...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Cần sự đóng góp của nhiều người để phổ biến ra thế giới những tư liệu về Hoàng Sa-Trường Sa

Quần đảo Trường Sa khu vực tranh chấp giữa 
Việt Nam và Trung Quốc
REUTERS/Stringer
Là một nhà sử học đã nhiều năm miệt mài nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiến sĩ Nguyễn Nhã dĩ nhiên hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển.

Tuy nhiên, mối ưu tư của ông Nguyễn Nhã hiện nay là có đủ nguồn tài lực và nhân lực để dịch ra tiếng Anh và một số thứ tiếng khác các tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa, để có thể phổ biến dễ dàng hơn ra thế giới, nhằm vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện đang ở Hoa Kỳ, tiến sĩ Nguyễn Nhã trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã 28/06/2012 Nghe (08:42) http://www.viet.rfi.fr/aef_player_popup/rfi_player#

Cũng nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu một bức thư của tiến sĩ Nguyễn Nhã gởi các bạn trẻ:


 XÚC ĐỘNG KHI BẠN TRẺ RƠI NƯỚC MẮT ĐỌC TÂM THƯ CỦA TÔI

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học

Tôi viết tâm thư khi ngồi trên máy bay đi tới Boston, cái nôi cách mạng lập quốc Hoa Kỳ và hiện có 1000 du học sinh Việt Nam, tôi cứ bồi hồi lo lắng không biết những tâm tư của mình có bị rơi vào sa mạc hay không. Khi đọc hơn 70 phản hồi của các bạn trẻ trên báo Dân Trí chỉ trong vài ngày, tôi thật sự đã xúc động ứa nước mắt khi thấy có bạn trẻ viết rằng:

“Sau khi đọc đoạn trích của bức tâm thư tôi đã rơi nước mắt. Tôi là một người trẻ, cũng may mắn được ra ngoài và hiểu tại sao Hàn Quốc Và Nhật Bản lại phát triển như ngày hôm nay, chính là nhờ vào tinh thần tự tôn và ý thức dân tộc, tình yêu nước và tinh thân dân tộc cao độ. Người Việt Nam chúng ta có truyền thống yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, ý chí vượt mọi khó khăn để thắng thù trong giặc ngoài. Giờ chúng ta dành được độc lập, tự do đã gần 40 năm. nhưng tinh thần và ý chí trong kháng chiến không được các bạn trẻ áp dụng vào trong thời kỳ phát triển kinh tế đất nước. Tôi mong rằng các bạn trẻ và tất cả người dân Việt Nam hãy luôn luôn nêu cao tinh thần và ý thức dân tộc, dám nghĩ, dám làm, đóng góp xây dựng Việt Nam hùng mạnh về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng xứng đáng với niềm vinh dự được là Người Việt Nam”.

Khi tôi nói chuyện ở Harvard Yenching Library do Hội Thanh niên sinh viên vùng Boston tổ chức, Tiến sĩ Minh Phương, giảng viên ở Đại Học Harvard đã hỏi một câu hỏi mà tôi đã nói là câu hỏi xóay vào trái tim tôi về sự kiện ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng võ lực cưỡng chiếm Hòang Sa mà đồng minh Hoa Kỳ cho đó là chuyện nội bộ hai nước, không can thiệp!

Mội lần nữa tự nhiên tôi cũng đã ứa nước mắt khi nói rằng vào ngày 20/1/1975 đã cùng với võ sư Trần Huy Phong, GS Ngô Gia Hy, với tính cách Trưởng Ban Tổ chức, tôi đã phát biểu, cũng không cầm nước mắt, khiến mọi người ôm nhau khóc ròng như báo Sóng Thần hồi ấy đã đưa tin.

Giọt nước mắt của tôi cũng như của mọi người về Hòang Sa & Trường Sa không phải để tỏ lộ sự hèn yếu mà chỉ cốt bộc lộ một tâm tư khắc khỏai, cần cho mọi người Việt Nam nhất là các bạn trẻ phải thức tỉnh. Như võ sư Trần Huy Phong, con nhà võ, cũng là hậu duệ Đức Trần Hưng Đạo cùng với tôi ước mơ rằng hồi ấy làm sao chúng tôi đối thọai được với các thanh niên hai miền biết đến thân phận đất nước mình, nạn nhân của thời cuộc quốc tế, cùng nắm tay nhau, thương yêu nhau, hãy bỏ qua quá khứ đau thương, cùng nhau đi tìm, học hỏi những tinh hoa của người để về xây dựng đất nước hùng cường như người Nhật, người Đại Hàn đã từng làm để không ai bắt nạt, xử ép, làm nhục nước mình.

Qua những hồi đáp Tâm thư, tôi thấy các bạn trẻ thuộc mọi giới, từ một học sinh, sinh viên thanh niên bình thường đến có bạn là giáo viên địa lý, giảng viên tóan thậm chí còn là một giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Khoa học Kinh tế (CESAIS) của một trường đại học lớn tại Sàigòn đã nhiệt tình chia xẻ tâm thư của tôi.

Có bạn viết rằng “Rất lâu lắm rồi tôi mới đọc được những tâm nguyện thật sự làm nức lòng người dân Việt như thế. Nếu tôi có quyền tôi sẽ chi 10 phần trăm tiền thua lỗ của Vinaline,Vinasin tài trợ cho công trình của tiến sĩ Nhã.” Có bạn cho rằng : “Tôi thấy bây giờ ý thức của con người Việt Nam mình kém quá. Tham lam, ích kỷ, nham hiểm, vì cái lợi nhỏ sẵn sàng bất chấp tất cả. Như thế đất nước làm sao phát triển được. Đúng, giá mà ý thức của dân ta được như dân Nhật thì tốt biết bao!”

Có bạn viết : "Nếu mọi người sống giả dối, lợi dụng nhau, không có tình đoàn kết thì chẳng bao giờ thành công". Có bạn lại viết: “Đọc bài này mà thấy hổ thẹn thay cho mấy kẻ tham lam, hám lợi cho người nước ngoài vào nuôi cá ngay sát căn cứ quân sự Nha Trang!” Hay có bạn viết rằng:”Thế nhưng giờ đây, khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất thì sự đoàn kết, hy sinh để xây dựng đất nước đã không còn nữa. Tham nhũng, cấu kết, tư lợi cá nhân đã khiến cho nước nhà phát triển rất chậm chạp”. Hoặc: “Tôi đang làm việc ở Hà nội và trong ngày hôm nay tôi đã gặp không ít kẻ mà đang làm cho Việt Nam chúng ta yếu hèn, họ vòi vĩnh tiền bạc, đòi hối lộ...rồi lịch sử sẽ phân biệt những người tốt, kẻ xấu.”

Một bạn thuộc thế hệ 8x, viết rằng : “Hiện làm việc không liên quan đến sử học hay địa lý nhưng tôi luôn quan tâm đến lịch sử Việt Nam. Nếu tôi có thể giúp sức được gì trong công việc của Tiến sĩ như tổng hợp, dịch thuật tài liệu, ... tôi rất sẵn sàng tham gia(nhu.nguyenk@gmail.com). Hoặc“Cần nhiều hơn nữa những người có tâm và có tầm như vậy để lãnh đạo công cuộc giành chứng minh cho thế giới hiều và tin Trường Sa- Hoàng Sa là của Việt Nam”. Hoặc như “Tôi mong muốn được tiếp sức dịch một phần nghiên cứu của ông. Xin ông hãy cho tôi thông tin để có thể liên lạc.”.

Hoặc: “Tinh thần dân tộc là thứ mà mỗi chúng ta đều có trong mình. Nhưng biến tinh thần ấy thành sức mạnh và hành động là việc không phải ai cũng làm được. Xin cám ơn giáo sư đã là một người Việt giám hành động để đem tâm, sức của mình để cống hiến cho dân tộc, đất nước. Đất nước ta muốn đứng thẳng và gìn giữ những gì ông, cha để lại cần phải hùng mạnh. Muốn hùng mạnh cần phải hành động. Theo tôi Việt Nam muốn hùng mạnh cần phải loại bỏ tham nhũng, cửa quyền, cần phải đặt danh dự lên trên tất cả. Một người không làm được nhưng nhiều người cùng làm sẽ làm được. Có lẽ nên có một phong trào rộng khắp chống tiêu cực và bất công trong xã hôi. Làm sao để khi nhìn thấy tiêu cực hay bất công mọi người phải xa lánh và khinh bỉ. Không như hiện tại: "nếu có tiêu cực là bình thường, nếu không tiêu cực là bất bình thường.

"Hoặc: “ Chúng tôi, những người dân Việt Nam yêu nước luôn sẵn sàng hi sinh thân mình bảo vệ tổ quốc, bảo vệ lãnh hải nước nhà. Chúc cho công việc của Tiến sĩ thuận lợi, hãy chứng minh cho cả thế giới biết rằng Hoàng Sa , Trường Sa là của VIỆT NAM”. Hoặc:”Tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng yêu nước chân thành của Ông, đọc nó mà tôi như thấy được những tâm tư suy nghĩ của mình như được tái hiện, được giải phóng vậy. Đúng như Ông đã nói người Việt Nam chúng ta cần phải dẹp bỏ những cái xấu, cần phải chung một lòng đoàn kết xây dựng một Việt Nam hùng cường. Hoặc “Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hi sinh tất cả để toàn vẹn lãnh thổ. Cám ơn TS. Nguyễn Nhã, một người con, một tấm lòng sắt son vì tổ quốc”.

Hoặc như “Chúng ta hãy bắt đầu sự yêu nước mình bằng những việc làm nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi, không vi phạm luật giao thông đến những việc làm ý nghĩa như không kinh doanh sản phẩm ôi thiu, không kinh doanh thực phẩm có hại cho con người, không dùng chất kích thích nguy hiểm phun hoặc ướp thực phẩm. Cao hơn nữa là hướng tới Trường Sa, Hoàng Sa. Hãy học tập người Nhật hay người Hàn nhé, rồi đến một lúc nào đó người khác lại nói hãy học tập người Việt các bạn nhé"

Cũng có bạn mạnh dạn đề nghị:“Tôi nghĩ trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, tất cả các công sở, các đoàn thể nên thường xuyên và liên tục nêu cao câu khẩu hiệu: “Bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa & Truờng Sa đều có tội với tổ tông và dân tộc”.Có bạn viết tiếp rằng: “Tôi có đề nghị nên đưa câu nói của bác Nhã "Bất cứ ai làm cho đất nước suy hèn đều có tội với tổ tông và dân tộc"thành một khẩu hiệu cho toàn thể đất nước và người dân Việt nam trên toàn thế giới. Bỏ bớt những khẩu hiệu vô bổ và sáo rỗng mà chúng ta đang có nhưng không ai hiểu” .

Và có bạn viết:”Xin chân thành cảm ơn bác Nhã ." Lịch sử rất công bằng", bởi vậy chúng ta hãy đoàn kết hơn để giữ Hoàng Sa - Trường Sa . Chúng ta phải thể hiện bằng hành động hơn là lời nói .Chúng ta cũng học tập , noi gương cha anh chiến đấu để giữ mảnh đất tổ quốc “.

Có bạn đi vào thực tế cụ thể hơn khi viết “Mong sao sau khi nghiên cứu, dịch thuật xong, nó sẽ được đưa lên mạng để mọi người cùng xem, cùng biết về lịch sử”.

Có bạn khẳng đinh mình khi viết: “Việt Nam thật tự hào khi có những người như Tiến sĩ, tôi với vai trò là một sinh viên, sẽ cố gắng hết sức xây dựng Đất Nước, để những gì Tiến sĩ làm hôm nay không phải là uổng phí và lời cuối cùng tôi muốn nói là Tôi Yêu Việt Nam , quê hương của tôi !!!”

Có bạn cũng khắc khỏai như tôi:”Chúng ta là người dân, theo tôi mỗi người dân hãy làm tốt phần việc của mình để giữ sự kính trọng của bạn bè quốc tế như những năm đất nước có chiến tranh các bác ạ. Có đi nước ngoài mới thấy người mình vô tổ chức , vô kỷ luật, sinh hoạt mất vệ sinh... Nói chung không nghĩ đến thể diện hình ảnh của VN như vậy theo tôi đó là chưa yêu nước đâu, nếu nói họ yêu nước thực sự theo tôi mỗi con ngươi phải có lòng tự trọng góp phần cho hình ảnh VN tốt lên. Là ngươi dân theo tôi nên thể hiện lòng yêu nước bằng thực tế của mỗi con người , tuy nhỏ nhoi nhưng nó nhìn thấy được. Chứ còn nói tôi yêu nước nhưng hành động lại rất phản cảm với bạn bè nước ngoài thì đó là lý thuyết suông”.

Có bạn thừa nhận : “Hay, thế này mới là tâm thư, mới là tấm lòng của một người con đất Việt dành cho mẹ quê hương chứ. Là một người thuộc thế hệ trẻ, tôi thực sự thích và trân trọng những con người, những hành động thực tế như vậy…”.

Có bạn kêu gọi: “Cho Thế Giới thấy lại Tinh thần Đoàn Kết của dân tộc Việt Nam đi nào các bạn.Như khi xưa Cha Ông ta đã ngã xuống để giữ lấy biển đảo quê nhà”

Tôi chân thành cám ơn lời chúc của một bạn: “Cầu chúc bác luôn mạnh khỏe và bình an, cháu ngưỡng mộ và khâm phục bác, bác là công dân yêu nước đích thực, 1 người sống có lí tưởng như bác sẽ luôn là tấm gương sáng chói cho thế hệ trẻ noi theo, dù công việc của bác đang làm có kết quả như thế nào thì ít ra bác đã làm được 1 việc là thức tỉnh những người dân Việt Nam còn đang bàng quan với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, làm cho họ ý thức được rằng nếu không phản kháng nếu không tranh đấu thì ngày mất nước đang đến rất gần.....”

Có bạn quá bi quan than:"Rừng vàng biển bạc"rừng thì các bác biết rồi đấy...Biển mà mất nốt rồi chúng ta lấy đâu cái gì để nuôi sống chúng ta và con cháu chúng ta đây???Dân thường chẳng biết làm gì để giữ biển đảo”.
Song có bạn lại có lời dõng dạc, mạnh mẽ thể hiện bản lãnh thanh niên: “Tôi, một thanh niên Việt Nam xin hứa rằng, sẽ mãi mãi phấn đấu, góp phần công sức của mình làm cho đất nước ngày càng hùng mạnh, mãi mãi ghi nhớ rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là một lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.”

Tôi ghi nhận những lời hồi đáp tâm thư trên đây như những lời khuôn vàng thước ngọc của các vị thánh hiền xưa thường dạy các con cháu.

Tôi ước mong đó cũng là những lời hồi đáp Tâm thư của 1000 du học sinh ở vùng Boston, của 15.000 du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ; hơn thế nữa của hàng triệu các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, tôn giáo, địa phương mình đang sinh sống ở khắp nơi, trong cũng như ngòai nước.

Như tôi đã từng nói: “Muốn lấy lại Hòang Sa hay giữ những gì còn lại ở Trường Sa, mỗi người Việt Nam phải có một kế họach nhỏ xây dựng đất nước hùng cường”. Tôi đang có một kế họach nhỏ: “xây dựng Bếp Việt- bếp của thế giới với một nền ẩm thực Việt lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, lợi cho sức khỏe con người hơn cả ẩm thực có bề dày như Tây lẫn Tàu”.

Tôi lại rất xúc động được các bạn trong Hải Dương Học báo tin sau bao năm chờ đợi, Quốc Hội Việt Nam với tuyệt đại đa số biểu quyết vừa mới thông qua Luật biển. Dù bị phía Trung Quốc phản đối kịch liệt, song Quốc Hội đã quyết làm theo lòng dân. Từ đây có cơ sở pháp lý quốc gia dựa trên luật pháp quốc tế, tinh thần yêu nước quyết tâm bảo vệ biển, chủ quyền của Việt Nam tại Hòang Sa & Trường Sa của tuổi trẻ Việt Nam sẽ như nước biển trào dâng!

Sự thật lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hòang Sa & Trường Sa rất rõ ràng với những văn bản nhà nước qua châu bản thế kỷ XIX, các văn bản địa phương, chính sử, hội điển , địa chí, bản đồ của Việt Nam và các tài liệu Phương Tây cũng như của Hải Ngọai Kỷ Sự của Thích Đại Sán ( Trung Quốc), Việt Nam đã chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình khác với Trung Quốc hòan tòan suy diễn vu vơ như Trịnh Hòa đã 7 lần qua Tây Dương từ Nam Hải đi đến tận Madagasca hẳn đã xác lập chủ quyền ở Tây Sa và Nam Sa Hoặc đã có tên là Biển Nam Trung Hoa hay Nam Hải thì phải là nội thủy của Trung Hoa. Và như thế Ấn Độ Dương hẳn là đại dương của Ấn Độ hay sao !

Sự thật lịch sử chỉ có một! Lịch sử rất công bằng! Trung Quốc không thế nào bóp méo lịch, không thể nào che dấu mãi sự thật lịch sử khi năm 1909, chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ cũng như năm 1898 khi bị Công Ty Bảo hiểm Anh yêu cầu bồi thường các tàu : Le Bellona đắm ở Paracel năm 1895, tàu Imaji Maru đắm năm 1896,bị dân Hải Nam hôi của, chính quyền Trung Quốc đã trả lời Paracel không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Cũng như năm 1754 khi 2 tên dân binh đội Hòang Sa bị bão trôi dạt lên đảo Hải Nam, chính quyền Hải Nam tra xét đúng sự thật đi làm công tác với 8 dân binh khác còn ở trên thuyền, đã chu cấp lương thực trở về nguyên quán, khiến Chúa Nguyễn Phúc Khóat đã phải viết công văn cám ơn. Chính quyền Trung Quốc hồi ấy tốt như thế đó, đã được chính sử Đại Việt Sử Ký Tục Biên cũng như dã sử Phủ Biên Tạp Lục ghi rất rõ ràng !

Mong hàng triệu các bạn trẻ Việt Nam bất cứ ở nơi đâu, với chính kiến dù khác nhau, mỗi người một kế họach nhỏ như tôi, cùng nhau làm, cùng nhau yêu thương nhân ái như vua Trần Nhân Tôn khi xưa. Tại sao Không? Cứ như thế, tôi tin chắc rằng một ngày không xa sẽ có dân tộc phải nói nên bắt chước dân tộc Việt Nam hồi đầu thế kỷ XXI này như có bạn đã viết.

Tôi đến Boston, thấy nhiều điều thú vị như một nhạc sĩ cũng được tạc tượng rất mỹ thuật ở công viên, những danh nhân bình thường cũng được ghi bia đã từng sống tại ngay mặt tiền những ngôi nhà ở phố cổ …

Rồi các bạn sẽ thấy các thế hệ trẻ sau này cũng sẽ ghi ơn các bạn ngày hôm nay đã góp phần xây dựng đất nước hùng cường một cách âm thầm, để đất nước ta không còn bị xử ép, làm nhục cũng như không còn bị quá tụt hậu so với nước người như hiện nay, các bạn trẻ ạ. Xin gửi đến các bạn ngàn lời yêu thương trìu mến, xúc động từ đáy lòng tôi đến các bạn trẻ Việt Nam đầu thế kỷ XXI này.Hãy bỏ qua quá khứ, xóa bỏ hận thù, hãy dũng cảm tự thấy rõ những xấu xí của người Việt hôm nay để có những hình ảnh người Việt tươi đẹp trong ngày mai.

Tôi xin gửi tới các bạn Tập thơ “Huyết lệ thi thư” nhé !

Thương mến,

Hãn Nguyên Nguyên Nhã, tiến sĩ sử học


Phần Trich LỜI MỞ ĐẦU Tập thơ Huyết lệ thi thư:

Tôi vốn là một nhà nghiên cứu song rất yêu thơ. Khi nghiên cứu về ca trù, tôi đề xuất “hát thơ” và “chương trình Đem hát thơ vào trường học”, là cách thức hiệu quả nhất để bảo tồn ca trù cũng như âm nhạc truyền thống, nhất là giáo dục giới trẻ giữ gìn bản sắc Việt.

Khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tôi thấy văn hóa ẩm thực và văn hóa thơ ca hay hát thơ là nét rất độc đáo vào hàng đầu thế giới.

Khi Ông Bill Gates đến thăm Việt Nam, được giới trẻ Việt Nam đón tiếp ông rất nồng hậu, khiến tôi hứng khởi viết bài hát nói Chào mừng ông Bill Gates và Vinh danh ông Bill Gates.

Bài thơ này đã được BBC và Tạp Chí Xưa & Nay đăng. Từ đó tôi có hứng thơ và bắt đầu sáng tác không ngừng như những vần thơ về Đổi Mới, Quốc đạo, ẩm thực và gia huấn ca. Cũng từ đó tôi quan tâm đến thơ ca nhiều hơn. Đó là một khí cụ quan yếu trước những nguy cơ chưa từng có như hiện nay đối với Đất nước.

Song càng nguy cơ, càng thách thức lại càng có thời cơ tốt, nếu ta biết nắm lấy thời cơ tạo thành động lực, sức mạnh hầu gíao dục giới trẻ giữ hồn dân tộc, giữ bản sắc và hướng tới xây dựng một cường quốc trong tương lai.

Xin kết lời nói đầu bằng bài thơ mới sáng tác:

Tầm nhìn ra biển lớn
Xây dựng đất nước trở thành cường quốc:

Tầm nhìn biển lớn con ơi
Tư duy đổi mới con thời khắc ghi
Đường sông kinh tế xá chi
Đại dương kinh tế mới thì hơn ai
Chắt lọc thiên hạ mới hay
Trờ thành nước lớn chẳng ai ép mình
Việt Nam cường quốc hình thành
Tự hào dân tộc đấu tranh hơn người
Túi khôn thiên hạ ai ơi
Giang sơn đất nước ta thời dựng xây
Lợi nhà lợi nước mới hay
Lợi nhà hại nước chẳng ai thèm làm
Mới là đạo lý dân Nam
“Làm vương đất Bắc chẳng bằng quỷ Nam”
Đấu tranh thì đã ngang tàng
Mà trong xây dựng cố làm thật hay
Biết liên kết biết hăng say
Chịu thương chịu khó đắng cay thế nào
“Làm sao thì chẳng làm sao
Dù có thế nào cũng chẳng làm chi”
Đại Hàn Nhật Bản khỏi chê
Cứ làm theo họ ta thì kém ai
Những phường vọng ngoại kém tài
Không lo tự lực người ngoài khinh khi
Tự tin ta chẳng kém chi
Đại hòa dân tộc làm gì cũng xong
Bỏ qua thù hận thật lòng
Chiến lược đoàn kết cầu mong hình thành
Tinh hoa dân tộc kết tinh
Kỷ nguyên cường quốc sẽ thành người ơi
Càng thách thức lắm « cơ thời »
Vững tin như thế thì trời giúp ta

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã

...♥.♥.♥...
Nguồn : RFI - Thanh Phương 

...♥.♥.♥...



...♥.♥.♥...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...