‘‘Công án Bia Sơn’’ là một vụ án ‘‘tạo dựng’’
(RFI) - Phiên tòa xét xử sơ thẩm 22 thành viên của tổ chức « Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn », với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền », khai mạc hôm qua 28/01/2013, tại tỉnh Phú Yên, miền Trung Việt Nam, dự kiến kéo dài 5 ngày, bị nhiều nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích là hết sức bất công. Để chuyển thêm đến công chúng các hiểu biết về vụ án, RFI đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy (Paris).
Bằng cớ buộc tội không thuyết phục
RFI : Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy. Thưa ông, như ông biết, tại Việt Nam đang diễn ra phiên tòa sơ thẩm vụ án xét xử các thành viên nhóm « Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn » (xin gọi tắt là vụ Công án Bia Sơn). Xin ông cho biết nhận xét chung của ông về vụ án này.
Nguyễn Văn Huy : Nhận định chung của tôi về vụ án này là : Đây là một vụ án chính trị giả tạo, mang tính gượng ép. Vì những lý cớ, bằng cớ đưa ra không thuyết phục. Bởi vì, bắt và xét xử 22 người trong tổ chức gọi là « Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn », bản thân cái tên này mình thấy cũng hơi lủng củng, kỳ cục… Một tổ chức chính trị không thể nào mang một cái tên kỳ cục như thế này. Thứ hai là, những chứng cớ trong bản cáo trạng cho thấy là họ không có bằng chứng rõ ràng. Chẳng hạn như là : người lãnh đạo đã từng lập ra một giáo phái, có tên là « Ân Đàn Đại Đạo » năm 1969, sau đó là một lính bị đi cải tạo, rồi được trả tự do, rồi về thành lập một khu Du lịch – Sinh thái mang tên Đá Bia ở Phú Yên, rồi trong đó lập ra một tổ chức chống lại chính quyền, với những bằng chứng như là 19 kíp nổ, hay là những tài liệu về tuyên truyền, gồm những sách kinh của họ, và một số tiền mặt.
Tôi thấy rằng không đủ sức thuyết phục để tin rằng đây là một tổ chức phản động, chống lại chính quyền có tổ chức, một tổ chức chính trị thực sự. Là vì, nhìn thấy số tiền mà chính quyền tịch thu được, có khoảng 9.000 đến 10.000 đô la. Đây chỉ là số lượng tiền dùng cho một cơ quan. Bởi vì công ty sinh thái Đá Bia này là một công ty du lịch, thành ra số tiền này, theo tôi, chỉ là dùng để chi trả cho công trình này, hoặc là trả lương cho nhân viên. Đồng thời họ nói bắt được vũ khí là 19 kíp nổ. Điều này tôi thấy không đúng, là vì khi xây dựng công ty du lịch này, thì theo bản cáo trạng, những người này đã đục đá, khai tường, rồi khắc bia trên đá, thì những kíp nổ này là để phá đá, hoặc làm tượng, hoặc khai thác đá mà thôi. Vì kíp nổ chứ không phải là mìn. Kíp nổ chỉ là ngòi nổ làm bung nứt, thành ra không có thể tấn công được ai hết. Đồng thời họ bắt được 10 bộ điện đàm, thì tôi nghĩ rằng trong một công ty du lịch, với một diện tích trên 10 ha, thì những bộ điện đàm đó là để liên lạc với các nhân viên ở đầu này, đầu kia. Những liên lạc như vậy hết sức là bình thường, và không có gì mang tính truyền tin bí mật ra nước ngoài hết…
Tước đoạt tài sản của « Bia Sơn » : Một mục tiêu ẩn sau vụ án
Những chứng cứ đưa ra để tố cáo không có sức thuyết phục. Tôi nghĩ rằng đây là một vụ giả tạo, gượng ép, mà thực tế, theo nhận xét riêng của cá nhân tôi, thì đây là một hình thức để cướp đoạt tài sản của công dân. Vì khi đọc bản cáo trạng với đơn của gia đình những người bị bắt, thì họ lập ra công ty này là để thu hút du khách, thành ra công ty đang thành hình, thì chính ông công an sẽ đi bắt những người này cũng đã từng tới thăm, và ông tỉnh trưởng tỉnh Phú Yên cũng đã tới thăm, và khen những người này lập ra công ty để thu hút du khách và phát triển địa phương. Nhưng khi thấy công ty bắt đầu chạy được, tức là có người đến thăm, thì họ (các lãnh đạo) tìm cách để chiếm khu này. Một thời gian sau chắc họ sẽ bán lại cho một người nào đó trong số những người thân của họ. Thành ra tôi cho rằng : đây là một vụ án cướp đoạt tài sản của công dân.
RFI : Việc một vụ án kéo dài gần một năm rồi, mà các bằng cớ không rõ ràng như vậy, phải chăng khiến người ta hoàn toàn có lý, khi nghi ngờ về tính công minh của việc xét xử ?
Nguyễn Văn Huy : Những chứng cứ kể trên hoàn toàn gượng ép nên không thể thuyết phục bất cứ ai. Một người không phải là luật sư như tôi có thể thấy đây là chuyện giả tạo rồi, thì với một luật sư, thì họ sẽ thấy là các tội danh cáo buộc như « phản động » hay « tuyên truyền lật đổ chế độ » là rất nghiêm trọng. Vì trong những cái bằng chứng này, không có một cái gì có thể nói rằng họ (nhóm Công án Bia Sơn), có thể đứng ra lập một tổ chức có quy mô để lật đổ chính quyền được. Nhất là với 22 người ở tại một vùng hẻo lánh, thôn quê. Thành ra tôi thấy rằng, chính quyền lo ngại không để luật sư bào chữa. Hoặc là những luật sư mà đọc cái này thì họ cũng không biết nói gì bây giờ, vì rõ ràng đây là một vụ án giả tạo, cố tình kết tội một số người vì một mục đích chính trị, thì đúng hơn là một vụ án hoàn toàn là « hình sự » hoặc « chính trị ».
Vì sao vụ « Công án Bia Sơn » ít được chú ý ?
RFI : Một vụ án với rất đông người bị bắt giam, truy tố, bắt đầu từ gần một năm nay, nhưng dường như ít được công chúng để ý đến. Ông nghĩ như thế nào về nhận định này.
Nguyễn Văn Huy : Mình thấy trong vụ này, mặc dầu số người bị bắt là 22, nhưng nhìn kỹ lại từng cá nhân, theo bản cáo trạng, thì gần như phần lớn là những người già cả, năm nay cũng khoảng từ 55 đến 65 tuổi, tức là những người dân bình thường, làm việc trong công ty. Với cả hơn nữa là, họ không phải là những người có thành tích nào đáng kể, ngoài cái thành tích có một quá khứ với chế độ Việt Nam Cộng hòa, hoặc là những người lính cũ, hoặc những người đã tùng sống với chế độ Việt Nam Cộng hòa. Còn những thanh niên sinh vào năm 1980, họ là những công nhân, những thanh niên, họ chỉ biết chế độ, thành ra họ không có gì có thể nói là chống chế độ hết, vì họ là những người dân chất phác hiền lành, ở những vùng đồng quê.
Khi vụ án được thông tin trên trang web của Thông Luận, có bài phản bác vụ án khiên cưỡng, Nhưng đối với các tổ chức, cơ quan khác, có thể người ta cho rằng vụ án này không quan trọng.
Có thể người ta nghĩ đây là "một trò cười", vì thật sự là, bắt những người tin « dị đoan », lập ra các hội kín để tu thiền, hoặc là để tuyên bố về những đạo lý xa vời, thì không phải là một vụ án chính trị. Trên khía cạnh nào đó, có thể nói rằng, đây là một vụ án về « dị đoan ».
Thành ra, người ta không chú ý là vì những lý do đó, chứ không phải là những người này không xứng đáng được bênh vực. Nhưng vì người ta thấy, cái tội mà họ bị bắt không quan trọng, thì nghĩ rằng, những người này chắc sẽ được thả ra, vì những người này đâu có làm gì quá đáng để mà bị phạt vạ.
Người Châu Á thường "tìm quên" trong tu tâm, thay vì chống bất công
RFI : Vụ án này có thể dẫn đến một liên tưởng với một loạt hiện tượng khá phổ biến trong xã hội Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam Việt Nam trước ngày tái thống nhất, và nhất là vào đầu thế kỷ, đó là các phong trào cứu thế, các tổ chức dựa vào "đức độ", uy tín của các vị được coi là các « Phật Thầy » hay các ông đạo là những người rất được sùng kính. Xin ông cho biết ý kiến ông về chuyện này.
Nguyễn Văn Huy : Cái hiện tượng siêu hình mang tính cách dị đoan này rất là phổ biến tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Trước đây, tôi thấy có rất nhiều hiện tượng. Ví dụ như, có người nói ở núi Lang Bian Đà Lạt có Phật Bà hiện xuống. Người ta thường xuyên lội bộ, leo núi lên thăm. Hoặc là, trong thời kỳ Pháp thuộc tại miền Tây Nam Bộ có các hiện tượng như đạo Cao Đài, Hòa Hảo… Ví dụ như người ta nói rằng : « Đức Phật Thầy Tây An » hiện xuống, Đức Phật giáng bút… để dạy cho dân chúng sống một cuộc đời tu hành cho xứng đáng, với hy vọng để có một cuộc sống tốt hơn.
Thực sự cái hiện tượng mê tín dị đoan của người Việt Nam nói chung, và người miền Nam nói riêng, là do sự thất vọng của họ trước cuộc sống hiện tại. Tức là, thay vì tập trung vào các cố gắng để thành công trong xã hội mới, thì nếu không được thì họ tự rút lui, cố thủ trong chính họ, để tìm cách quên đi cái hiện tại, với hy vọng cuộc sống tương lai khá hơn trong cõi khác. Thành ra, hiện tượng này là rất phổ biến trong các xã hội bị chèn ép rất nặng nề, mà người dân không có cách nào thoát khỏi cái hiện tại, thì họ tìm quên trong các niềm tin tưởng mang tính cách « mê tín dị đoan ».
Đây cũng là một đặc điểm của xã hội Á Châu, khác với xã hội Tây Phương và vùng Trung Đông. Vì người Tây Phương hay người Trung Đông, khi họ không đồng ý cái gì, thì họ xuống đường biểu tình, họ bạo động, họ phản kháng ngay tức khắc, họ chống lại cái chế độ đang hà hiếp họ. Trong khi đó, các xã hội Châu Á, đặc biệt là Trung Hoa và Ấn Độ, người ta tự rút lại vào nội tâm chính mình, để tìm sự giải thoát riêng cho cá nhân, thay vì tập trung mọi sức lực để chống lại chính quyền, hoặc chế độ mà ở đó họ đang bị đàn áp. Thành ra, tôi nghĩ rằng, đối với các chế độ độc tài, đây có thể là một sự may mắn cho họ.
Tại vì, trong những hoạt động thế này, người dân, thay vì tập trung xuống đường hẹn nhau biểu tình chống lại chế độ, để đòi hỏi quyền lợi, thì lại rút lui vào trong bóng tối, để sống cuộc sống tâm linh của họ, để mà tìm quên qua một cõi khác, với hy vọng cuộc sống khá hơn. Ở đây, tôi nghĩ, người Châu Á, bị ảnh hưởng bởi triết lý Phật giáo hay đạo Bà-la-môn, hay những đạo có tính cách thiền của Ấn Độ, là họ tìm cách quên, với suy nghĩ là cái số phận của mình bây giờ bị khổ, thì mai mình sẽ khá hơn, bằng cách tu tâm. Thành ra họ tìm cách để hy vọng, với các tiên đoán, tiên tri, giáng bút, hoặc những lời sấm, để tin rằng, nếu chịu đựng hôm nay, thì ngày mai sẽ khá hơn.
Đây có thể nói là một cái may mắn cho các chế độ độc tài Châu Á. Vì những thái độ này nó không làm cho các chế độ này bị đe dọa, mà làm cho người dân bị động, cam chịu, tiếp tục sống dưới sự cai trị hà khắc của các chế độ độc tài Châu Á.
Trấn áp giáo phái nhỏ để răn đe dân quê
RFI : Ông vừa lưu ý đến điểm có lợi cho các chế độ độc tài Châu Á nói chung, cụ thể là trong trường hợp Việt Nam, khi người ta bị rơi vào trạng thái mê tín, lẩn tránh như vậy. Tuy nhiên, cũng có những điểm, như cáo trạng của vụ án cho thấy, chính quyền cũng lo ngại về các thông điệp mang tính tôn giáo của tổ chức này, như việc tổ chức này quyết hướng đến một xã hội hoàn toàn mới. Cái thông điệp thay đổi "chế độ" trên phương diện tinh thần, mà giáo phái này tuyên truyền, phải chăng chính là điều mà chính quyền thực sự lo ngại ?
Nguyễn Văn Huy : Trong vụ án này, người ta thấy rằng chế độ rất lo sợ về sự kết hợp của dân chúng, để có một thái độ chung về chế độ. Tôi nghĩ rằng, đây là một điều lo ngại « chính đáng » đối với một chế độ độc tài. Chẳng hạn như là, họ rất gay gắt với những cuộc xuống đường đòi lại tài sản của những người Công giáo, hoặc những buổi đòi lại đất đai của những người Thượng Tin Lành trên Cao nguyên… Tôi thấy rằng, đây là một hiện tượng chính quyền lo ngại, vì đụng đến tôn giáo là họ đụng đến một tập thể rất đông người, và cái sự bênh vực của thế giới sẽ mạnh hơn.
Chính vì vậy mà, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều cuộc xuống đường, như của người Công giáo trong những năm vừa qua, nhưng chính quyền chỉ dàn xếp rất dè dặt và chỉ bắt bớ một cách từ từ những người lãnh đạo sau đó, và cũng không dám xử những bản án nặng nề, vì họ rất lo ngại, vì sự hậu thuẫn của các tôn giáo lớn, như đạo Công giáo, đạo Tin Lành, hoặc Phật giáo.
Thành ra, khi họ thấy một nhóm, một giáo phái nhỏ như hội Bia Sơn này, thì họ có thể đàn áp mạnh, để răn đe những dân chúng ở vùng quê, để không dám công khai chống đối chính quyền. Tại vì, nhìn chung trong xã hội Việt Nam hiện nay, ai cũng sẵn sàng chỉ trích chế độ một cách công khai trên đường phố. Nhưng đó là tại các thành phố lớn. Còn tại các vùng thôn quê, lãnh đạo các cấp địa phương rất lo ngại, vì người nông dân ở vùng thôn quê là họ thật thà, vì họ nghĩ gì là nói thẳng, và sẵn sàng nghe theo bất cứ ai. Có thể nói là, nếu bị « xúi giục » để chống lại thì họ sẵn sàng làm. Trong khi đó, ở thành phố, thì họ chỉ nói ngoài miệng, còn họ không làm gì hết.
Trấn áp dân để trấn an nội bộ
RFI : Còn cụ thể trong vụ này, thì về thực chất, giáo lý và hoạt động của tổ chức « Công án Bia sơn » không hề có ý nghĩa đe dọa như tư pháp Việt Nam cố gắng chứng minh ?
Nguyễn Văn Huy : Chính quyền cố tình làm lớn vụ này, thật sự là để trấn an nội bộ hơn là để răn dân chúng. Vì hiện nay, mình thấy rằng, cái « chủ nghĩa xã hội », « chủ nghĩa cộng sản » hiện nay không còn thuyết phục được ai hết. Hành động của các đảng viên, cán bộ Nhà nước không có gì là « xã hội chủ nghĩa » hoặc là « cộng sản » cả. Họ là những người sống một thứ tư bản rừng rú, một cách hết sức rõ ràng. Họ thích của cải tiền bạc, và sống phô trương sự giầu có một cách công khai. Nếu lôi kéo nội bộ vào chủ thuyết cộng sản, thì không thuyết phục được. Thành ra, nếu nội bộ không đoàn kết với nhau để bảo vệ chế độ, thì chắc chắn có thể bị những người dân bình thường như những người này đe dọa chỗ đứng của mình. Chính vì sự đe dọa như vậy, mà họ phải kết hợp với nhau thành một khối để đàn áp lại khối đa số kia, vốn đang có những suy nghĩ tiêu cực về chế độ.
Họ dùng yếu tố « sẽ bị lật đổ », « bị dân chúng thù ghét » hoặc « trả thù » để đoàn kết nội bộ, để tiếp tục cầm quyền trong những ngày tới.
RFI : Trước khi chia tay, ông có chia sẻ gì thêm với thính giả về chủ đề này không ?
Nguyễn Văn Huy : Trong rất nhiều vụ án chính trị xảy ra trong năm vừa rồi, như cơ quan quan sát nhân quyền quốc tế đưa ra, thì những người bị bắt toàn là những người dân bình thường, những blogger, hay là những người chỉ trích chế độ một cách công khai trên một trang mạng. Tôi nghĩ rằng, đây là một hành động xúc phạm đến quyền tự do của người ta một cách trắng trợn. Tại vì, như tôi sống tại Pháp, nếu mà nước Pháp áp dụng luật lệ như Việt Nam hiện nay, thì phải đến 45 triệu người (Pháp) vào tù.
Vì cái quyền phát biểu là quyền tự do của con người, thành ra có phát biểu, thì mới không có các hành động (bạo lực). Còn nếu cấm người ta, thì sẽ có hành động trong đầu và hành động bí mật, thì cái đó rất là nguy hại, và có thể không kiểm soát được.
Thành ra, nếu chính quyền cộng sản Việt Nam biết nhìn xa, thì họ phải cởi trói dân chúng, tức là cho dân chúng tự do phát biểu một cách ôn hòa, để từ đó hiểu được, để giải tỏa được các bất mãn của dân chúng, để tiếp tục cầm quyền. Còn cứ đàn áp kiểu này, thì ngày nào đó, sự uất ức của dân chúng sẽ nổ cao lên, và lúc đó sẽ không kiểm soát được, vì người ta không còn gì để mất nữa, thì lúc đó, sự tồn tại của chế độ rất đáng lo ngại.
RFI xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.
...♥.♥.♥...
Toà án Phú Yên mù mờ về tội danh “phản động” của nhóm “Công án Bia Sơn”
(RFI) - Hôm nay 29/01/2013, phiên tòa xét xử 22 thành viên của một giáo phái mang tên “Công án Bia Sơn” bước vào ngày thứ hai tại Phú Yên. Theo báo mạng của chính quyền tỉnh, bị cáo Phan Văn Thu đã nhận tội “cầm đầu tổ chức và phạm tội theo bản cáo trạng”, tự vẽ chữ “vương” trên người để lừa bịp dân chúng thực hiện “âm mưu lật đổ chính quyền”. Theo giới quan sát độc lập, khi dùng biện pháp trấn áp để ngăn chận mọi tiếng nói chỉ trích, chính quyền Việt Nam đã để lộ tâm lý lo sợ.
Khu du lịch Đá bia (Phú Yên) - DR
|
Từ Hà Nội, thông tín viên Victor Guillot phân tích:
Từ vụ xử này tiếp nối vụ xử khác, ngôn từ của các bản cáo trạng không thay đổi. Cơ quan báo chí chính thức gọi các nhà tranh đấu là “bọn phản động” và lên án họ âm mưu lật đổ chế độ cộng sản.
Từ hôm qua 28/01/2013, tòa án tỉnh Phú Yên, thuộc miền trung Việt Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 500 km, xét xử 22 người trong một vụ án mới chống “kẻ nội thù”, dự trù kéo dài trong năm ngày.
Phiên xử đã thể hiện nhiều khoảng mờ tối. Trước tiên, người dân Việt Nam không ai nghe biết gì về nhóm thành viên của tổ chức bị xét xử. Hoạt động của họ mà chính quyền mô tả là “khuynh đảo chế độ” dường như bắt đầu tiến hành từ năm 2003 cho đến tháng 02/2012 khi người lãnh tụ phong trào bị bắt. Cũng theo lời buộc tội chính quyền cộng sản thì tổ chức này có 300 thành viên chủ yếu là hoạt động ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Và cũng như thông lệ, chính quyền cáo buộc họ quan hệ với những tổ chức chống chế độ có cơ sở tại nước ngoài.
Như vậy, sau các bản án tù nặng nề dành cho 17 nhà đối lập trẻ trong tháng một này, lại có thêm một vụ án với số lượng lớn bị cáo vào đầu năm 2013.
Trong bối cảnh đảng Cộng sản đang trở thành mục tiêu của nhiều chỉ trích, nhất là do quản lý kinh tế yếu kém, dường như chính quyền co cụm hơn bao giờ hết trong phản xạ tự vệ bằng đàn áp và đàn áp. "Dấu hiệu của sự sợ hãi" của chế độ, như nhận định của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
...♥.♥.♥...
Phú Yên xét xử 22 người tội "hoạt động lật đổ chính quyền"
(RFA) - Phiên sơ thẩm 22 người bị bắt trong vụ Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn tại khu du lịch sinh thái Núi đá Bia khởi sự hôm nay tại tòa án tỉnh Phú Yên.
Bị cáo
Source nld-online
Công an bao vây khu du lịch sinh thái Đá Bia
hôm 05.02.2012 và bắt giữ nhiều người trong vụ
"Hội đồng công luật công án Bia sơn"
|
Những người quan tâm phiên xử gồm thân nhân của các bị cáo và đồng đạo của họ thuộc nhóm thực hành giáo lý của giáo phái đầu tiên mang tên Ân Đàn Đại Đạo do ông Phan Văn Thu tức Trần Công khai mở từ năm 1969. Năm 2004 nhóm tổ chức ra Hội đồng Công Luật Công án Bia sơn.
Mẹ của anh Nguyễn Thái Bình, một trong 22 bị cáo là người có mặt tham dự phiên xử vào sáng hôm nay kể lại mọi diễn biến trong buổi xử đầu tiên và nhận xét của bà đối với 22 người phải ra hầu tòa:
Sáng nay tòa đọc từng tên. Thân nhân ngồi một nơi. Mỗi tội phạm có bốn công an kèm theo. Họ bị kết tội phản động, và ai cũng già và đi yếu lắm.
Một người cũng có mặt tại phiên tòa cho biết một số thông tin liên quan người tham dự và tình hình tinh thần cũng như thể lý của những bị cáo:
Sáng nay tòa đọc từng tên. Thân nhân ngồi một nơi. Mỗi tội phạm có bốn công an kèm theo. Họ bị kết tội phản động, và ai cũng già và đi yếu lắm.Mẹ của anh Nguyễn Thái Bình
Họ không cản trở gì hết. Những người có giấy mời tham dự được vào trước, những người không có giấy mời mà là người thân thì vào sau khi tội phạm được dẫn ra. Do hội trường xử án chật nên có người phải ngồi ở ngoài cửa, nhưng có ghế ngồi và có loa bắc ra. Như thế ai cũng có thể tham dự trực tiếp hay gián tiếp.
Ông Phan Văn Thu, tức Trần Công, một thành viên xây dựng khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia tại ngoại ô thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, bị công an bắt hôm 5/2/2012. File photo. |
Những bị cáo rất hiền, không có gì kháng cự. Tinh thần họ bình thản; nhưng sức khỏe không hiểu sao đi hơi yếu, đi cà nhắc. Mọi người trả lời tự nhiên, theo luật của tòa.
Thân nhân của một bị cáo cho biết nội dung chính kết tội mà bản cáo trạng đưa ra và được đọc lại trong buổi sáng đầu tiên của phiên xử được thông báo sẽ kéo dài trong 5 ngày:
Hai hai bị can được đưa ra và họ đọc cáo trạng phạm tội theo điều 79 Bộ luật hình sự.
Luật sư
Gia đình của 22 bị cáo trong vụ việc đều nói họ không mời luật sư vì họ tin vào tính chính nghĩa của việc làm của người thân và không hề có ý định lật đổ chính quyền.
Tuy nhiên theo qui định của pháp luật Việt Nam, có 6 thành viên trong trong đoàn luật sư tỉnh Phú Yên được cử ra để bào chữa cho 22 bị cáo. Luật sư trưởng đoàn là Nguyễn Hương Quê, vào chiều trước ngày xử án cho biết một số thông tin liên quan về bốn người mà ông được chỉ định bào chữa:
Cũng tham gia tiếp xúc nhiều lần tại trại giam. Tuần rồi tôi có gặp họ. Họ có thừa nhận ý thức ngay từ ban đầu cho đến khi bị bắt. Họ có thừa nhận nhận thức lệch lạc. Họ làm không công cho tổ chức, như ông Nguyễn Kỳ Lạc làm công cho tổ chức trong 8 năm mà không có đồng lương nào hết; còn xin tiền nhà góp vào cho tổ chức nữa. Nói chung, họ thừa nhận sự việc và mục đích của họ là như vậy. Tại phiên tòa có thể đối chất làm rõ vấn đề này.
Sự vụ
Một số người trong cuộc và thân nhân của họ đều một mực cho rằng hoạt động mà họ làm lâu nay chỉ là tu đạo theo Cửu Kinh Minh Triết và xây dựng khu du lịch sinh thái để làm đẹp cho đất nước, chứ không hề có chuyện làm chính trị muốn lật đổ chính quyền hiện nay. Bà Võ thị Thanh Thúy, vợ ông Phan Văn Thu (Trần Công) lập lại điều này trong cuộc nói chuyện với chúng tôi hồi trung tuần tháng giêng vừa qua:
Bây giờ ai cũng biết mình là người tu đạo rồi không có gì phải giấu diếm nữa hết. Thứ hai là làm sinh thái, làm đẹp, mang đến cảnh đẹp cho quê hương, nơi nghỉ ngơi cho con người, cho những ai mệt mỏi muốn tìm đến nơi an bình cho tâm hồn. Mục đích của những người làm tại Bia Sơn là như vậy. Ở đó toàn những người lớn tuổi, còn những thanh niên là thanh niên bệnh tật. Họ tìm đến ngài để được giải thoát.
Luật nói như vậy, nhưng cứ để theo tự nhiên. Ở đâu cũng có tối, có sáng; thời gian sẽ chứng minh.
Tuy nhiên theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên thì nhóm do ông Phan Văn Thu (Trần Công) đứng đầu là có những âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Hai mươi hai bị can được đưa ra và họ đọc cáo trạng phạm tội theo điều 79 Bộ luật hình sự
thân nhân bị cáo
Nhóm này bị bắt hồi ngày 5 tháng 2 năm 2012 tại khu Du lịch Sinh Thái Núi Đá Bia, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Khu này được triển khai xây dựng từ năm 2004 do Công ty TNHH Quỳnh Long đứng tên.
Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên nói rằng đến tháng 2 năm ngoái, Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn thành lập được 12 ban, 26 pháp hội và bốn nhóm chưa có tên pháp hội. Những pháp hội này ở tại các tỉnh thành từ Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Sài Gòn, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.
...♥.♥.♥...
...♥.♥.♥...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.