...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Căng thẳng Biển Đông: Thách thức quan trọng đối với Hoa Kỳ (VOA) - Hạ viện Mỹ ủng hộ Manila trong vụ kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế về Biển Đông (RFI) - Đài Loan 'nhắc nhở' Philippines về Biển Đông (VOA) - Nhật Bản thành lập một lực lượng hải quân đặc trách bảo vệ quần đảo Senkaku (RFI) - Ngân sách Nhật Bản 2013-2014 : Chi phí quốc phòng tăng 0,8%


Căng thẳng Biển Đông: Thách thức quan trọng đối với Hoa Kỳ

(VOA) - BỘ NGOẠI GIAO — Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhì với những mối căng thẳng mới trong khu vực Biển Đông giữa lúc Philippines đưa vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước tòa án Liên hiệp quốc. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên Scott Stearns của đài VOA gởi về từ trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington.

Ðoàn tàu đánh cá Trung Quốc ngoài khơi Biển Ðông.

Những chiếc tàu của chính phủ Trung Quốc tuần tiễu ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Philippines bác bỏ quyền hành của Trung Quốc ở vùng biển mà chính phủ ở Manila hồi gần đây đã đặt tên Biển Tây Philippines và quyết định đưa vụ tranh chấp này ra trước tòa án Liên hiệp quốc.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Gilbert Asuque phát biểu như sau.

Ông Asuque nói: "Chúng tôi muốn tòa án trọng tài xác lập quyền độc quyền của Philippines trong việc khai thác tài nguyên trong thềm lục địa của chúng tôi ở Biển Tây Philippines."

Trung Quốc nói rằng hành động này của Philippines làm cho vụ tranh chấp trở nên phức tạp hơn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố:

Phát ngôn viên Hồng Lỗi tuyên bố "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa và vùng biển lân cận"

Ông Justin Logan, một nhà nghiên cứu của Viện Cato ở Washington, cho biết Trung Quốc chỉ muốn giải quyết vũ tranh chấp bằng đàm phán song phương mà không dính líu tới Liên hiệp quốc hay một nước thứ ba.

​"Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi 

đối với các quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa 

và vùng biển lân cận. Căn nguyên của vụ tranh chấp này 

là sự chiếm đóng bất hợp pháp của Philippines 

tại một số khu vực của Trung Quốc."
Ông Logan nói: "Trung Quốc đã tìm cách giữ cho những vụ tranh chấp này mang tính chất song phương giữa họ với các nước có tranh chấp càng nhiều càng tốt và ngăn không cho vụ việc bị quốc tế hóa một cách có hệ thống."

Ông Logan cho rằng ngay cả trong trường hợp Tòa án Luật Biển Liên hiệp quốc đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, việc chấp hành phán quyết là một vấn đề rất khó khăn.

Ông Logan nói thêm: "Nếu việc chấp hành sự phân xử của tòa án đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, quí vị sẽ thấy là sự phân xử đó sẽ không được chấp hành. Có lẽ đây là một lá bài để Philippines mặc cả. Họ sẽ nói rằng “Cán cân giờ đây nghiêng về phía chúng ta. Chúng ta có thể sử dụng lá bài này. Chúng ta sẽ có được một điều gì đó mà chúng ta có thể từ bỏ nếu Trung Quốc có một số nhượng bộ."

Những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần trong cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ hồi tuần trước để xác nhận ông John Kerry, người được Tổng thống Barack Obama đề cử làm Bộ trưởng Ngoại giao. Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa đã nêu nghi vấn về cách xử lý vụ đối đầu này của chính phủ của Tổng thống Obama.

Ông Rubio nói: "Trung Quốc đang có thái độ mỗi ngày một hung hăng hơn trong những yêu sách chủ quyền lãnh thổ và các nước láng giềng của họ đang trông đợi sự đối trọng từ Hoa Kỳ và sự lãnh đạo của Hoa Kỳ."

Thượng Nghị sĩ John Kerry.
​​Thượng nghị sĩ Kerry nói rằng Trung Quốc đang phản ứng trước sự gia tăng của các lực lượng Mỹ trong vùng Á châu Thái bình dương.

Ông Kerry nói: "Trung Quốc nhìn vào việc đó và nói rằng “Hoa Kỳ đang làm gì vậy? Phải chăng họ đang tìm cách bao vây chúng ta? Chuyện gì đang xảy ra vậy?"

Trong bối cảnh của vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines, Việt Nam và các nước khác ở Á châu, thượng nghị sĩ Kerry nói rằng việc Washington tăng cường các mối quan hệ với Bắc Kinh là một việc cực kỳ quan trọng.

Ông Kerry nói tiếp: "Trung Quốc là nền kinh tế quan trọng thứ nhì trên thế giới và rõ ràng là họ có một nhu cầu vô cùng to lớn đối với các nguồn tài nguyên trên khắp thế giới và chúng ta cần phải thiết lập những qui tắc hoạt động phù hợp với quyền lợi của tất cả các nước.
Trung Quốc cho biết họ đang tìm cách thông qua đối thoại để giải quyết những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau nhưng họ chống đối sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho một sự can dự nhiều hơn của một liên minh các nước vùng Đông Nam Á."


...♥.♥.♥...

Hạ viện Mỹ ủng hộ Manila trong vụ kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế về Biển Đông

(RFI) - Một phái đoàn Hạ viện Hoa Kỳ ghé thăm Manila vào hôm nay, 29 tháng Giêng 2013, đã bày tỏ lập trường ủng hộ quyết định của chính phủ Philippines đưa hồ sơ tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc trước cơ quan trọng tài Liên Hiệp Quốc. Quan điểm hậu thuẫn kể trên đã được các dân biểu Mỹ biểu thị nhân cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Albert del Rosario cùng với các quan chức cao cấp Philippines.

Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario (trái) trao đổi với dân biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, Washington DC, 15/01/2013. DR

Theo Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Carlos Sorreta, được hãng tin GMA trích dẫn, phái đoàn Mỹ gồm 5 người do dân biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện dẫn đầu, đã « bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ » các nỗ lực của Manila nhằm « giải quyết tình hình (tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ngoài Biển Đông) một cách hòa bình và phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. »

Phát biểu với báo giới sau cuộc tiếp xúc tại Bộ Ngoại giao Philippines giữa phái đoàn Mỹ và các quan chức Philippines do Ngoại trưởng Albert del Rosario dẫn đầu, ông Sorreta cho biết thêm là hai bên đã thảo luận một cách chi tiết về hành động của Philippines và phía Mỹ « rất quan tâm đến giá trị các lập luận của Philippines… (và) tỏ ý hết sức ủng hộ ».

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ cũng gián tiếp xác nhận quan điểm ủng hộ Philippines, khi cho rằng Trung Quốc nên chấp nhận đề nghị của Philippines cùng nhau ra trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc để ngăn ngừa nguy cơ tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa hai bên bùng lên thành xung đột.

Phát biểu với hãng tin Mỹ AP sau cuộc gặp với phía Ngoại trưởng Albert del Rosario, ông Ed Royce xác định trở lại là Washington không bênh bên nào trong cuộc tranh chấp biển đảo trong khu vực, nhưng Hoa Kỳ ủng hộ một giải pháp ngoại giao được quốc tế công nhận. Theo ông : « Tốt nhất là Trung Quốc nên tham gia vào tiến trình (tranh tụng) để chúng ta có thể tiến bước trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ».

Như vậy, có thể nói là quyết định kiện Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc của Philippines đã nhận được một hậu thuẫn quốc tế đầu tiên và có trọng lượng. Sau Philippines, phái đoàn cao cấp của Hạ viện Mỹ sẽ tiếp tục vòng công du qua Trung Quốc vào ngày mai. Tại Bắc Kinh, chắc chắc vấn đề Biển Đông sẽ lại được nêu lên trở lại.


...♥.♥.♥...

Đài Loan 'nhắc nhở' Philippines về Biển Đông

(VOA) - Chính quyền Đài Bắc mới đây đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo mà Việt Nam gọi là Trường Sa trên biển Đông sau khi Philippines tiết lộ kế hoạch sửa chữa một đường băng trên quần đảo này.

Ảnh chụp từ trên không đảo Pagasa, một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Ðông, ngoài khơi bờ biển phía tây Philippines.

Thông tấn xã Đài Loan tuần trước dẫn lời ông Hạ Quý Xương, phát ngôn viên Bộ ngoại giao của đảo quốc này, nói rằng Nam Sa là lãnh thổ của Đài Loan từ thời xa xưa.

Lời phát biểu của ông Xương được đưa ra sau khi tin tức cho hay chính phủ Philippines có kế hoạch nâng cấp một đường băng trên đảo mà Đài Loan gọi là Trung Nghiệp, còn Philippines gọi là Pagasa, cũng như phát triển một số hòn đảo nhỏ ở Trường Sa để thúc đẩy hoạt động du lịch.

Ông Xương được trích lời nói rằng Đài Loan sẽ không công nhận bất kỳ bên nào có hành động đơn phương gây tổn hại tới chủ quyền lãnh thổ của Đài Loan tại vùng biển Đông.

Phát ngôn viên nói lịch sử, địa lý và luật quốc tế cho thấy lãnh thổ Đài Loan bao gồm cả quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) cùng các vùng biển lân cận trên biển Đông.

Ông Xương cũng kêu gọi các nước cũng có tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa kiềm chế, đừng gây ra các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng tới hòa bình trong khu vực.

Trong khi đó, khi được hỏi về kế hoạch nâng cấp cầu cảng và đường băng trên đảo Thái Bình hiện do Đài Loan kiểm soát trên vùng biển Đông với hơn 100 binh sĩ đồn trú trên đó, ông Xương nói rằng việc xây dựng trên hòn đảo này là hoàn toàn hợp pháp vì đó là một phần lãnh thổ của Đài Loan.

Ngoài Philippines và Đài Loan, Việt Nam, Trung Quốc, Brunei và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đài Loan hồi đầu tháng này cũng đã lên tiếng phản đối Luật Biển mới của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nguồn: The China Post, GMA, CNA // VOA - 29.01.2013

...♥.♥.♥...

Nhật Bản thành lập một lực lượng hải quân đặc trách bảo vệ quần đảo Senkaku

(RFI) - Một lực lượng đặc nhiệm bao gồm 600 quân và 12 chiếc tàu sẽ được thành lập để kiểm soát và bảo vệ vùng quần đảo Senkaku ngoài biển Hoa Đông, hiện đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền dưới tên tiếng Hoa là Điếu Ngư. Quyết định trên đây đã được một phát ngôn viên lực lượng Tuần duyên Nhật Bản loan báo vào hôm nay, 29/01/2013, đúng vào lúc Bắc Kinh cũng cho biết kế hoạch đưa tàu tuần tra cực lớn của họ đến khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền.

Một tầu tuần duyên Nhật xả nước vào tàu cá Đài Loan, mang theo nhiều người đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. REUTERS/Taiwan Coast Guard/Handout

Về thực lực cụ thể của đơn vị đặc nhiệm này, phát ngôn viên Tuần duyên Nhật Bản cho biết là đội chiến hạm này sẽ bao gồm hai chiếc tàu sân bay trực thăng hiện hữu, cùng với 10 chiếc tàu trọng tải 1.000 tấn. Hạm đội này sẽ được hoàn chỉnh trong vòng ba năm. Bốn trong số mười chiếc tàu bổ sung đang được đóng với nguồn kinh phí được cấp cho lực lượng Tuần duyên năm 2012, sáu chiếc còn lại sẽ do ngân sách bổ sung phê duyệt vào giữa tháng Giêng vừa qua tài trợ.

Hiện nay các chiếc tàu phụ trách tuần tra tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và can thiệp mỗi khi có tàu Trung Quốc hay Đài Loan thâm nhập, trực thuộc đơn vị đặt căn cứ trên đảo Okinawa, và bao gồm 900 người. Tình hình đó không còn phù hợp nữa.

Phát ngôn viên lực lượng Tuần duyên Nhật Bản giải thích : « Chúng tôi cần triển khai những chiếc tàu lớn để đối phó với tình hình hiện nay, khi mà tàu Trung Quốc ngày càng hiện diện đông đảo và thường xuyên hơn tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku ».

Đơn vị đặc trách Senkaku sẽ đặt căn cứ gần quần đảo đang bị Trung Quốc tranh chấp, tức là trên đảo Ishigaki, cách Uotsurijima, hòn đảo chính của quần đảo Senkaku khoảng 175 km về phía đông nam.

Không chỉ có Nhật Bản là nghĩ đến việc tăng cường lực lượng tuần tra tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo báo chí Trung Quốc vào hôm nay, Bắc Kinh cũng đang cho đóng chiếc tàu đặt tên là Ngư chính (Yuzheng) 88, sẽ được phái đến tuần tra tại khu vực gần quần đảo Điếu Ngư.

Đây là chiếc tàu tuần tra ngư trường đầu tiên của Trung Quốc thuộc loại 10.000 tấn, dài 171.4m, rộng 24.8m, đủ khả năng chịu một hành trình 10.000 hải lý với một lực choán nước lên đến 15.000 tấn.


...♥.♥.♥...

Ngân sách Nhật Bản 2013-2014 : Chi phí quốc phòng tăng 0,8%

(RFI) - Vào hôm nay, 29/01/2013, tân chính phủ Nhật Bản đã đề xuất cho năm tài khóa 2013-2014 một ngân sách chung lên đến 92.612 tỷ yên (khoảng hơn 1.000 tỷ đô la). Trong ngân sách này, khoản chi tiêu cho quốc phòng sẽ tăng thêm 40 tỷ yên trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải đang căng thẳng với Trung Quốc.

Các tàu ngư chính và hải giám Trung Quốc hiện diện gần vùng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, biển Hoa Đông, ngày 18/09/2012. - REUTERS

Theo ghi nhận của các nhà quan sát, dù số tiền dành cho quốc phòng, tương đương với 480 triệu đô la, chỉ tăng khoảng 0,8% mà thôi, nhưng đây là lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản trong 11 năm qua. Hãng tin AFP nhận định, số tiền tăng không đáng kể, nhưng đó là « một động thái mang tính biểu tượng » của tân chính phủ Shinzo Abe. Theo AFP, tân thủ tướng Abe qua đó muốn thể hiện « quyết tâm mạnh mẽ » đối với các nước láng giềng và cũng để trấn an dư luận Nhật Bản vốn đang lo ngại về tình trạng căng thẳng đang leo thang trong khu vực.

Hãng tin Pháp nhắc lại, Nhật Bản hiện đang lâm vào « cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng với Trung Quốc trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku » mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Chính phủ Nhật Bản đang xem xét những biện pháp thích hợp để tăng cường tuần tra và bảo vệ các vùng biển mà tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập.

Ngoài mối lo với Trung Quốc, chính phủ của ông Abe còn thể hiện sự quan ngại đối với Bắc Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh vừa rồi chính quyền Bình Nhưỡng đã cho tiến hành phóng vệ tinh, mà theo Tokyo thì đó thật sự là vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Thêm vào đó, hiện tại, nhiều nguồn tin cho biết, Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba.

Trên bình diện kinh tế, theo dự kiến ngân sách này, phần đóng góp ngân sách của trái phiếu sẽ giảm xuống thấp hơn so với nguồn thu từ thuế. Đây là trường hợp đầu tiên kể từ 4 năm nay. Dù vậy, số tiền thu từ trái phiếu cũng vẫn còn ở mức 46% ngân sách trong bối cảnh nợ công của Nhật Bản đã vượt mức 200% GDP.

Dự kiến ngân sách nói trên đúng như cam kết của ông Abe được ông trình bày vào hôm qua, trong bài diễn văn về chương trình hành động của tân chính phủ, trong đó ông cam kết ưu tiên cho phục hồi kinh tế và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản trong tranh chấp với Trung Quốc. Dự kiến ngân sách trên còn phải được lưỡng viện quốc hội Nhật Bản phê chuẩn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...