...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Hơn 400 năm ngày giỗ các hùng binh canh giữ Hoàng Sa

Dân trí - Hơn 400 năm qua, 13 họ tộc trên huyện đảo Lý Sơn cùng tổ chức ngày giỗ các hùng binh vâng lệnh triều đình ra khơi bám biển Hoàng Sa. Nét văn hóa truyền thống diễn ra theo Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 16/3 âm lịch (6/4 dương lịch) hàng năm.

Cách đây 400 năm trước thời nhà Nguyễn, vào năm Nhâm Tuất 1802, triều đình nhà Nguyễn ra đảo Lý Sơn tiền mộ binh phu để thành lập quân đội bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và mỗi chuyến ra Hoàng sa khoảng từ 50-70 người. Năm Ất Hợi 1815, vua Gia Long cử Chánh lãng binh Phạm Quang Ảnh (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) dùng thuyền buồm dẫn đội quân ra Hoàng Sa để khảo sát và thăm do đường biển. Năm Canh Thân 1820, vua Minh Mạng ra lệnh đội Hoàng Sa do đội trưởng Võ Văn Khiết (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) ra Hoàng Sa thăm dò. Đến năm Quý Tỵ 1833, các tướng Phạm Hữu Nhất (xã An Vĩnh), Phạm Nguyên Trưởng phúc sỹ lấy đội binh phu Hoàng Sa tại Lý Sơn tiến ra đảo Hoàng Sa để đo đạc và vẽ bản đồ.
Đại diện các họ tộc lần lượt khấn vái
Kiệu rước âm hồn hùng binh Hoàng Sa rời Âm linh tự và hướng về đền làng An Vĩnh 
Vào năm Ất Mùi 1835, đội Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ chở cát, vật liệu xây dựng ra Hoàng Sa để xây miếu, dựng bia, ghi dấu mốc và tỉa giống các loại cây. Năm Canh Tý 1840, triều đình phê duyệt kế hoạch và lên phương án hoạt động có nề nếp đối với đội quân Hoàng Sa. Năm Đinh Mùi 1847, vua Tự Đức tuất vi phong cho ông Phạm Quang Ảnh chức vụ đôn đốc người có công lao bảo vệ Tổ quốc và phong cho chiến sĩ đội Hoàng Sa đã hy sinh với danh hiệu "hùng binh Hoàng Sa" theo di chỉ từ đầu triều Nguyễn.

Hàng năm, triều đình ra lệnh cho 2 xã An Vĩnh và An Hải phải rút 70 tráng dân mạnh khỏe, bơi lội giỏi gia nhập vào đội quân Hoàng Sa. Cứ giữa tháng 2 âm lịch, nhận lệnh vua ban mang theo 6 tháng lương ăn, mỗi dân binh trước khi ra đi, ngoài chài lưới, mỗi người được cấp một đôi chiếu, 3 nẹp tre, 7 sợi dây mây và một thẻ bài được khắc danh tính của từng dân binh. Nếu không may bị chết nơi biển cả bao la thì thi thể của dân binh xấu số sẽ được bó tròn rồi thả xuống biển cho trôi dạt, những thi thể may mắn sẽ được nhận dạng qua tấm thẻ bài. Thường thì những dân binh này có đi nhưng không về, nên trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ theo lệnh vua ban, các họ tộc trên đảo tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, để yên lòng người ra đi.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân trên đảo Lý Sơn lưu truyền cho đến nay, như bài học nhằm giáo dục thế hệ con cháu hiểu về lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước với tinh thần quả cảm, một đi không hẹn ngày trở về.

Nghi lễ cuối cùng là vận chuyển các chiếc thuyền tượng trưng ra biển.
Sửa chiếc thuyền trước khi điều thuyền ra ngoài biển xa.
Cụ Võ Hiển Đạt (81 tuổi) hậu duệ của Cai đội Võ Văn Khiết, nghệ nhân chuyên tái hiện và phục dựng mô hình thuyền câu của đội Dân binh cho biết: "Để làm được 5 chiếc thuyền câu cùng những vật dụng giống nguyên bản của đội Dân binh ngày xưa, hơn một tuần nay, tôi và một số nghệ nhân trẻ tuổi là con cháu các họ tộc khẩn trương hoàn tất những khâu cuối cùng của phần Lễ, đối với tôi và lớp con cháu hậu sinh thì đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm của lớp con cháu đối với tổ tiên ông bà mình".

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhấn mạnh: "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được xem như di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đặc biệt là giá trị về việc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...