...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Tủ sách biển Đông: Hoàng Sa – Trường Sa, Lẽ phải thuộc về chúng ta


Bìa cuốn sách.
(BAODATVIET) - Cuốn sách không đại diện cho quan điểm của bất cứ bên nào trong tranh chấp, những nội dung của nó vẫn toát lên sức mạnh của lẽ phải, phù hợp với tâm tư tình cảm của đông đảo người Việt Nam.

(ĐVO)  “Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của NXB Trẻ, là cuốn sách mới nhất trong tủ sách về Biển Đông tính tới thời điểm hiện tại. 

Các sự kiện được cập nhật tới 7/2012, cung cấp cho người đọc cái nhìn học thuật và thông tin thời sự, thông qua kết cấu của sách gồm 4 chương như sau:

- Chương I: Tổng quan về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Chương II: Lập trường của Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề hai quần đảo qua các thời kỳ.
- Chương III: Luận thuyết của các nước khác về chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa.
- Chương IV: Viễn cảnh của một giải pháp.
Tác giả cuốn sách là Nguyễn Việt Long, người từng là sĩ quan Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam, gắn bó một thời trai trẻ với Trường Sa. 

Cuốn sách xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Pháp và sau hai năm chuẩn bị mới cho ra mắt ấn bản tiếng Việt.


Trong phần mở đầu, tác giả cho rằng, tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam là chủ yếu. Philippines, Malaysia, Brunei chỉ là những "diễn viên" mới. Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là "sân khấu" chính của cuộc tranh chấp. Nghe như một màn kịch mà chưa biết phần kết sẽ thuộc về bên nào. Điều quan trọng, chúng ta có thể viết và nỗ lực cố gắng cho màn kết thuộc về chúng ta. 

Tác giả cũng giải thích việc phân chia kết cấu cuốn sách theo các bên trong tranh chấp mà Việt Nam là chủ thể chính, gồm: tranh chấp giữa Việt Nam – Trung Quốc và tranh chấp giữa Việt Nam với các nước có liên quan khác.

Nguyên căn của các tranh chấp trên biển Đông, gồm tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp ranh giới các vùng biển, thềm lục địa chồng lấn, sở dĩ xuất phát từ vị thế địa chính trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới mặt biển, mà tác giả đã nêu rõ trong chương I. 

Việc đấu tranh gìn giữ các đảo, đá, san hô ngoài khơi xa, dù nơi này không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng, ít nhất mang lại cho quốc gia sở hữu 1.543 km2 lãnh hải, và nếu chứng minh được chúng có quy chế đảo chứ không phải đá thì chúng mang lại thêm 340.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế và một thềm lục địa mở rộng. 

Chính vì vậy, bất kỳ một đảo hoặc đá nào cũng mang lại vùng biển xung quanh có giá trị gấp nhiều lần so với giá trị của bản thân đảo hay đá đó. Việc chiếm giữ các đảo còn cho phép khống chế vùng trời bên trên và đòi hỏi những tài nguyên nằm dưới lòng đất. 

Như tác giả đã nói ngay từ đầu, Việt Nam không phải là bên mới trong tranh chấp. Chúng ta đã xác lập và thực thi chủ quyền từ nhiều thế kỷ nay, với những gì cha ông ta đã phải đánh đổi, bao nhiêu người đã phải nằm lại với biển khơi, chúng ta phải giữ cho trọn giang sơn Tổ quốc, chúng ta xứng đáng được hưởng những giá trị mà nó mang lại. 

Tác giả chia lịch sử ra làm bốn giai đoạn:

1. Thời kỳ nhà nước phong kiến An Nam và nhà nước phong kiến Trung Quốc (trước 1884)
2. Thời kỳ Pháp và Trung Quốc (1884 – 1945)
3. Thời kỳ tác động quyền kế thừa nhà nước (1945 – 1975)
4. Thời kỳ từ 1975 tới nay


Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa (quần đảo Hoàng Sa) do Pháp xây năm 1938 có ghi: “République Française – Royaume d’Annam – Archipel de Paracel 1816 – Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa 1816 – Đảo Hoàng Sa 1938”. Ảnh: hoangsa.org

Trung Quốc đã viện dẫn quyền phát hiện đầu tiên, thế nhưng Việt Nam mới là bên chiếm cứ thực sự và hòa bình.

Tác giả xem xét lập trường của hai bên dựa vào các giai đoạn đã phân chia cụ thể như trên, phân tích hành động của các bên, rõ ràng, quyền phát hiện không được coi là đủ để đảm bảo quyền chiếm hữu xác định. Nó phải được củng cố bằng sự chiếm cứ thực sự. Kết luận này được đưa ra sau khi  quan sát thêm các vụ tranh chấp đã nhận được phán quyết thông qua Tòa án quốc tế về Luật biển trên thế giới, đảm bảo yếu tố khách quan và phù hợp với công pháp quốc tế. 

Ngoài lập luận về quyền phát hiện ra các đảo này sớm nhất và đặt tên cho chúng, Trung Quốc còn đưa ra 3 luận điểm khác:

1. Ngư dân Trung Quốc đã khai thác các đảo này từ hàng nghìn năm nay. Điều đó chứng minh chủ quyền của Trung Quốc
2. Sự quy thuộc các đảo này vào Trung Quốc được củng cố bằng các phát hiện khảo cổ học
3. Trung Quốc đã thực hiện các hành động cai quản trên các đảo này từ lâu đời.

Đã có nhiều học giả trong nước bác bỏ các luận điểm này của Trung Quốc, dưới nhiều góc độ, gồm lịch sử - cổ sử và bây giờ là luật pháp quốc tế. 

Bình luận về các danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc, J.P Ferrier, luật gia Pháp viết: “Sự thiếu chính xác của khái niệm, tính không rõ ràng về việc duy trì khái niệm đó vào thế kỷ 19, và trên hết hiệu lực hạn chế của nó tới các hậu quả của các hoạt động quản lý của An Nam (tức người Việt Nam) cho phép bác bỏ luận cứ lịch sử của Trung Quốc, trừ giả định rất nhỏ từ các bản đồ địa lý”.

Trong khi đó, quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam từ rất sớm, mạnh mẽ nhất là thời chúa Nguyễn (trước 1884), và tiếp nối tới sau này, khi Pháp đô hộ Việt Nam nhưng không quên xây dựng các đền, miếu, hải đăng, dựng bia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Từ năm 1979 đến 1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần công bố Sách trắng về Hoàng Sa – Trường Sa, đưa ra những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam, đồng thời nhắc lại đề nghị thương lượng hòa bình giải quyết tranh chấp hai quần đảo này. 

Quan điểm của Việt Nam luôn mong muốn xử lý tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, ngay dưới thời Pháp thuộc, chính quyền Pháp cũng đã “mời” Trung Quốc cùng ra Tòa án quốc tế để phân xử đúng sai nhưng Trung Quốc đều nhất mực từ chối. Hành động này của Trung Quốc chỉ có thể lý giải bằng sự đuối lý.

Tác giả cho rằng tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp, trước nay chưa hề có trường hợp này trên thế giới. Việc giải quyết các tranh chấp đòi hỏi một giải pháp tổng thể bao gồm các khía cạnh: chính trị, pháp lý và kinh tế, và một mong muốn thống nhất của các bên trong tranh chấp muốn giải quyết vấn đề. 

Giải pháp mà tác giả đưa ra có chung nhiều điểm với những học giả nghiên cứu biển Đông khác, đó là việc đa phương hóa vấn đề biển Đông, ASEAN đoàn kết bác bỏ đường lưỡi bò và giải quyết tranh chấp bằng hòa bình thông qua các hội thảo quốc tế kiềm chế xung đột, đưa ra Bộ quy tắc ứng xử COC…

Tuy nhiên, chúng ta cần tìm kiếm thêm các giải pháp mới để đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, chúng ta có thể thử đặt niềm tin vào giới trẻ, nhưng trước hết, để làm được việc đó thì cần phải đọc, phải học, phải hiểu, tức là phải có sự tiếp nối nghiên cứu giữa các thế hệ. Vì cuộc đấu tranh này còn dài, vì một lẽ phải là duy nhất.

...♥.♥.♥...

Nguồn : Báo Đất Việt  - Đài Trang - 14/10/2012

...♥.♥.♥...


Nguồn : Video - HS-TS-VN - http://youtu.be/ev3hsioPbTE

...♥.♥.♥...


...♥.♥.♥...


...♥.♥.♥...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...