...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Chiến lược lớn châu Á - Thái Bình Dương của Nhật và đối sách của Trung Quốc




(Nghiên Cứu Biển Đông) - Nhật Bản đang tích cực tiến hành những bước đi chiến lược nhằm đối trọng với Trung Quốc. Trước tình hình đó, các học giả phía Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh cần có những bước đi tổng hòa về chính trị, kinh tế, dư luận và chấp pháp để đối phó với Nhật Bản.


Trong bài viết của Wu Huaizhong, chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đăng trên Trung Quốc Nhật báo ngày 18/1 cho rằng, trong kỷ nguyên hậu khủng hoảng, dù các nhà chính trị và học giả Nhật Bản thừa nhận rằng thế giới đang chuyển sang đa cực nhưng niềm tin của họ về sự ổn định mang tính bá quyền vẫn ăn sâu trong tâm trí. Do đó, Nhật công nhận và ủng hộ một nước Mỹ lãnh đạo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoặc ít nhất họ tin vào duy trì trật tự do các thể chế dân chủ phát triển phương Tây tại châu Á - dẫn dắt và nhiệm vụ cơ bản của chiến lược đối ngoại dài hạn của Nhật Bản là ứng phó với các cường quốc đang nổi có khả năng thách thức và thay đổi trật tự này.

Do vậy, ngoài Mỹ, đến nay, Nhật Bản cũng ủng hộ mạnh mẽ nhất trật tự hiện hành. Chiến lược đại châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản là trụ cột mạnh mẽ duy trì bá quyền Mỹ và trật tự do phương Tây lãnh đạo, đi ngược với xu thế phát triển và chiều hướng tình hình toàn cầu kỷ nguyên hậu khủng hoảng cũng như chống lại xu thế đa cực hóa và tiến trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế tại khu vực.

Nhật Bản đã chủ động thúc đẩy hợp tác khu vực tại Đông Á. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc, sức mạnh và ảnh hưởng toàn diện ngày càng trỗi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản bắt đầu lo ngại Trung Quốc sẽ nắm vai trò lãnh đạo trong thúc đẩy hợp tác và xây dựng trật tự khu vực tại Đông Á. Do đó, Nhật Bản bắt đầu ủng hộ một cộng đồng Đông Á mở rộng, tăng “10+3” (nhóm gồm 10 nước ASEAN và Trung - Nhật - Hàn) thành “10+6” (với sự mở rộng thêm ba nước Ấn, Australia và New Zealand và hiện đang lôi kéo cả Mỹ).

Về kinh tế, Nhật Bản chuyển từ hợp tác Đông Á sang hợp tác châu Á-Thái Bình Dương và có ý định tham gia đàm phán TPP. Nhật Bản lập luận rằng để ứng phó với gã khổng lồ Trung Quốc và hạn chế Trung Quốc cần phải có sự mở rộng hệ thống và một hệ thống lớn hơn. Như vậy với sự phát triển và tăng trưởng về quy mô kinh tế, hệ thống khu vực hạn chế Trung Quốc cần được mở rộng để làm giảm hoặc đối trọng với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thực tế Nhật Bản đang cố tình làm giảm bớt tầm quan trọng địa kinh tế và địa chính trị của Đông Á, làm giảm sự cảnh giác của Mỹ và lôi kéo Mỹ.

Kể từ khi cựu TTg Nhật Bản Yukio Hatoyama thất bại trong việc chuyển chính sách đối ngoại của Nhật Bản với trọng tâm là Mỹ sang trọng tâm châu Á hơn, những điều chỉnh chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản tập trung hơn vào tăng cường liên minh Mỹ - Nhật, lôi kéo Ấn, Australia và các nước khác chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã phát triển quan hệ chặt chẽ với các nước Ấn, Australia nhằm hình thành liên minh bốn bên.

Xét về phạm vi rộng hơn, chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản tập trung vào Trung Quốc và do đó ảnh hưởng tới Trung Quốc. Về lĩnh vực kinh tế, chính sách hợp tác khu vực của Nhật Bản (ủng hộ việc mở rộng cộng đồng Đông Á và thúc đẩy TPP) sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và khiến Trung Quốc đối mặt với áp lực bá quyền kinh tế thương mại do Mỹ - Nhật thúc đẩy. Về khía cạnh rộng hơn, đây là trò chơi giành vị trí lãnh đạo trong hợp tác Đông Á.

Trong tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật liên quan tới quyền, lợi ích biển và chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku, các chính trị gia Nhật Bản không chỉ kêu gọi Mỹ tham gia kiềm chế “hành vi bành trướng” của Trung Quốc mà họ còn kêu gọi cả châu Âu bày tỏ sự cảm thông.

Nhật Bản đang nỗ lực hết sức để ủng hộ bá quyền Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc đang đối mặt với thách thức an ninh và cấu trúc ngày càng tăng do liên minh Nhật - Mỹ. Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản đã tăng thêm khó khăn địa chính trị cho Trung Quốc và cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực.

Ngoài ra, việc điều chỉnh quân sự của Nhật Bản tại khu vực cũng phù hợp với tái cân bằng chiến lược của Mỹ tại châu Á và sẽ có ảnh hưởng lớn tới môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc. Nhật Bản quyết tâm phát triển lực lượng phòng vệ năng động có thể kết hợp với lực lượng chiến đấu, tình báo và chỉ huy của Mỹ. Nhật Bản muốn bảo đảm khả năng phòng thủ đảo trong đó có cả đảo Điếu Ngư và sử dụng chính lực lượng của mình là lực lượng phòng vệ Nhật Bản, trong khi vẫn bảo đảm Nhật Bản có sự ủng hộ của Mỹ khi xung đột leo thang. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ đóng vai trò trong giám sát quân sự, chống tàu ngầm, phòng vệ trên không, chia sẻ thông tin và là phần quan trọng trong khuôn khổ liên minh Mỹ - Nhật nhằm ứng phó với các hoạt động tăng cường xây dựng quân sự của Trung Quốc. Mỹ - Nhật muốn phối hợp thành khối thống nhất chặt chẽ ứng phó, bao vây hải quân và không quân Trung Quốc trong các chuỗi đảo. Điều đó cho thấy về dài hạn chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc sẽ mang tính cạnh tranh hệ thống, kiềm chế đa phương, ngăn chặn quân sự, giảm hấp dẫn về ngoại giao, cạnh tranh kinh tế và khiến quan hệ Trung - Nhật vào giai đoạn nhiều bất ổn, phức tạp hơn.

Trước chiến lược của Nhật Bản mà Trung Quốc phác họa, một số học giả Trung Quốc, trong đó có Thiếu tướng La Viện đã hiến kế sách đối phó, cụ thể các tác giả đã đưa ra bốn quân bài mà Trung Quốc có thể sử dụng để đối phó với Nhật Bản, bao gồm chính trị, kinh tế, dư luận và chấp pháp.

Theo báo Hồng Công “Văn Hối” ngày 21/1, căng thẳng trong tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc với Nhật Bản kéo dài đã nửa năm. Bất chấp những thiện chí và thành ý của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp này, phía Nhật Bản vẫn không ngừng phạm sai lầm khiến tình hình càng thêm phức tạp. Theo giới chuyên gia Trung Quốc, nếu Nhật Bản không thay đổi, Bắc Kinh tiếp tục nhất quán “lấy tĩnh chế động”, song vẫn nắm quyền chủ động. Nếu Nhật Bản thách thức giới hạn cuối cùng của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn còn bốn “quân bài” về chính trị, kinh tế, dư luận và chấp pháp để đối phó. 

Trên tờ Văn Hối (Hồng Công), các học giả Trung Quốc cho rằng, liên tiếp mấy ngày qua, sự đối đầu giữa không quân Trung Quốc và Nhật Bản tại khu vực Điếu Ngư/Senkaku tiếp tục gia tăng, nguy cơ nổ súng - thậm chí nổ ra xung đột quân sự Trung-Nhật - đang tăng nhiệt. Căng thẳng leo thang khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi “Liệu Trung-Nhật có nổ ra một cuộc chiến? Hay là phía Trung Quốc vẫn sẽ có các biện pháp để tiếp tục ứng phó?”.

Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc - Thiếu tướng La Viện - chỉ ra rằng tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku không phải là cuộc tranh chấp nhất thời, cần phải đặt vấn đề này vào dưới góc độ vĩ mô hơn và nhìn nhận nó từ không gian lịch sử lâu dài hơn, Trung Quốc cần phải làm tốt sự chuẩn bị đối với sự lâu dài hóa tranh chấp, vận dụng các biện pháp tổng hợp để gây sức ép.

Trong mấy tháng qua, Chính phủ Trung Quốc đã bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia theo luật pháp một cách kiên quyết, vừa thể hiện sự thành thục, vừa cho thấy quyết tâm không dao động. Một quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc nói với “Văn Hối” rằng bước tiếp theo, phía Trung Quốc sẽ căn cứ diễn biến tình hình để áp dụng các biện pháp có lực hơn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nguyễn Tống Trạch, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc, tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên trì thái độ có lý, có lợi và có chuẩn mực để đối mặt với vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc có rất nhiều biện pháp phản đòn và tuyệt đối không mềm tay. 

Về quân bài chính trị, Thiếu tướng La Viện cho rằng Trung Quốc sẽ duy trì lập trường kiên định tuyệt đối không nhân nhượng. Nếu phía Nhật Bản muốn đàm phán, phía Trung Quốc sẽ tiếp chuyện; nếu Nhật Bản vẫn từ chối đàm phán, Trung Quốc cũng sẽ làm tốt chuẩn bị mọi mặt. Lý Phong Cường, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Sử địa Biên giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ không dung thứ việc Nhật Bản tiếp tục có những hành vi quá khích trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, nếu phía Nhật Bản lần nữa làm bừa sẽ dẫn đến một cuộc chiến ngoại giao, mức độ quyết liệt sẽ ghê gớm hơn trước. 

Về quân bài kinh tế, Thiếu tướng La Viện cho biết Trung Quốc có thể áp dụng biện pháp chế tài kinh tế để gây sức ép với Nhật Bản. Nhật Bản không thể một mặt được hưởng lợi ích kinh tế từ Trung Quốc, mặt khác lại làm tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc. Cao Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Nhật Bản thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng đợt tẩy chay hàng hóa Nhật Bản tự phát ở Trung Quốc trước đây là không có gì đáng trách, là bài học để Nhật Bản rút kinh nghiệm, song đó mới chỉ là quân bài người dân Trung Quốc áp dụng, quân bài kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc áp dụng sẽ khác, chính phủ sẽ tiến hành điều chỉnh chính sách kinh tế đối với Nhật Bản. 

Có phân tích cho rằng ngoài các lĩnh vực du lịch, mậu dịch và thu thuế…, Trung Quốc còn có thể giảm hoặc hạn chế xuất khẩu tài nguyên sang Nhật Bản, tạm đình chỉ hợp tác bảo vệ môi trường, làm chậm vô thời hạn đàm phán về khai thác các giếng dầu ở Biển Hoa Đông, thậm chí là hủy bỏ đàm phán về vấn đề này và khôi phục toàn diện các hoạt động thăm dò và khai thác các giếng dầu ở Biển Hoa Đông. 

Về quân bài dư luận, Thiếu tướng La Viện cho rằng Trung Quốc cần chiếm lĩnh điểm cao về dư luận, giành quyền phát ngôn trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, nói cho quốc tế hiểu rõ những yêu cầu vô lý và những hành động vi pháp của Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Trương Dương thuộc Trung tâm Tin tức Hải dương Trung Quốc kiến nghị, trước hết, Trung Quốc cần thống nhất nhận thức, tăng cường tuyên truyền, phê phán chủ trương của Nhật Bản, nói rõ lập trường của Trung Quốc. Tiếp theo, cần để cộng đồng quốc tế hiểu "chân tướng" của sự việc, thăm dò các phương thức hữu hiệu, tuyên truyền để các học giả Nhật Bản ủng hộ một số quan điểm của Trung Quốc. 

Về quân bài chấp pháp, Thiếu tướng La Viện cho rằng Trung Quốc cần áp dụng chấp pháp bình thường hóa, chấp pháp tần suất cao, chấp pháp luân phiên và chấp pháp tập trung, quân dân hỗn hợp. Đồng thời, cũng cần làm tốt phương án chuẩn bị và dự phòng trong trường hợp phía Nhật Bản khiêu khích. Còn ông Cao Hồng chỉ ra rằng Trung Quốc có quyết tâm dùng biện pháp phi hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, điều này hoàn toàn được quyết định bởi động thái tiếp theo của phía Nhật Bản. Nhiều chuyên gia cảnh cáo rằng nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường sai lầm, cuối cùng có thể Nhật Bản sẽ "tự vác đá đập chân mình". 

Theo Trung Quốc Nhật báo, Văn Hối
Quốc Trung (gt) 

...♥.♥.♥...

...♥.♥.♥...

Nguồn : Nghiên Cứu Biển Đông - Thứ năm, 24 Tháng 1 2013

...♥.♥.♥...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...