...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

TQ yêu cầu Nga rút khỏi Biển Đông - Chuyên gia TQ cảnh cáo dầu khí Ấn Độ


Hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh
nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn
ngoài khơi Vũng Tàu
  

BBC - Trung Quốc yêu cầu Nga không hợp tác với Việt Nam trong dự án khai thác khí ở Biển Đông, không lâu sau khi có cảnh cáo tương tự với Ấn Độ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân vào ngày 10/4 tuyên bố nước này mong doanh nghiệp nước ngoài "tôn trọng và ủng hộ nỗ lực của nước đương sự giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương, tránh dính líu vào tranh chấp Nam Hải dưới bất cứ hình thức nào".

Ông Lưu cho biết phản ứng về việc Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom vừa tuyên bố tham gia dự án khai thác khí ở Biển Đông, tại nơi mà công ty Anh BP (British Petroleum) từng phải rút lui dưới áp lực của Trung Quốc.

'Tránh lôi cuốn nước ngoài'

Thông cáo của Gazprom hôm 5/4 cho hay hãng này đã đạt thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Nhà nước PetroVietnam để cùng khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam.

Hai lô này là nơi có các mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh, nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn giữa quần đảo Trường Sa và bờ biển Việt Nam. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối việc Việt Nam thăm dò khai thác ở khu vực này, mà Bắc Kinh cho là "nằm bên trong hải giới truyền thống" của Trung Quốc.

Ông Lưu Vi Dân nhắc lại Trung Quốc "có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và vùng biển chung quanh ở Nam Hải".

"Trung Quốc mong các nước đương sự liên quan cùng hành động với Trung Quốc, tránh lôi cuốn nước ngoài khu vực vào tranh chấp," ông nói.

Trong khi đó, ông Đặng Trung Hoa, Vụ trưởng Vụ Biên giới - Hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được Nhân dân Nhật báo dẫn lời Trung Quốc luôn phản đối việc khai thác dầu khí "không phép" trên lãnh hải Trung Quốc.

Phát biểu trong dịp giao lưu trực tuyến trên mạng của Nhân dân Nhật báo, ông Đặng Trung Hoa nhắc lại Bắc Kinh luôn "muốn bỏ qua khác biệt để cùng khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp".

Ông nói tiếp: "Một số nước bên ngoài phóng đại tự do đi lại và an ninh trên Nam Hải. Họ dùng nó làm cớ để can thiệp vào cuộc tranh chấp, và chúng tôi cương quyết phản đối."

Còn ông Tô Hạo, nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, nói thẳng rằng sự kiện Gazprom cho thấy Việt Nam muốn đưa Nga vào để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

"Việt Nam luôn xem đó là chính sách của mình, còn Kremlin muốn lặp lại ảnh hưởng của Nga ở Đông Á, nên dễ hiểu là hai nước lại ký thỏa thuận. Mỗi bên nhận lấy cái mình cần," ông Tô tuyên bố.

Chính phủ và học giả Trung Quốc cũng có những bình luận tương tự hồi đầu tháng khi nói về dự án giữa ONGC-Videsh của Ấn Độ và PetroVietnam.

Trung Quốc nói khoảng 40% của hai lô mà Ấn Độ đang thăm dò nằm trong vùng biển tranh chấp.

Ngoại trưởng Ấn Độ sau đó phản ứng bằng tuyên bố Biển Đông là tài sản chung của thế giới và không nước nào được đòi thống trị.

Ông S.M. Krishna khi được giới phóng viên hỏi về phản đối của Trung Quốc trước dự án khai thác dầu với Việt Nam tại Biển Đông đã nói: "Ấn Độ duy trì quan điểm rằng Biển Đông là tài sản chung của thế giới".

Giới quan sát cũng lưu ý một bài báo trên tờ Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hôm 7/4 ca ngợi thoả thuận hợp tác với Gazprom.

Bài báo này nói: "Ngày càng nhiều công ty dầu khí của hàng chục quốc gia trên thế giới sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và ngày càng có thêm nhiều tin vui về những thành quả của sự hợp tác này cho thấy cộng đồng quốc tế, mà đặc biệt là các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu thế giới, tự tin vào chủ quyền và chính nghĩa của Việt Nam trên các khu vực khai thác ở Biển Đông."


***


ONGC đã ký thỏa thuận hợp tác với PetroVietnam 
BBC - Chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Biển Đông cảnh báo Ấn Độ có thể trả giá nặng vì khai thác dầu cùng Việt Nam ở vùng biển tranh chấp.

"Có những rủi ro chính trị và kinh tế" cho công ty Ấn Độ, theo lời ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc, đề cập dự án giữa ONGC-Videsh của Ấn Độ và PetroVietnam.

Tuần rồi, Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, khi thăm New Delhi, tuyên bố khu vực giao cho Ấn Độ thăm dò nằm trong vùng 200 hải lý, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông Nhân nói với các báo Ấn Độ: "Tôi có thể nói với các vị rằng không có tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ tại khu vực này."

Tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Việt Nam đã ký thỏa thuận thăm dò dầu khí tại Biển Đông.

Nhưng ông Ngô Sĩ Tồn được truyền thông Ấn Độ hôm qua dẫn lời rằng khoảng 40% của hai lô mà Ấn Độ đang thăm dò nằm trong vùng biển tranh chấp.

Ông nói: "Việc can dự của các tác nhân bên ngoài và các công ty dầu hỏa là trở ngại cho giải pháp chung cuộc."

Ông Ngô, người tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về Biển Đông, nói Ấn Độ và Nhật Bản nên "đóng vai trò tích cực cho việc giải quyết" vấn đề.

Ông nói chính phủ Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách chủ quyền vì "chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ ở Trung Quốc".

Bình luận của ông Ngô đưa ra ngay sau khi các quốc gia Đông Nam Á cam kết đẩy mạnh các nỗ lực giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc.

Thông cáo này được đưa ra khi Hội nghị thượng đỉnh Asean bế mạc hôm thứ Tư ngày 4/4.

Lãnh đạo 10 nước Asean "tái khẳng định tầm quan trọng" của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC và cam kết thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau tại vùng biển tranh chấp.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì những ngôn từ như thế cũng từng được sử dụng trong thông cáo bế mạc Thượng đỉnh Asean hồi năm ngoái và các năm trước đó. Điều này thể hiện sự bế tắc trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.

“Đây là một thông cáo yếu nhưng có thể hiểu được khi chúng ta biết rằng Asean không thể tìm được tiếng nói chung về Biển Đông,” Pavin Chachavalpongpun, một nhà ngoại giao Thái Lan đã nghỉ hưu và hiện đang là chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với hãng tin AFP.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...