Ngày 14/3/1988 trong một trận hải chiến ác liệt để giữ gìn biển đảo của Tổ quốc (3 bãi đá ngầm Gạc-ma, Len-đao và Cô-lin) 64 chiến sĩ kiên cường của chúng ta đã anh dũng hy sinh trước mũi lê và đạn pháo của quân xâm lược Trung Quốc. Lịch sử đã ghi lại rõ từng chi tiết. Xin trích hai đoạn ngắn trong Wikipedia:
“6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết ông đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân“.[4]…
Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Vũ Phi Trừ – thuyền trưởng, Trần Đức Thông – lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đảo Gạc Ma”.
Một sự kiện lịch sử đau thương và anh hùng như thế mà Trung ương Đảng và Chính phủ tuyệt nhiên không tổ chức kỷ niệm, giữa lúc đang cần động viên tinh thần đánh giặc cứu nước hơn lúc nào hết! Đã thế khi hội Cựu chiến binh ngành Dầu khí Việt với sự ủng hộ của Tư lệnh quân chủng Hải quân dự định tổ chức lễ vinh danh, tri ân và trao tặng (đợt 1) một số gia đình có thân nhân là Liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 ấy, thì cuối cùng nhận được tin sét đánh: thượng cấp không cho làm!”.
Thượng cấp ấy là ai, phải làm cho rõ! “Thượng cấp” ra lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Hải quân phải ở cấp nào? Kẻ chủ trương không kỷ niệm một chiến tích lịch sử của dân tộc phải ở cấp nào?
Nhân dân nhiều người nhắc đến các Liệt sĩ ngày 14 tháng 3 không cầm được nước mắt, nhóm các thanh niên “No-U” đã ra tận vùng biển Quảng Ninh nơi giáp danh giữa Trung Quốc và Việt Nam, thắp lên 64 ngọn nến trên biển để tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã bỏ mình vì biển đảo quê hương…
Còn những người lãnh đạo tối cao thì… cấm, cấm, cấm! (Hay là câm, câm, câm?). Sợ kẻ thù đến cỡ đó thì làm sao giữ nước? Với ai đó thì Im lặng này có thể là vàng 16 chữ, chứ với các Liệt sĩ và với Dân tộc thì Im lặng này là sỉ nhục! Một cựu chiến binh đã nói rất đúng: giữ đảo, giữ biển không nằm ở tàu to súng lớn mà nằm ở lòng người. Tiếc thay lòng dân không thiếu.
Hãy cùng nhau giữ một phút mặc niệm trong lời hô của Liệt sĩ Trần Văn Phương trước khi ngã xuống “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho MÁU của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân!
Dòng máu hồng của con em nhân dân Việt Nam mình phải đâu nước lã?
***
Bài trên báo Việt Nam sau khi xảy ra vụ Gạc Ma, nói là các anh hùng, liệt sĩ của ta “bị nạn” (blog Mẹ Nấm)
Trước 14-3-2012 gần 2 tháng, hội Cựu chiến binh ngành Dầu khí Việt Nam có kế hoạch hoạch đúng ngày 14-3-2012, sẽ tổ chức lễ vinh danh, tri ân và trao tặng (đợt 1) một số gia đình có thân nhân là Liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 ở Trường Sa, hiện có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền tròn 200 triệu đồng.
Đợt 2 sẽ trao cho các gia đình liệt sĩ 14-3-88 khác, vào 14-3-2013.
Theo kế hoạch phối hợp cùng báo Thanh niên (Văn phòng đại diện tại Nha Trang) và các báo Nông thôn ngày nay, Cựu chiến binh Việt Nam… buổi lễ sẽ diễn ra tại trụ sở Vùng 4 hải quân (bán đảo Cam Ranh) – có đơn vị trực thuộc là Lữ đoàn 146 đang trấn giữ Trường Sa.
Được sự thống nhất và hoan nghênh của lãnh đạo bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân, đại diện các báo trên đã cấp tốc đến Vùng 4, làm việc với chủ nhiệm Chính trị và trưởng ban Chính sách Vùng 4, bàn kế hoạch phối hợp triển khai khá chi tiết. Theo đó, Vùng 4 lo bố trí, trang trí hội trường buổi lễ, phòng ốc và ăn uống cũng như xe đưa đón đại diện gia đình liệt sĩ từ sân bay Cam Ranh, ga Nha Trang về nhà khách Vùng 4, với chi phí do phía Dầu khí đài thọ (khoảng 140 triệu, ngoài 200 triệu quà trao nói trên), kể cả chi phí khẩu hiệu, phông màn,… Các báo lo liên hệ mời, mua vé phương tiện đưa thân nhân liệt sĩ đến nhà khách Vùng 4.
Di ảnh, thư từ của anh hùng Trần Văn Phương với người vợ của mình ở thôn Đơn Sa (blog Cu làng cát)
Biết tin, rất nhiều thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh Trường Sa khấp khởi mong đến ngày lễ đầy ý nghĩa này.
Hỡi ôi! Gần đến 14-3-2012, tin sét đánh: thượng cấp không cho làm!
Buồn quá!
Tấm bia trên phần mộ của anh Trần Văn Phương chỉ đề là liệt sỹ, thiếu đi rất nhiều chi tiết trong đó có hai chữ anh hùng (blog Người Ba Đồn)
Nghĩ mà tủi phận các Liệt sĩ, gần một phần tư thế kỷ vẫn lạnh lẽo trong con tàu 604 nơi dưới đáy biển Gạc Ma xa xôi. Cũng chẳng ai đoái hoài việc yêu cầu Trung Quốc không làm khó Việt Nam ra quy tập các anh về đất liền quê nhà. Gia đình các anh thì nghèo khổ, còn nhân dân, đồng đội muốn vinh danh, tri ân các anh cũng chẳng được. Ngày giỗ các anh, chẳng thấy nhân vật chóp bu nào hé môi nhắc.
Chẳng lẽ máu xương, sinh mệnh các anh hiến dâng cho Tổ quốc thành uổng phí?
V. V. T.
***
“Khóc cho anh em hy sinh, cũng không được phép”…
Mai Thanh Hải
Nhà báo T, Phóng viên báo X kể với mình buổi sáng:
Từ mấy tháng trước, anh T thay mặt Báo, lặn lội tìm đến thăm gia đình 34/64 Liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa (30 gia đình còn lại ở các địa phương khác, sẽ thăm sau).
Báo cũng đã làm việc và thống nhất tổ chức cuộc gặp mặt 34 gia đình Liệt sĩ, tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
Thành phần buổi gặp mặt bao gồm các mẹ của Liệt sĩ (mỗi mẹ được đưa 1 người thân đi cùng), lãnh đạo đại diện Hải quân và cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa…
Cuộc gặp mặt được sự giúp đỡ của Hội Cựu Chiến binh của 1 doanh nghiệp: Đài thọ tiền đi lại cho thân nhân Liệt sĩ; tặng quà cho mỗi gia đình…
Tất cả mọi việc đã hoàn tất, giấy mời đã được phát đi, hẹn ngày 14/3/2012 gặp mặt tại Cam Ranh.
Đùng cái, cách đây 3 ngày (11/3/2012), có lệnh của “trên” yêu cầu hủy cuộc gặp mặt.
Nhà báo T cay đắng: “Anh trở thành người đi phỉnh (lừa) các mẹ Liệt sĩ” và chán nản: “Giỗ anh em hy sinh mà không dám tổ chức. Khóc anh em hy sinh cũng không được phép khóc!”…
Mình nghe xong câu chuyện, cũng chán ặt người: “Tổ quốc có bao giờ HÈN thế này không?
M. T. H.
***
Thanh niên Việt Nam tưởng niệm hải chiến Trường Sa - Gạc Ma
Hải Dương Xanh (Danlambao) - Những ngày tháng 2 và tháng 3 là những ngày đau buồn của dân tộc Việt Nam. Cách đây 33 năm (17/02/1979) Trung Quốc đã xâm lược biên giới phía Bắc của Việt Nam. Và cách đây 24 năm (14/03/1988), TQ lại tiếp tục xâm chiếm các đảo trong quần thể Trường Sa của Việt Nam. Thế mà sau ngần ấy thời gian không có lấy một chương trình hay một buổi tưởng niệm nào để nhớ tới những biến cố lịch sử ấy.
Tuổi trẻ không thể mãi sống trong sự thờ ơ đó được. Chúng tôi quyết định phải làm một việc gì đó để tưởng niệm vong linh những người lính đã hy sinh vì biển đảo quê hương.
Kỷ niệm 24 năm Hải chiến Trường Sa, nhóm các thanh niên "No-U" – là những người trẻ phản đối chính sách đường lưỡi bò phi lý, phản đối việc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc - đã có mặt tại vùng biển Quảng Ninh nơi giáp danh giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Chúng tôi lên đường mang theo lòng biết ơn đối với những chiến sỹ đã bỏ mình vì biển đảo quê hương, thắp những ngọn nến tưởng nhớ hải chiến cuộc hải chiến trường sa năm 14/3/1988.
Sáu mươi tư ngọn nến được thắp lên tượng trưng cho sáu mươi tư liệt sỹ bị lực lượng hải quân Trung Quốc sát hại. Ba tàu mô hình đã được làm tượng trưng cho ba tàu chiến của Hải Quân Việt Nam đã tham gia trận chiến bảo vệ biển đảo Việt Nam với ký hiệu "HQ505 - HQ604 - HQ605".
24 năm đã trôi qua và thanh niên Việt Nam không thể nào quên máu các chiến sỹ hải quân đã đổ ra nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mỗi một ngọn nến như một lời tri ân.
24 năm trôi qua, nỗi đau về một phần sự thật của lịch sử bị chôn vùi bởi 16 chữ vàng trong quan hệ ngoại giao vẫn còn đó.
Và chúng tôi – những người trẻ biết rằng: Lịch sử là những gì đã trải qua, đã diễn ra và lịch sử sẽ phải tiếp tục được viết bởi người trẻ hôm nay qua việc kế thừa và luôn ghi nhớ những trang sử hào hùng mà những người đi trước đã viết.
***
14 tháng 3
Phot Phet - Tôi có ông anh họ nhà bác cả mần lính hải quân. Trong nội chiến chưa đánh nhau trận nào nhưng có tham gia tỉn Căm bốt. Hắn đóng lon trung úy, thuyền phó hẳn hoi. Xưa đẹp giai thư sinh nhất họ, lại còn ngoan.
Hết chiến trận, trên yêu cầu ở lại đào tạo mần sĩ quan chỉ huy, đi Tây nhế. Hắn không chịu, khăng khăng đâm đơn đòi phục viên với lý do rất giản dị, nhớ mẹ và thèm lấy vợ. Thuyết mãi không được, trên đành chịu để hắn phục viên với cái ba lô cóc, bộ hải quân bạc màu, đôi dép nhựa quai hậu màu gan gà. Chấm hết!
Về làng, hắn chim được một em kháu nhất xã, lấy mần vợ. Xưa, cứ lính tráng về lấy vợ dễ cực, tuyền em ngon. Ngược lại, các em vớ được bộ đội, không kể đang chiến trường, phục viên, xuất ngũ hay đui què mẻ sứt thì đều lấy làm hãnh diện lắm lắm. Ông anh họ tôi cũng chả ngoại lệ.
Năm 88, khi tôi đang học lớp 7, nhà trường bắt chúng tôi biên thư cho các chiến sĩ ngoài Trường Sa. Ngày đó, tôi không biết Trường Sa là cái chi chi và ở đâu. Chỉ biết trong các tiết tập làm văn chúng tôi đều phải biên thư gửi ra đó. Hỏi cô chủ nhiệm thì chỉ thấy bảo đó là một nơi rất xa, là tổ quốc, là đất nước mình. Thi thoảng chào cờ, thày hiệu trưởng cũng dấm dớ, bộ đội ta đang ngày đêm canh giữ, máu đỏ loang nước biển xanh. Tôi ú ớ lắm.
Mang chuyện này hỏi ông anh họ để viết thư cho hay hơn. Bởi tôi thích cái cảnh mấy đứa học trên tôi vài lớp tuần chào cờ nào cũng được mang thư lên trên bục đứng đọc. Bên dưới, học trò vỗ tay rần rần. Bên trên vài thày cô dấm dúi lau nước mắt. Anh họ tôi bảo, đó là một quần đảo, rất xa đất liền, của nước ta nhưng đang bị Trung Quốc xua quân lấn chiếm. Chúng ta đã kiên quyết bảo vệ và anh dũng hi sinh nhiều người. Hắn còn bảo, nếu còn ở bộ đội, kiểu gì cũng có mặt trong sự vụ đó. Rồi thở dài, may mà về sớm, ở lại không khéo toi. Xong vác diệu ra ngửa cổ tu ừng ực, mắt nhoen nhoét ướt.
Anh họ tôi diệu tợn. Xưa hồi chưa đi lính, ngửi hơi đã say. Phục viên về, diệu giỏi nhất làng. Anh kể hồi chở xác lính ta bằng tàu từ cảng bên Căm bốt về Việt nam, suốt dọc hải trình chỉ diệu làm vui và bớt đi nỗi sợ. Mấy ngàn xác lính nằm chật cứng mấy boong tàu, tuyền anh em đồng đội cả. Nhưng cái mùi tử thi, của sinh ly tử biệt nó rùng rợn lắm. Không diệu, chắc không mang nổi xác anh em về. Hàng chục chuyến như thế, đâm ra diệu anh lên từng ngày, đầy vơi theo những boong tàu đầy xác lính.
Thư tôi viết chẳng bao giờ được đọc trên bục, lại càng không được gửi đi. Thày cô cứ thu rồi để đâu không biết. Tôi nghĩ, viết thư thế phí mẹ nó công. Đấy là chưa kể đến hồi âm nơi đảo xa mà trong trí óc non nớt của lũ tôi hồi đó ngóng trông khiếp lắm. Tôi đánh bạo viết một lá, nhời nhẽ nồng nàn, cho bì thư, xin tiền mẹ mua tem, lóc cóc ra bưu điện huyện gửi. Dòng trên tôi ghi rõ họ tên trường lớp làng quê. Dưới nắn nót: gửi các chiến sĩ Trường Sa. Và tôi ngóng chờ thư lại.
Đâu như gần tháng sau, trong lễ chào cờ. Thày hiệu trưởng trịnh trọng tuyên bố trường ta nhận được thư từ đảo xa gửi về. Bì thư ghi rõ người nhận là tôi, kèm theo tên lớp, tên trường. Tôi vinh dự được đứng bên thày hiệu trưởng khi đọc thư. Tai tôi ù đi, mặt nóng ran, chả nhớ những gì thày đọc trong thư. Tôi đang hồi hộp và sung sướng mà. Nhà trường tuyên dương tôi rầm rộ. Tôi thấy mình thật vĩ nhân, anh hùng và to lớn. Học trò trường tôi noi gương tôi, đêm ngày viết thư dán tem bỏ phong bì mang bưu điện gửi. Nhẽ chúng cũng thích được như tôi?
Nhưng cơn tự sướng tan nhanh như bão. Chả là vào phiên tôi trực nhật, tôi lục cặp cô chủ nhiệm để xem điểm bài kiểm tra. Bài kiểm tra cô chưa chấm nhưng lại tòi ra hai lá thư. Bỏ mẹ, một lá của tôi. Còn một lá chính là thư hôm thày hiệu trưởng đọc. Tôi nhớ lắm, không thể nào quên giây phút ấy. Tôi quăng chổi, bệt góc bảng khóc hu hu. Cô dỗ mãi mới nín. Còn dặn tôi không được nói chuyện này. Tôi hiểu và câm như thóc. Từ bấy nay.
Anh họ tôi năm nay cũng gần 60, gan nặng, chả biết phập phù được mấy nả. Dạo gần đây còn uống tợn hơn. Hắn bảo, sống chết có số, còn sống ngày nào còn uống. Chứ chết đi làm con ma khát, ma thèm rượu thì chán lắm. Tôi động viên, còn bú đớp được là còn ngon, khặc khặc diệu trồi, cơm trôi thì mới sợ. Tôi hay qua nhà thăm hỏi và rượu cùng hắn. Hết chuyện họ hàng anh em lại sang thế sự. Nhắc chuyện Trường Sa và Biển Đông, hắn bảo, giữ đảo, giữ biển không nằm ở tàu to súng lớn mà nằm ở lòng người. Tôi hiểu điều đó. Cơ mà cái lòng người nó mênh mông và dài rộng lắm, như biển khơi kia vậy. Biết làm sao? Anh tôi thở hắt, lại có một hai thế hệ sắp sửa phải hy sinh. Tôi sợ sợ là.
Có cách nào chúng ta không phải chết, và biển đảo vẫn là của quê hương?
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.