(Nghiên Cứu Biển Đông) - Trung Quốc đầu tư vài tỷ USD mỗi năm vào khu vực Đông Nam Á để tăng cường ảnh hưởng và thúc đẩy các lợi ích chiến lược tại khu vực này. Tuy nhiên, cuộc “tấn công hấp dẫn” của người Trung Quốc lại đang tỏ ra kém hiệu quả hơn người ta vẫn nghĩ.
Trung Quốc đầu tư vài tỷ USD mỗi năm vào khu vực Đông Nam Á để tăng cường ảnh hưởng và thúc đẩy các lợi ích chiến lược tại khu vực này. Mặc dù sự đầu tư này trong chừng mực nào đó đã giúp Bắc Kinh cải thiện mối quan hệ với Việt Nam và các nước láng giềng khác ở Đông Nam Á, nhưng cuộc “tấn công hấp dẫn” (charm offensive) của Trung Quốc vốn được giới phân tích theo dõi khá sát sao[1] lại tỏ ra kém hiệu quả hơn so với nhận thức thông thường. Các dự án phát triển của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương và những luận điệu mang nặng tính chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ngày càng làm cho mối quan hệ của họ với các bên tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng.
Một thập kỷ của sức hấp dẫn - và tiền
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc từng nhấn mạnh “sự trỗi dậy hòa bình”, quan điểm không đối đầu và giọng điệu ôn hòa tại khu vực Biển Đông. Kết quả là, thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển chính thức (ODA) là những yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các quốc gia chủ chốt trong khu vực[2].
Sách trắng về viện trợ nước ngoài năm 2011 của Trung Quốc – được xem là một bước đột phá khi công khai các thông tin về chính sách và số liệu ODA của Trung Quốc – đã khẳng định mục đích viện trợ nước ngoài của Trung Quốc là để củng cố mối quan hệ thân thiện và hợp tác kinh tế thương mại với các nước đang phát triển khác, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và đóng góp vào “sự phát triển chung của nhân loại.” Theo sách trắng, Trung Quốc đã cung cấp 39 tỷ USD viện trợ nước ngoài vào cuối năm 2009, bao gồm 16,6 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, 11,6 tỷ USD là các khoản vay không lãi và 11,19 tỷ USD là các khoản vay ưu đãi. Các dự án “chìa khóa trao tay” chiếm 40% trong tổng số này. Sách trắng cũng lưu ý rằng có 123 quốc gia đang phát triển nhận viện trợ thường xuyên, trong đó có 30 quốc gia ở châu Á và 51 quốc gia ở châu Phi. Cả châu Á và châu Phi chiếm khoảng 80% trong tổng số viện trợ nước ngoài của Trung Quốc[3].
Mặc dù sách trắng không đưa ra các số liệu cụ thể cho từng quốc gia nhưng Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã ước tính rằng số tiền đầu tư, thương mại và ODA vào khu vực Đông Nam Á - đặc biệt là viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng - đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây và Trung Quốc là một trong những nguồn viện trợ lớn nhất cho khu vực Đông Nam Á[4]. Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát hành cùng thời điểm với Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Bali tháng 11 năm 2011, đã nêu bật sự tăng trưởng nhanh chóng trong thương mại Trung Quốc-ASEAN, trung bình tăng hơn 20% mỗi năm từ năm 1991, cũng như sự tăng trưởng trong đầu tư hai chiều lên đến gần 80 tỷ USD. Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN có hiệu lực từ năm 2010 với việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho hơn 90% các sản phẩm nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ giúp thắt chặt quan hệ thương mại giữa hai bên[5].
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với các quốc gia láng giềng ở Biển Đông. Với Việt Nam, một đối tác thương mại lớn, Trung Quốc đã giúp phát triển xây dựng đường sắt, phát triển thủy điện và các cơ sở đóng tàu. Ở Philippin, Trung Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp và khai thác mỏ. Một báo cáo đã chỉ ra Trung Quốc là nguồn cung cấp ODA song phương lớn thứ ba của Philippin năm 2006, sau Nhật Bản và Vương quốc Anh, trong khi một báo cáo khác cho biết Philippin là nước nhận nhiều nhất các khoản vay của Trung Quốc ở Đông Nam Á, với tổng trị giá 2 tỷ USD theo các cam kết năm 2007[6]. Tháng 11 năm 2011, Trung Quốc và Brunei đã ký bốn Bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng, thương mại dầu khí và thành lập các “thành phố kết nghĩa”[7]. Mặc dù rất khó tìm được các con số chính xác nhưng một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc là nhà cung cấp chính các khoản hỗ trợ kinh tế cho Myanmar, Campuchia và Lào, đồng thời tài trợ cho một số dự án liên quan đến năng lượng, cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp và các dự án trọng điểm khác ở những nước này[8].
Tại khu vực Đông Nam Á, cũng như ở các nơi khác, cách thức viện trợ và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có sự khác biệt so với các chuẩn mực quốc tế được chấp nhận rộng rãi, vốn đòi hỏi sự quản trị tốt, tính minh bạch và tính có điều kiện. Trong khi các thông lệ chính thống về viện trợ phát triển trên thế giới có xu hướng đặt ra các điều kiện để được viện trợ hoặc cho vay, chẳng hạn như yêu cầu nước tiếp nhận phải thiết lập thị trường mở hoặc xây dựng chính sách quản trị tốt, chính sách viện trợ phát triển bao trùm của Trung Quốc là “không can thiệp” vào nước nhận các khoản đầu tư và ODA của họ. Sách trắng mới đây về viện trợ nước ngoài đã lưu ý rằng “Trung Quốc không bao giờ sử dụng viện trợ nước ngoài như một phương tiện để can thiệp vào công việc nội bộ của nước nhận viện trợ hoặc tìm kiếm đặc quyền chính trị cho chính mình.”[9] Tuy nhiên, trong thực tế, Trung Quốc thường sử dụng chính sách đầu tư phát triển của họ để khai thác tài nguyên hay để đạt được các kết quả ngoại giao thuận lợi.
Tuy nhiên, cách tiếp cận về phát triển trên của Trung Quốc lại khá hấp dẫn đối với các chính phủ đang không hài lòng với những yêu cầu về quản trị tốt hay các quy định khác của các nhà viện trợ song phương và đa phương. Nguyên tắc không can thiệp của Trung Quốc tạo ra tiếng vang mạnh với các quốc gia ASEAN - một tổ chức vốn gìn giữ những nguyên tắc như không can thiệp công việc nội bộ của nhau và tăng cường hợp tác. Do vậy, trong một thập kỷ qua, cách thức viện trợ tư lợi nhưng vô điều kiện của Trung Quốc đã đặc biệt thu hút chính phủ một số nước Đông Nam Á, dù không phải lúc nào cũng hấp dẫn đối với những cộng đồng dân cư địa phương chịu tác động trực tiếp từ các dự án cụ thể.
Liệu các khoản đầu tư của Trung Quốc có chuyển thành “sức hút” hay không?
Trung Quốc hy vọng rằng những đầu tư cho khu vực sẽ chuyển thành ảnh hưởng theo hai cách: thúc đẩy hợp tác và thiện cảm nội bộ trong từng nước cũng như giúp đạt được các kết quả thuận lợi cho Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, những diễn biến vài năm qua cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc trong cả hai mặt trên vẫn còn hạn chế.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng
Bằng việc sử dụng các khoản viện trợ phát triển để vụ lợi cho riêng mình một cách khá lộ liễu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thất bại trong việc tạo ra thiện chí thực sự giữa các nước đối tác. Trung Quốc sử dụng vốn và viện trợ phát triển nước ngoài để tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và các lợi ích chiến lược khác, đôi khi còn gây tổn hại đến lợi ích của các nước tiếp nhận viện trợ và đầu tư. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với viện trợ và đầu tư song phương lại nằm ngoài khuôn khổ đang định hình về các tiêu chuẩn toàn cầu định hướng cho các hoạt động viện trợ như vậy. Các tiêu chuẩn này thường nhấn mạnh đến quyền sở hữu của địa phương đối với các dự án, sự tham gia và trao quyền cho các xã hội dân sự địa phương, tính minh bạch xung quanh việc phát triển các dự án cũng như chính sách thu hút thêm các nhà viện trợ.
Ví dụ từ Việt Nam và Philippin có thể minh họa rõ nét cho nhận định này. Tại Việt Nam, nước có trữ lượng bô-xít lớn thứ ba thế giới, một thỏa thuận với công ty con của một tập đoàn khai thác khoáng sản nhà nước của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, trong đó có các anh hùng chiến tranh, các nhà sư và các nhà hoạt động môi trường. Mặc dù tình cảm dân tộc cũng là một phần nguyên nhân kích động sự phản đối này nhưng những tác động đến môi trường cũng như bản chất thật của cách tiếp cận Trung Quốc đối với việc khai thác khoáng sản ở Việt Nam - đó là mang hàng ngàn lao động Trung Quốc vào Việt Nam - mới là những mối lo ngại chính cho vấn đề khai thác quặng bô-xít tại Việt Nam[10].
Đối với Philippin, Trung Quốc đã cho nước này vay một khoản trị giá 500 triệu USD để xây dựng tuyến đường sắt liên kết Clark với Manila - thời điểm đó được miêu tả như là một ví dụ điển hình về sự hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, tuyến đường sắt đã dính vào nhiều tranh cãi khi các nhà phê bình cáo buộc có dấu hiệu tham nhũng và uẩn khúc trong dự án này. Một luật sư cố vấn cho Quốc hội Philippin phát biểu năm 2009: “Trong khi các công ty Mỹ và châu Âu phải tuân thủ các nguyên tắc về chống tham nhũng, người Trung Quốc tôi có thể nói là hoàn toàn phớt lờ các quy chuẩn về sự minh bạch và trách nhiệm. Và đó [là] điều đáng lo ngại”[11]. Dự án đường sắt, cuối cùng đã bị đình chỉ vì những cáo buộc tham nhũng, gần đây đã được chính phủ Philippin xem xét lại sau khi Trung Quốc đồng ý sửa đổi điều khoản về kinh phí và thiết kế.
Một câu chuyện khác gần đây của Myanmar còn đáng chú ý hơn. Trung Quốc từ lâu đã xem Myanmar là một đồng minh vững chắc, đặc biệt khi nước này chào đón các nguồn đầu tư vốn được thiết kế để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cấp thiết của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2011 giới lãnh đạo Myanmar đã đột ngột dừng một dự án thủy điện lớn của Trung Quốc. Dự án bị dừng một phần là vì Myanmar cho rằng nó phục vụ chủ yếu cho nhu cầu điện của các thành phố miền đông của Trung Quốc, hơn là mang lại lợi ích cho người dân địa phương của Myanmar. Hơn nữa, dự án này được đánh giá là không minh bạch và không tính đến quan điểm và lợi ích của người dân địa phương và các nhóm xã hội dân sự của Myanmar – những người đã phản đối dự án này và các dự án xây dựng đập thủy điện khác của Trung Quốc[12]. Điều đáng kinh ngạc là những mối lo ngại trên đã góp phần, không ít thì nhiều, dẫn đến quyết định của Myanmar tạm dừng một dự án quan trọng với nhà tài trợ chính của họ.
Căng thẳng trên Biển Đông
Thật khó để chứng minh rằng sự đầu tư, thương mại và viện trợ của Trung Quốc đã trực tiếp mang đến những lợi ích cụ thể cho Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, cách tiếp cận về đầu tư và phát triển của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á đã trùng hợp với “sự làm giảm một cách có ý thức các tranh chấp chưa được giải quyết trong khu vực.”[13]
Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippin, Malaysia, Indonesia và Brunei là các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông với những yêu sách khác nhau (yêu sách chủ quyền đối với các đảo hoặc các hình thái địa chất hoặc yêu sách các quyền trên biển). Thập niên 1990 đã chứng kiến căng thẳng leo thang và xung đột bùng nổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên biển trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Sau đó là một khoảng thời gian tương đối yên tĩnh, được đánh dấu bằng việc Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông vào năm 2002. Lãnh đạo Trung Quốc đã công khai hành động này như tín hiệu cho sự sẵn sàng giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ hợp tác.
Tuy nhiên, tình hình gần đây đã trở nên tồi tệ khi Trung Quốc trở lại với những lời lẽ hiếu chiến và hành động ngày càng cứng rắn hơn, làm cho các đối tác thương mại và đầu tư của họ trong khu vực rất lo lắng. Trong năm 2011, các tàu hải giám Trung Quốc đã tỏ ra hung hăng hơn so với trước khi ba lần quấy rối tàu của các nước khác trong vùng biển tranh chấp[14]. Theo quan sát của các nhà phân tích khu vực, các ấn phẩm của Trung Quốc dành cho độc giả nước ngoài cũng mang giọng điệu chủ nghĩa dân tộc hơn. Một nhà phân tích đã viết trên tờ Bưu điện Jakarta: “Thời báo Hoàn Cầu có trụ sở tại Bắc Kinh đã xuất bản một bài xã luận sắc bén cảnh báo các bên yêu sách ở Biển Đông nên chuẩn bị tinh thần cho ‘tiếng nổ của đại bác’... Trung Quốc cần phải học cách bước đi và nói chuyện nhẹ nhàng hơn”[15]. Các quốc gia khác cũng đã phản ứng tiêu cực với những lời lẽ và hành động của Trung Quốc, và một số nước đã đáp trả lại bằng những lời lẽ và hành động chủ nghĩa dân tộc của riêng họ.
Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2012, giữa Philippin và Trung Quốc đã xảy ra xung đột gần Bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng ở Philippin trước khi cả hai bên rút tàu của họ để hạ nhiệt căng thẳng. Ngay sau đó, một tàu khu trục Trung Quốc bị mắc cạn ở chính vùng biển đó, gần như đẩy hải quân Philippin vào một thế kẹt mới trước khi con tàu này nổi lên và trở về nhà[16]. Trong các sự cố trên, Bắc Kinh đã cố gắng sử dụng lợi thế kinh tế của mình để buộc Manila xuống thang và để ngăn chặn Manila thách thức các tàu của Trung Quốc trong tương lai. Trung Quốc đã hủy các chuyến du lịch, trì hoãn việc nhập khẩu nông sản và tạo ra bất ổn chung cho quan hệ song phương trong tương lai – những việc này đã ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những hành động này của Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của Philippin hay không nhưng điều này bộc lộ những hạn chế trong chiến lược đầu tư của Trung Quốc[17].
Kết luận
Trái ngược với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được các thỏa thuận thương mại, gia tăng đầu tư và che phủ khu vực với các khoản viện trợ phát triển, điều đáng ngạc nhiên là mức độ nhỏ bé mà chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc ở khu vực đóng góp vào việc làm giảm các tranh chấp ngoại giao và an ninh tiêu cực giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng. Có hai cách giải thích. Thứ nhất, những lợi ích an ninh cứng, đặc biệt là những lợi ích gắn chặt chẽ với cốt lõi bản sắc dân tộc, đã lấn át lợi ích kinh tế của các nước láng giềng Trung Quốc trên Biển Đông. Thứ hai, mặc dù Trung Quốc đã sẵn lòng vượt ra ngoài khuôn khổ của các quy tắc phát triển toàn cầu như là một “món quà” dành cho nước nhận viện trợ song phương, việc không tuân theo các quy chuẩn chung này có thể làm giảm bớt tác động tích cực dự kiến của các khoản viện trợ trong dài hạn. Nếu Trung Quốc trong con mắt của những nước nhận viện trợ chỉ quan tâm duy nhất đến các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc thì lợi thế thương mại tạo ra bởi viện trợ và đầu tư của nó có thể chỉ là thoáng qua khi những tranh chấp ngắn hạn về ngoại giao và an ninh phát sinh.
Shanthi Kalathil là một nhà tư vấn phát triển độc lập và là nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Nghiên cứu Ngoại giao của Đại học Georgetown. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang CNAS.
Thiên Hương (dịch)
Minh Ngọc (hiệu đính)
[1] Elizabeth Economy, “China’s Rise in Southeast Asia: Implications for the United States,” Journal of Contemporary China, 14 no. 44 (August 2005), 409-425.
[2] Thomas Lum, Hannah Fischer, Julissa Gomez-Granger and Anne Leland, “China’s Foreign Aid Activities in Africa, Latin America, and Southeast Asia,” R40361 (Congressional Research Service, February 25, 2009)
[3] Sđd
[4] Sđd
[5] “China-ASEAN cooperation: 1991-2011,” China Daily, November 16, 2011.
[6] Lum et al., “China’s Foreign Aid Activities in Africa, Latin America, and Southeast Asia,” 16
[7] “New phase for China, Brunei,” The Brunei Times, November 23, 2011.
[8] Lum et al., “China’s Foreign Aid Activities in Africa, Latin America, and Southeast Asia,” 16.
[9] “White Paper: China’s Foreign Aid,” China Daily, April 22, 2011.
[10] “Vietnam and China: Bauxite Bashers,” The Economist, April 23, 2009
[11] Scott Tong, “Filipinos Protest Chinese Influence,” Marketplace (American Public Media), March 7, 2008.
[12] Andrew Higgins, “Chinese-funded Hydropower Project Sparks Anger in Burma,” The Washington Post, November 7, 2011.
[13] Evelyn Goh, “China and Southeast Asia,” Foreign Policy in Focus, December 12, 2006
[14] Taylor M. Fravel, “Maritime Security in the South China Sea and the Competition over Maritime Rights,” in Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea, ed. Patrick M. Cronin (Washington: Center for a New American Security, 2012).
[15] Meidyatama Suryodiningrat, “News Analysis: Five Reasons Why Southeast Asia is Wary About China,” The Jakarta Post, November 1, 2011. Mặc dù trang xã luận của Thời báo Hoàn Cầu thường xuyên thể hiện đường lối cứng rắn mang nặng chủ nghĩa dân túy có thể chưa phản ánh hết sự đa dạng trong tư duy của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, nó được xuất bản bởi tờ Nhân dân Nhật báo và do đó phần này nhật được sự phê chuẩn nhất định của giới chức Trung Quốc.
[16] “Philippines urges China to explain stranded frigate,” BBC News, July 14, 2012
[17] Josephine Cuneta and James Hookway, “China Dispute Threatens Philippine Industries,” The Wall Street Journal, May 16, 2012, http://online.wsj.com/article/SB10001424052702303879604577407730408858666.html?mod=WSJASIA_hpp_MIDDLETopNews.
...♥.♥.♥...
Nguồn : Nghiên Cứu Biển Đông - Thứ năm, 08 Tháng 11 2012
...♥.♥.♥...
...♥.♥.♥...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.