...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Ông thợ cắt tóc trên chiếc xe lăn




(RFA) - Tạp chí “Câu chuyện hàng tuần” kỳ này mời quý vị theo dõi câu chuyện về ông Lê Quang Tý,– người thợ cắt tóc đặc biệt ở xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa. Điều gì làm người đàn ông này được nhiều người yêu quý?


Photo courtesy of VNE - Ông Lê Quang Tý đang cắt tóc cho một người dân trong làng, ảnh chụp trước đây.

Mong trời không mưa

Có những công việc mà người làm công thường không bao giờ mong trời mưa. Ông Lê Quang Tý (53 tuổi) là người hiểu điều này hơn ai hết. Ngày nào cũng vậy, sau cử cơm sáng đạm bạc cùng gia đình, ông Tý chuẩn bị lăn xe re đường bắt đầu một ngày làm việc:

“Giờ này tôi chưa đi, trời phải ấm chút, khoảng 8g30 sáng tôi mới đi”.

Mùa lạnh, ông Tý bắt đầu công việc trễ hơn, vào khi mặt trời vừa ló dạng. Và mùa hè, trời ấm áp, người đàn ông khuyết tận thường bắt đầu công việc lúc 7 giờ sáng. Mỗi ngày bà Vũ Thị Sửu, vợ ông thường đẩy ông qua khỏi dốc đê và trở về nhà chuẩn bị công việc đồng áng. Còn ông Tý bắt đầu kiếm sống trên chiếc xe lăn.

Đi rong như vậy vất vả lắm. Thỉnh thoảng bà con đẩy hộ, lúc thì vợ tôi đẩy. Nhưng mở tiệm thì không có khách nên phải đi như vậy để tiện lợi cho người ta.
Lê Quang Tý

“Ngày nào cũng dậy sớm nấu cơm cho ông ấy ăn rồi đi làm. Thương ông ấy lắm. Ông đi đường tôi cũng sợ”, vừa tiễn chồng, vợ ông bâng khuâng nói.

Trên chiếc xe lăn của ông có gắn một cái máy hát nhỏ đã cũ. Đi đến đâu cũng phát những bài hát cũ rít nhão nhoẹt. Nhưng đó là tín hiệu để bà con trong xóm biết rằng hiệu cắt tóc di động của ông đang có mặt.

Ngày nào kiếm được kha khá khách, ông Tý như quên hết mệt nhọc, vừa lăn xe về, vừa hát trên bờ đê. Nhưng có những ngày vắng khách, thấy ông lăn xe chậm chạp mà hàng xóm cũng não lòng. Chiếc xe lăn của ông đã dùng được gần 20 năm, hoen rỉ và vá víu một cách thảm hại. Nhiều lúc đi cắt tóc mà xe cứ lỏng óc, hỏng dọc đường. Ông Tý tâm sự, ông sợ nhất là những ngày mưa vì khi đó đường trơn rất khó lăn xe đi. Tay ông đã yếu và không lăn nỗi xe qua các dốc đê cao trong điều kiện thời tiết bình thường. Khi mưa trơn trợt, ông di chuyển lại càng khó khăn.

Ông Tý làm nghề cắt tóc dạo hơn hai mươi năm nay. Hình ảnh người đàn ông tóc muối tiêu chân co quắp và tay lều khều trên chiếc xe lăn đi cắt tóc dạo từ lâu đã quen thuộc với bà con trong xã. Mỗi khi có khách lạ ghé thăm, ông Tý lại dò la bắt chuyện, xởi lởi nhiệt tình.

Ông Lê Quang Tý kể, ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ. Khi được 3 tháng tuổi, ông bị sốt nặng khiến chân tay co giật, co rút. Gia cảnh khốn khó, cha mẹ ông cũng không thể thuốc thang cho, đành nhìn con mà đau xót.

Ông Lê Quang Tý và Vợ, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of VNE.

Hơn 3 tuổi cậu bé tên Tý ngày xưa mới bắt đầu tập bò. Một thời gian sau, người cha đóng cho cậu chiếc ghế để lết dưới đất. Đó là cách duy nhất giúp cậu bé di chuyển và đến được với các lớp học trong làng. Người thân ông Tý kể rằng ông sáng dạ từ nhỏ, nên học hành thông minh, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Tuy nhiên, chỉ học được đến lớp 4, cậu bé tật nguyền đành gác ước mơ đến trường vì lớp học khi đó bị dời đi đến một nơi khác quá xa khiến cậu không thể tiếp tục việc học hành.

Cậu bé tên Tý ngày nào bắt đầu nhờ người đóng một chiếc ghế có 4 bánh xe gắn phía dưới để tiện cho việc di chuyển. Mỗi khi cha mẹ đi làm đồng là cậu chạy sang nhà hàng xóm để học đan lưới, đan rổ rá. Chỉ vài tháng sau cậu bé đã thông thạo nghề đan còn giúp gia đình đan lưới kiếm tiền tiêu vặt. Được vài năm, nghề cá không còn thịnh hành, cái nghề đan lưới, đan rổ của chàng thanh niên tên Tý cũng bị mai một. Không đầu hàng số phận, ông Tý lại nghĩ ra một nghề khác để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình:

“Bắt đầu thì chỉ cắt cho con nít ở nhà. Khi thạo rồi thì mới cắt cho người lớn và đi cắt dạo”.

Ngày đầu tiên cầm cây kéo, tay ông Tý cứ khoòng khoèo, cây kéo cứ muốn vuột khỏi tay. Có lúc chỉ để cắt xong mái tóc cho một đứa trẻ, ông đánh vật với cây kéo cả giờ đồng hồ đến vã cả mồ hôi. Dần dà, khi tay linh hoạt hơn, ông bắt đầu ngồi xe lăn đi cắt dạo. Kể đến đây ông chậm rãi chỉ vào chiếc xe lăn đã cũ nát gần 20 năm tuổi nói vui:

“Đi rong như vậy vất vả lắm. Thỉnh thoảng bà con đẩy hộ, lúc thì vợ tôi đẩy. Nhưng mở tiệm thì không có khách nên phải đi như vậy để tiện lợi cho người ta”.

Quyết tâm cho con ăn học

Tất cả những gì cần thiết của một hiệu cắt tóc được ông để hết trên một chiếc xe lăn. Nào kéo, nào dao cạo, nào lược, nào phấn cạo.... ông bỏ gọn lỏn vào một bao ni lông. Nơi để chân trên chiếc xe lăn cũng được ông cải tiến thành chỗ ngồi của khách, tiện lợi vô cùng. Trên chiếc xe lăn, ngoài bộ đồ nghề và chiếc máy hát nhỏ, ông Tý không quên mang theo gói mì tôm. Đó là phần cơm trưa quen thuộc của ông:

“Đến nhà ai, người ta mời ăn cơm thì tôi ăn trưa ở đó luôn. Còn không thì ăn mì tôm”.

Mỗi ngày, xe cắt tóc di động của ông có mặt khắp 4 thôn trong xã, len lỏi trong mọi xóm nhỏ. Ông có thể cắt tóc ở bất cứ nơi đâu, trên bờ đê, dưới cây cầu hay cạnh ao cá. Khách của ông chủ yếu là trẻ con, nông dân và các cụ già – những người không đủ sức để đi đứng nữa. Hễ khi không nghe tiếng chiếc máy hát cũ của ông thì người trong làng lại lo lắng, hỏi han. Ông Lê Đình Tam, người cùng thôn, đã cắt tóc nơi ông Tý 20 năm cho biết:

Ông ấy rất chịu khó, đàng hoàng. Bà con ai cũng quý mến. Chịu khó đi làm để cho con ăn học. Hoàn cảnh thế mà vẫn cho con ăn học đến cấp 3.Lê Đình Tam

“Cắt cũng thường, không đẹp đâu nhưng mà bà con muốn giúp đỡ gia đình chú ấy. Gia đình ông Tý thì hoàn cảnh lắm. Vợ yếu, hai cháu thì đang học. Hai chân ông không đi được, hai tay thì yếu. Chú đi cắt tóc dạo để kiếm tiền sinh sống. Ông ấy rất chịu khó, đàng hoàng. Bà con ai cũng quý mến. Chịu khó đi làm để cho con ăn học. Hoàn cảnh thế mà vẫn cho con ăn học đến cấp 3.”

Ông Tý lấy vợ khá muộn, lúc hơn 35 tuổi. Đứa con gái lớn của ông hiện đã học hết cấp ba và đang làm công nhân, còn đứa út cũng đang học lớp 11. Tất cả đều là từ sự cố gắng của người đàng ông khiếm khuyết với vài chục nghìn ông kiếm được mỗi ngày.

Hơn 20 năm, tay nghề ông đã khá hơn, ông không còn lóng ngóng và cắt tóc nhanh hơn trước rất nhiều. Thế nhưng điều đó cũng không làm ông có thêm khách bởi dân số trong làng chỉ có như thế. Ông không thể đi xa hơn ngoài phạm vi 3 km trong 4 thôn của xã.

Mỗi ngày, ông có khoảng 5­-6 người khách. Mỗi lần cắt, ông được trả từ 5 đến 10 ngàn đồng. Nhiều khi vì cố gắng kiếm thêm chút tiền đong gạo, ông đi làm đến tối mịt mà chưa chịu lăn xe về nhà. Có nhiều lúc phải soi đèn mò mẫm trong đêm lạnh, tay chân ông cứ run như co giật. Vậy mà ông chưa bao giờ bỏ cuộc. Dường như khi người ta không thực hiện được ước mơ của mình, họ lại càng muốn gởi gắm khao khát vào người thân. Không được đến trường ông Tý càng quyết tâm cho con ăn học:

“Cũng cố mà vươn lên, đi làm kiếm mấy đồng cho các cháu ăn học. Cái nghề này đi đứng vất vả nhưng cũng nhẹ nhàng. Những việc khác thì tôi làm không được. Ví dụ muốn đan cái rổ cũng phải nhờ người mua tre, mua mây. Cho nên nghề này vẫn tiện hơn.”

Niềm vui của ông Tý là được cắt tóc cho những cụ già yếu ớt. Ông tâm sự, ít ra ông thấy mình hữu dụng đối với những cụ già này. Ông nói rằng cuộc sống đã không làm ông trở thành một người may mắn nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ biến ông thành người vô dụng. Ông vẫn vui vẻ trên đôi chân tật nguyền và mỉm cười với sự cố gắng của mình. Niềm hạnh phúc của người đàn ông trên chiếc xe lăn cũ nát dường như chỉ đơn giản có vậy.

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org


...♥.♥.♥...


...♥.♥.♥...

Nguồn : RFA - Quỳnh Chi, phóng viên RFA - 2013-01-22

...♥.♥.♥...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...