tên tuổi trong và ngoài nước cũng đã ký một bức thư khẩn đề ngày 30/10 gởi lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để yêu cầu ông can thiệp trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên.
Trong bức thư, các nhân sĩ trí thức này đề nghị Chủ tịch nước « chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm trả tự do ngay cho Nguyễn Phương Uyên, cũng như xem xét lại những bản án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã quy kết ». Theo bức thư của các nhân sĩ, trí thức, những bản án đó « phá hoại uy tín của Nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước thế giới hơn bất cứ hành động phá hoại nào mà công an đang ra sức truy lùng và đàn áp ».
Trong số những người ký tên vào bức thư nói trên, có nhà thơ Hoàng Hưng ở Sài Gòn. Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại ngày 02/11 vừa qua, ông Hoàng Hưng nêu lên những suy nghĩ của ông về vụ này :
RFI : Kính chào nhà thơ Hoàng Hưng, trước hết xin ông cho biết lý do nào đã thúc đẩy ông ký tên vào bức thư gởi chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ Phương Uyên ?
Nhà thơ Hoàng Hưng : Ngay sau khi cháu Phương Uyên bị bắt và nhất là sau khi có bức thư của hơn một trăm em, bạn của Phương Uyên, gởi lên chủ tịch nước, chính tôi cũng đã viết lên mạng, đề nghị là những người lớn tuổi nên có một bức thư để hưởng ứng việc này và tôi sẽ là một trong những người ký tên ngay lập tức. Sau đó tôi nhận được thư do một số trí thức khởi xướng và tôi đã ký ngay.
Trong thời gian gần đây, việc trấn áp những người yêu nước biểu tình và những người bất đồng chính kiến , bất chấp đạo lý, thậm chí bất chấp cả pháp luật, tăng lên rất nhiều, ngày càng trắng trợn rõ rệt. Điều đó rất nguy hiểm.
Thật ra tôi cũng đã cao tuổi nên không thể nào mà cái gì cũng lên tiếng được, nhưng đây là lần thứ hai tôi lên tiếng về việc bắt người với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».Lần đầu tiên tôi lên tiếng là về vụ Cù Huy Hà Vũ, vì đó là một trí thức đã có những hành động mà tôi cho là can đảm. Ông là một người có thể nói là rất đủ điều kiện để được vinh thân phì gia, nhưng đã chấp nhận con đường đấu tranh rất thẳng thắng và kiên trì, cho nên tôi rất cảm phục. Việc bắt ông Cù Huy Hà Vũ cũng đã diễn ra một cách rất là trái đạo lý.
Lần này là lần thứ hai tôi lên tiếng. Đây là một nữ sinh viên rất là trong sáng, hồn nhiên, nhưng lòng yêu nước của em rất là rõ. Việc bắt Phương Uyên cũng diễn ra hết sức là tùy tiện, không theo luật pháp gì cả. Việc này thách thức lương tri của một người dân bình thường. Mức độ bất chấp luật pháp ngày càng tăng lên. Cho nên tôi không thể không lên tiếng.
RFI: Ông có thể lý giải được phần nào việc chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp không chỉ đối với những người chỉ trích chính quyền, mà ngay cả đối với những người có những hành động, biểu hiện phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông ?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Có nhiều cái thật ra tôi rất khó hiểu. Tôi chỉ là một người dân bình thường, không phải là nhà nghiên cứu, cũng như không tham gia các hoạt động chính trị, nhưng tôi cũng có suy nghĩ, cũng có tham khảo các thông tin, vậy mà tôi cũng không hiểu nổi tại sao Nhà nước lại hành xử như thế.
Trước tình hình càng ngày càng cần phải dựa vào dân và tạo khối đoàn kết chặt chẽ giữa người dân với chính quyền, họ lại tăng cường những hành động làm do dân xa chính quyền, không tin vào chính quyền và oán ghét những lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tức là lực lượng công an.
Quả thật là một lương tri bình thường cũng không thể hiểu nổi. Tôi chỉ có thể lý giải là có thể có một bộ phận, không biết chiếm tỷ lệ là bao nhiêu, cảm thấy quá lúng túng và sợ hãi trước việc những cái xấu xa, vô lý trong cách điều hành của họ, trong chủ trương của họ, bị phơi bày mà không gì có thể lý giải và biện minh được với nhân dân. Cho nên họ còn một cách là đàn áp, với sự lo sợ là nếu ngày càng có nhiều người lên tiếng, đối kháng, bất đồng, thì sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ quyền thống trị của họ.
Nhưng tôi cho là cách suy nghĩ như thế cũng cực kỳ phi lý, bởi vì lịch sử xưa nay, cũng như hiện tình thế giới, cho thấy là càng trấn áp thì càng dễ dẫn đến bạo loạn, cũng giống như giải khát bằng thuốc độc. Quả thật là tôi cũng không hiểu nổi vì sao họ lại hành xử như vậy.
RFI: Thưa nhà thơ Hoàng Hưng, phải chẳng việc bắt giữ một nữ sinh chân yếu tay mềm như Phương Uyên cho thấy chính quyền muốn răn đe những người nào có ý định tập hợp thành những phong trào, tổ chức dần dần đe doạ đến độc quyền lãnh đạo của Đảng ?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Đương nhiên tôi nghĩ là họ nghĩ như thế, nhưng như tôi đã nói như trên, cách suy nghĩ như vậy không mang tính biện chứng một chút nào cả. Những hành động như thế chỉ càng thúc đẩy nhanh sự đối kháng. Từ những ý kiến cá nhân, người ta tập hợp lại thành tổ chức, thành phong trào, đó là lẽ đương nhiên của sự phát triển lịch sử. Chúng tôi phải lên tiếng bởi vì nếu họ làm một cách đàng hoàng, minh bạch, đúng luật pháp thì còn là khả dĩ. Đằng này họ lại bắt bớ và xét xử hết sức tùy tiện, trái với cả chính luật pháp của họ. Tôi cho là đầu óc của họ cũng không bình thường.
RFI: Khi tham gia ký tên vào bức thư gởi Chủ tịch nước, trong thâm tâm ông có nghĩ là ông Trương Tấn Sang có thể làm được gì để cứu Phương Uyên khỏi lao tù, hay là bức thư đó cũng sẽ chẳng có tác dụng gì đối với chính quyền ?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Tôi đã là người từng tham gia hoặc chủ động thảo một số kiến nghị và thỉnh nguyện thư trước đây. Đến nay tôi cũng vẫn sẳn sàng ký tên vào những kiến nghị nào hợp với ý kiến của tôi. Cũng có những bạn bè nói với tôi rằng làm những việc này cũng vô ích, vì họ chẳng thèm nghe đâu, như nước đổ lá khoai thôi, mà có khi lại mang hoạ vào thân. Nhưng tôi nghĩ rằng mình trước hết là một nhà trí thức, một người cầm bút, ít nhiều cũng có người biết đến. Trước hiện tình của đất nước, trước những bất công, phi lý, mình không lên tiếng tức là mình đồng loã.
Trước hết, lương tâm không cho phép tôi im tiếng. Thứ hai, tôi không bao giờ tuyệt vọng đến mức nghĩ rằng những điều mình làm là vô ích, bởi vì tôi nghĩ rằng, chỉ một giọt nước chảy cũng đủ làm đá mòn. Bất cứ việc làm nào của mình dù nhỏ nhất, nhưng đứng về phía chính nghĩa, về phía tích cực, thì nó sẽ có tác động không ít thì nhiều.
Việc gởi thư hay kiến nghị lên các lãnh đạo Nhà nước cũng vậy thôi. Nó không có tác động ngay bây giờ, không đạt thành công cụ thể, thì cũng sẽ có tác động dần dần, lâu dài. Cụ thể trong việc này, tại sao tôi lại ký vào thử gởi ông Trương Tấn Sang ? Lâu nay tôi cũng tự hỏi và hỏi nhiều bạn bè rằng : trong số những người Cộng sản đang nắm chính quyền các cấp, nhiều người xưa kia đã thể hiện lòng yêu nước, đã hy sinh gia đình, bản thân họ, chẳng lẽ không còn những người vẫn đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết, sẳn sàng hy sinh vì dân tộc hay sao ?
Chẳng lẽ tất cả trong số họ hay con cháu họ đều đã biến chất, thoái hóa thành những kẻ hại dân, sẵn sàng bán rẻ quyền lợi Tổ quốc để bảo vệ lợi ích cá nhân của mình. Tôi không tin vào điều đó. Tôi nghĩ là trong số họ vẫn còn những người giữ được cái mà thiền sư Nhất Hạnh gọi rất hay là « cái tâm ban đầu ». Có điều là họ chưa làm đuợc, họ chưa đủ mạnh, hoặc bị một sai lầm nào đó. Cho nên,chúng tôi lên tiếng kiên trì, không mỏi mệt, để thúc giục họ suy nghĩ, để họ có quyết tâm sửa những cái sai. Có những cái sai gây tổn thất rất lớn. Nhưng tôi không cho cái gì là quá chậm hay quá muộn, cái gì là vô ích.
Tất nhiên thư này không phải chỉ gởi đích danh ông Trương Tấn Sang, mà cũng là tiếng nói để tất cả những người đang nắm trách nhiệm trong chính quyền phải suy nghĩ. Hành động này cũng nhắm vào những người cũng đang chịu sự lãnh đạo, nhưng chưa chắc đã có suy nghĩ thấu đáo, mà còn rất mơ hồ về hiện tình của đất nước. Lâu nay, cách tuyên truyền của chính quyền làm cho khá nhiều người vẫn còn rất là mơ hồ về tình hình chính trị, xã hội, thậm chí ngại ngùng, né tránh. Những lá thư kiến nghị như thế này, ngoài việc gởi trực tiếp cho các nhà lãnh đạo, cũng sẽ có tác động đến suy nghĩ, ý thức về chính trị xã hội của người dân nói chung.
RFI: Xin cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng.
Vụ bắt giữ và khởi tố Nguyễn Phương Uyên xảy ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp những người tham gia biểu tình hoặc hoạt động phản đối Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Mới đây nhất, hai nhạc sĩ Việt Khang ( tên thật Võ Minh Trí ) và Trần Vũ Anh Bình đã bị kết án tù 4 năm và 6 năm cũng với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”, chỉ vì hai nhạc sĩ này là tác giả những bài hát thể hiện lòng yêu nước và bày tỏ thái độ phẩn nộ trước các hành vi xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như bày tỏ sự bất bình về chính sách của chính phủ Việt Nam trên vấn đề này.
Vụ xử hai nhạc sĩ nói trên đã gặp sự phản đối từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng như từ các chính phủ phương Tây như Mỹ và Pháp. Trong một bản thông cáo báo chí đề ngày 01/11, Phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng bản án đó là biểu hiện mới nhất của “một loạt các vụ bắt giữ và kết án tại Việt Nam nhắm vào những người chỉ muốn bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa”. Theo ông Toner, đó cũng là ví dụ mới nhất về tình hình “nhân quyền ngày càng xấu đi tại Việt Nam”.
Trước đó, trong một thông cáo đề ngày 31/10/2012, đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Pháp, Paris cũng đã chỉ trích việc kết án tù hai nhạc sĩ Việt Nam và nhắc lại là Pháp vẫn ủng hộ quyền tự do báo chí. Bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp cũng nhắc lại rằng vụ xử hai nhạc sĩ Việt Khkang và Trần Vũ Anh Bình diễn ra sau vụ kết án tù nặng nề ba blogger ngày 24/09, đó là các blogger Điếu Cày ( Nguyễn Văn Hải ) Anhbasg ( Phan Thanh Hải ) và Tạ Phong Tần. Ba blogger nói trên cũng là những người đã tích cực tham gia các phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc hoặc có những bài viết theo nội dung đó.
Báo chí chính thức của Việt Nam trong thời gian qua cũng đã có nhiều bài khẳng định là « các thế lực thù địch » đang lợi dụng lòng yêu nước để kích động dân chúng chống Đảng, chống Nhà nước, như bài viết « Phản động nhân danh Nhà nước » đăng trên tờ Nhân Dân ngày 16/10.
...♥.♥.♥...
Nguồn : RFI - Thanh Phương - Thứ hai 05 tháng mười một 2012
...♥.♥.♥...
...♥.♥.♥...
Việt Nam kết án tù 2 nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình với tội danh ''tuyên tuyền chống Nhà nước''
http://youtu.be/nBlEK10OnYE
Trung Quốc và Đài Loan “bắt tay” trên Biển Đông
http://youtu.be/CwYix8DN9MI
Thỉnh Nguyện Thư - Triệu Con Tim (Million Hearts) Một Tiếng Nói - democracyforvietnam
http://youtu.be/fY95eFW7Hpk
...♥.♥.♥...
http://youtu.be/nBlEK10OnYE
http://youtu.be/CwYix8DN9MI
http://youtu.be/fY95eFW7Hpk
...♥.♥.♥...
Phản đối Trung Cộng cũng phải phản đối từ từ. Đừng có làm ồn ào quá mà ảnh hưởng đến 4...xầu, 16 chữ...sình. Hãy học như ông phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao kia. Cứ một hai ngày hợp báo nói năng rất lịch sự " chúng tôi phản đối..., chúng cực lực phản đối...., chúng tôi mạnh mẽ phản đối..., chúng tôi cương quyết phản đối..." Cứ nói như vậy cho nó dịu dàng êm ái mà không gây mất trật tự, không sứt mẻ tình hữu hảo. Cho tới khi nào không còn gì để phản đối nữa... thì thôi.
Trả lờiXóa