...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

VN hứa bảo vệ quyền lợi công ty Nga

BP đã phải rút lui khỏi dự án với Việt Nam
vì áp lực của Trung Quốc
 
BBC - Việt Nam nói việc ký hợp đồng dầu khí với tập đoàn Gazprom là 'phù hợp luật pháp quốc tế' và cam kết bảo vệ quyền lợi của đối tác.

Hôm 5/4, công ty khí đốt khổng lồ của Nga ra thông cáo nói đã đạt thỏa thuận với tập đoàn dầu khí PetroVietnam để cùng khai thác khí gas tại hai mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh, lô 5.2 và 5.3 trong bồn trũng Nam Côn Sơn ở Biển Đông.

Ngày 10/4, Trung Quốc chính thức lên tiếng phản đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói nước này mong doanh nghiệp nước ngoài "tôn trọng và ủng hộ nỗ lực của nước đương sự giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương, tránh dính líu vào tranh chấp Nam Hải dưới bất cứ hình thức nào".

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm thứ Năm 12/4 tuyên bố dự án giữa PetroVietnam và Gazprom là hoàn toàn hợp pháp.

'Lợi ích hợp pháp và chính đáng'

Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói với các phóng viên tại Hà Nội: "Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Ông Nghị nói thêm rằng Việt Nam cam kết bảo vệ lợi ích chính đáng của các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam tại Biển Đông.

"Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam."

"Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam."

Ông không đề cập tới việc năm 2009 công ty dầu BP của Anh đã quyết định rút khỏi chính địa điểm khai thác khí đốt này, nằm ở khoảng giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa, vì áp lực của Trung Quốc.

Lúc đó, Việt Nam cũng vừa gây áp lực vừa thuyết phục BP ở lại tiếp tục kinh doanh, nhưng áp lực từ phía Trung Quốc lớn hơn.

So với Việt Nam, quy mô làm ăn kinh doanh của BP ở Trung Quốc lớn hơn rất nhiều và đó là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định rút khỏi hai lô 5.2 và 5.3 của BP.

Việt Nam đã thường xuyên điều tàu hải quân hộ tống và canh gác các tàu thăm dò hải dương của dân sự, nhưng tiềm lực hải quân của Việt Nam hiện giờ chưa đủ mạnh để có thể bảo vệ tàu bè ở đại dương một cách hữu hiệu.

***


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
Lương Thanh Nghị
 
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa diễn ra chiều nay (12-4), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị trả lời báo chí nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề Biển Đông thời gian gần đây.

Khi được đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước việc Trung Quốc yêu cầu Nga dừng các dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông, ông Lương Thanh Nghị đã khẳng định: "Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNLOC) năm 1982.” Ông Nghị đồng thời bày tỏ: "Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những thông tin cập nhật về vụ việc Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của Việt Nam. Ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh trước các phóng viên trong và ngoài nước: "Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề này với phía Trung Quốc ở nhiều cấp khác nhau. Và, Trung Quốc cần tôn trọng lập trường, đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam, không để vụ việc ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.” Khi được yêu cầu xác nhận thông tin về kế hoạch của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cử một đoàn ra thị sát quần đảo Trường Sa, ông Lương Thanh Nghị đã khẳng định: Đây là việc làm bình thường. Người Việt Nam có thể đi thăm các địa danh của đất nước mình, trong đó có các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.

Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, nhưng là vụ va chạm gần đây giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu hải quân Philippines, khi được đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị bày tỏ: Chúng tôi quan tâm đến vụ việc này và cho rằng các bên liên quan cần tránh có những hành động làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Trong cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức hôm qua, khi được đề nghị bình luận về thông tin nói rằng Chính phủ ta đang dự thảo một nghị định trong đó đưa ra những quy định mới với các công ty khai thác dịch vụ Internet nước ngoài và người sử dụng các dịch vụ Internet, các mạng xã hội phải khai báo tên thật. Ông Nghị cho hay: Hiện, dự thảo Nghị định này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện; làm sao để vừa phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Và tái khẳng định: Các tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng internet phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...