Việt Nam đặt mua 6 chiếc tàu ngầm "kilo" của Nga (AFP) |
(RFI) - Theo nguồn tin truyền thông Nga vào hôm qua, 21/12/2012, các cuộc thử nghiệm trên biển đã bắt đầu được tiến hành đối với chiếc tàu ngầm lớp ‘kilo’ đầu tiên trong số 6 chiếc do Việt Nam đặt mua. Điều lý thú là danh tánh khách hàng đặt mua chiếc tàu này không được tiết lộ, nhưng truyền thông Nga đã nêu lên một số nguồn tin chưa được kiểm chứng, theo đó khách hàng đã đặt tên cho chiếc tàu này là « Hà Nội », thủ đô của Việt Nam.
Trích dẫn một viên chức hãng đóng tàu Admiralteiskie Verfi, báo chí Nga cho biết là giai đoạn thử nghiệm đã khởi sự từ đầu tháng 12 này và sẽ được thực hiện khẩn trương để kịp giao cho khách hàng vào tháng 8 năm 2013 theo kế hoạch dự kiến. Trong giai đoạn thử nghiệm, chiếc tàu ngầm này đặt căn cứ tại cảng Svetly gần thành phố Kaliningrad bên bờ biển Baltic.
Đây là chiếc tàu đầu tiên thuộc phiên bản xuất khẩu của dự án 06361, với thiết bị mới và tối tân hơn. Theo cổng thông tin điện tử hải quân của Nga, con tàu này được trang bị một hệ thống mới đảm bảo sinh hoạt của thủy thủ đoàn, một hệ thống vừa được thử nghiệm thành công trong chiếc tàu ngầm "Saint Petersburg" thuộc Dự án 677 ‘Lada’.
Nguồn tin trên cho biết thêm thêm về tiến độ khẩn trương của việc thử nghiệm : Kể từ đầu năm tới, chiếc tàu mang mã số 01.339 sẽ ra khơi 6 lần, mỗi lần khoảng từ 10 đến 12 ngày để cho một thủy thủ đoàn nước ngoài học tập. Đến đầu tháng Năm 2013, tàu sẽ trở về nhà máy đóng tàu để giải quyết các vấn đề đã được xác định trong thời gian thử nghiệm. Đến tháng 8 năm 2013 con tàu hoàn chỉnh sẽ được bàn giao cho khách hàng.
Việc đóng chiếc tàu này được khởi sự từ tháng 10 năm 2010, và đến tháng 8 2012 vừa qua thì đã được hạ thủy. Việt Nam đã đặt mua của Nga 6 chiếc tàu loại này, vào năm 20096. Trong Hải quân Nga, loại tàu ngầm chạy bằng diesel thuộc Dự án 636 chính thức được gọi là tàu ngầm lớp Varshavyanka, nhưng đối với khối NATO thì đó là lớp Kilo, tức tàu ngầm phi hạt nhân tấn công nhanh.
Hiện nay, Việt Nam không có hạm đội tàu ngầm, do đó các chiếc « kilo » sẽ là tàu ngầm tấn công đầu tiên của Việt Nam. Ngoài việc đóng tàu cho Việt Nam, Hải quân Nga sẽ giúp Việt Nam trong việc bảo trì, thiết lập căn cứ (được cho là tại Cam Ranh) và huấn luyện thủy thủ.
Vào năm 2010 chẳng hạn, có tin cho biết là Nga cũng sẽ cung cấp tín dụng xuất khẩu của Việt Nam để xây dựng một căn cứ hải quân, mua tàu và thành lập một lực lượng không quân hải chiến.
Vào lúc tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, đặc biệt là sau các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam, Hà Nội đang nỗ lực nhanh chóng hiện đại hóa ngành hải quân của mình, mà quyết định mua tàu ngầm là một trong những biểu hiện cụ thể.
Trong một bản báo cáo chung về quan hệ ASEAN, Trung Quốc và Biển Đông, chuyên gia Úc Carl Thayer đã có phần phân tích về việc Việt Nam đẩy mạnh việc hiện đại hóa quân đội, để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc khi cần thiết. Ông đã ghi nhận là ngoài việc đặt mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo vào năm 2009, ngành hải quân Việt Nam còn được trang bị thêm nhiều phương tiện khác.
Hà Nội đã tiếp nhận từ Nga tất cả là hai chiến hạm thuộc loại tàng hình, lớp Gephard, trang bị bằng tên lửa chống hạm có tầm hoạt động 130 cây số, và hai tàu tuần tra lớp Svetlyak cũng được trang bị tên lửa. Vào tháng 10/2011, nhân chuyến ghé thăm Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là đã bật đèn xanh cho việc đặt mua 4 tàu tuần tra lớp Sigma, trong đó hai chiếc sẽ được chế tạo tại Việt Nam.
Cũng vào thời điểm đó, chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đi thăm Ấn Độ cũng yêu cầu New Delhi trợ giúp trong nhiều lãnh vực trong đó có việc huấn luyện thủy thủ tàu ngầm, chuyển giao tàu tuần tra cỡ trung bình, năng cấp cảng Nha Trang…
Nếu thời hạn tháng 8 năm 2013 bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên cho Việt Nam được tôn trọng, thì rõ ràng là công việc chế tạo tàu ngầm cho Việt Nam đã tăng hẳn tốc độ, vì vào tháng 7 năm 2011, các thông tin báo chí cho biết là phải đến năm 2014 Việt Nam mới nhận được chiếc tàu đầu tiên, và chiếc cuối cùng phải chờ đến năm 2019.
Theo tin báo chí Nga hôm 20/12/2012, nhìn chung, hãng đóng tàu như đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng cho Việt Nam, và thời hạn bàn giao hiện đã được điều chỉnh lại thành 2013-2016.
...♥.♥.♥...
Nguồn : RFI - Trọng Nghĩa - Thứ bảy 22 Tháng Mười Hai 2012
...♥.♥.♥...
...♥.♥.♥...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.