Lao Động - Hai chữ “Hoàng Sa” hay “Cát Vàng” đã từ lâu đi sâu vào tâm khảm người làng An Vĩnh, An Hải ở đất liền cũng như ở ngoài cù lao Ré tức huyện đảo Lý Sơn hiện nay.
Cát Vàng hay Hoàng Sa đã được ghi rất rõ chính là Paracel ở tọa độ hiện nay trong bản đồ “An Nam Đại Quốc Họa Đồ” do giám mục Taberd vẽ năm 1838.
Hoàng Sa sở dĩ đi sâu vào tâm khảm người dân hai xã trên mà hiện nay chủ yếu là hậu duệ các tộc họ bởi Hoàng Sa gắn liền với cuộc sống, vận mệnh, trách nhiệm thiêng liêng đối với việc khai thác, xác lập, thực thi chủ quyền của VN tại Hoàng Sa từ đầu thế kỷ XVII, thời Chúa Nguyễn, qua thời Tây Sơn đến đầu thời Nguyễn; từ năm 1816 mới được giao trọng trách cho thủy quân, dân binh Hoàng Sa chỉ còn hỗ trợ mà thôi.
Tại huyện đảo Lý Sơn hiện nay còn di tích những ngôi mộ gió tập thể như gần nhà thờ họ Phạm Quang (Phạm Quang Ảnh được Vua Gia Long cử làm Đội trưởng Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đi công tác tại Hoàng Sa năm 1815). Những ngôi mộ gió cá nhân hoặc tập thể những lính Hoàng Sa - dân binh trong tộc họ đã đi công tác ở Hoàng Sa - hằng năm có tới 70 suất đinh tham dự. Đi không có ngày về! Dù vậy, các dân binh đội Hoàng Sa ấy vẫn cứ đi và những người thân trong tộc họ đã tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lấy bẹ chuối làm hình nhân thế mạng cúng hà bá cầu mong những người lính Hoàng Sa, những người thân của họ trở về.
Từ đêm ngày 19 rạng ngày 20 tháng 2 âm lịch đến tháng 3 âm lịch hằng năm, các tộc họ hay chính quyền địa phương đều tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa rất cảm động và nhiều ý nghĩa. Trong không khí thiêng liêng, cùng với câu ca đầy bi tráng “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”... là những hình ảnh về các vật dụng mà mỗi người lính trước khi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị cho riêng mình, gồm một đôi chiếu, được dùng để quấn xác nếu không may gục ngã; 7 đòn tre, sẽ là vật nẹp quanh thân; 7 sợi dây mây, sẽ được dùng để bó xác người.
Ngày nay, những ngư dân Lý Sơn - Quảng Ngãi vẫn tiếp tục bám biển Hoàng Sa với tinh thần và lòng quả cảm của các dân binh đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải năm xưa. Những hiểm nguy và mưu gian rình rập, những cú húc nham hiểm của các con “tàu lạ” không làm họ chùn bước. Trước bạo lực hay họng súng, họ vẫn hiên ngang bởi biển đảo Hoàng Sa là của cha ông ngàn đời để lại.
Lịch sử còn ghi những trang đẫm máu của người Việt Nam trên quần đảo phên giậu của tổ quốc, vùng biển Hoàng Sa bao đời in bóng của hàng triệu triệu ngư dân Lý Sơn. Cho nên một thước đất, một tấc biển ở đây là của Việt Nam, con cháu hôm nay và mai sau phải ghi nhớ bằng niềm xác tín của sự thật lịch sử và của hồn thiêng dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.