...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Nên xem xét khởi kiện vụ ngư dân bị bắt

TT - Việc Trung Quốc giam giữ 21 ngư dân và hai tàu cá Việt Nam số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS không có cơ sở pháp lý theo luật quốc tế, bởi vùng biển các ngư dân này đánh bắt thuộc quyền chủ quyền VN.

Bất chấp những khó khăn, người dân Lý Sơn vẫn bám biển,
đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: T.Thành


Thậm chí cho dù vùng biển đó trong tình trạng tranh chấp thì Trung Quốc cũng không có quyền giam giữ ngư dân Việt Nam.

Vùng biển nơi các ngư dân bị bắt là thuộc Việt Nam

Trong suốt chiều dài của lịch sử, Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Dù Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo này bằng vũ lực, nhưng theo luật quốc tế, đặc biệt là nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24-10-1970, các hành động dùng vũ lực trái ngược với luật pháp quốc tế không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với Hoàng Sa.

Do vậy, trên bình diện pháp lý, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Theo điều 56 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển quốc tế (UNCLOS), đối với vùng biển thuộc vùng đảo Hoàng Sa, Việt Nam có “các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió”.

Do vậy, các ngư dân Việt Nam đánh bắt cá xung quanh quần đảo Hoàng Sa là hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS. Việc Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân và hai tàu cá của Việt Nam, khi những người này đang tiến hành đánh bắt trên vùng biển thuộc Hoàng Sa, là trái với luật pháp quốc tế.

Hơn nữa, việc bắt giữ này cũng trái với Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên biển Đông được ký kết giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
Không nên nộp tiền bảo lãnh

Vùng biển mà hai tàu QNg66101TS và QNg 66074TS và các thành viên bị Trung Quốc bắt giữ là thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc Việt Nam nộp tiền bảo lãnh hay một khoản bảo đảm tài chính có thể sẽ bị Trung Quốc viện cớ để giải thích theo estoppel rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. (Estoppel là một nguyên tắc, theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hành động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hành động trước kia).
Giam giữ ngư dân là trái luật quốc tế

Đương nhiên vùng biển xung quanh Hoàng Sa là thuộc Việt Nam. Nhưng vì Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa và cho rằng vùng biển xung quanh Hoàng Sa là trong tình trạng tranh chấp, thì việc bắt giữ hai tàu QNg66101TS và QNg 66074TS trong vùng biển đang tranh chấp cũng trái với luật quốc tế.

Điều 73, khoản 3 của UNCLOS quy định: “Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác”.

Điều luật nói trên được áp dụng đối với tàu của nước này hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác. Nếu ngư dân của Việt Nam đánh bắt vào vùng biển hoàn toàn và rõ ràng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng không được quyền tống giam hay áp dụng một hình phạt thân thể đối với ngư dân Việt Nam.

Do vậy, trong một vùng biển rõ ràng thuộc về mình mà Trung Quốc không có quyền làm vậy, thì Trung Quốc càng không thể làm như thế trong vùng biển Hoàng Sa vốn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Xem xét việc khởi kiện ra tòa án quốc tế về Luật biển

Theo điều 292 của UNCLOS, quốc gia mà chiếc tàu bị bắt mang cờ có thể khởi kiện nước bắt giữ tàu trước tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), nếu hai quốc gia này đều là thành viên của UNCLOS. ITLOS theo đó có thể yêu cầu quốc gia đã bắt giữ nhanh chóng trả tự do cho tàu cũng như thành viên của tàu.

Trên thực tế, ITLOS đã giải quyết rất nhiều vụ kiện giữa các quốc gia thành viên và đã yêu cầu nhiều quốc gia trả tự do những con tàu và thành viên của tàu đã bị bắt. Kể từ lúc thành lập vào năm 1996 đến nay, trong số 19 vụ kiện mà ITLOS thụ lý, có không dưới chín vụ kiện liên quan đến yêu cầu trả tự do cho thuyền và thuyền viên bị bắt giữ.

Do vậy, cùng với việc yêu cầu thông qua con đường ngoại giao, việc khởi kiện ra ITLOS để yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho hai con tàu và những thuyền viên là điều cần nghiên cứu, xem xét.

Hỗ trợ gia đình ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ

Chiều 27-3, bà Phạm Thị Hương - phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) - đã đến gia đình của 21 ngư dân đi trên hai tàu cá QNg 66074 TS và QNg 66101 TS bị Trung Quốc bắt giữ trái phép vào ngày 3-3 để thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ mỗi hộ là 2.250.000 đồng. Bà Hương cho biết tổng số tiền 47 triệu đồng này được trích từ ngân sách địa phương để hỗ trợ đột xuất cho các gia đình 21 ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt.

Bà Hương cho biết huyện vẫn giữ nguyên quan điểm yêu cầu Trung Quốc thả ngay, thả vô điều kiện đối với 21 ngư dân cùng hai tàu cá mà phía Trung Quốc bắt giữ trái phép ngay trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

VÕ MINH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...