...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Trông chờ gì khi Đảng họp kín?

Nhiều ý kiến trông đợi TBT Nguyễn Phú Trọng
 tạo ra chuyển biến tại Hội nghị Trung ương 6
(BBC) - Trong tuần thứ nhì của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 họp tại Hà Nội, BBC điểm qua ý kiến một số giới về tâm tư và kỳ vọng vào kỳ họp này:

Nguyễn Minh Nhị

Đảng viên, cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Căn cứ vào tinh thần nghị quyết và phát biểu của tổng bí thư thì tôi kỳ vọng rất lớn. Bây giờ chỉ chờ xem.

Tôi kỳ vọng giải quyết một số vấn đề bức xúc xã hội đang quan tâm như tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Mong giải quyết được một bước.

Phê và tự phê là truyền thống của Đảng Cộng sản từ hồi thành lập đến giờ. Càng thực hiện về sau càng mang tính hình thức thiếu đi nội dung cho nên công tác xây dựng Đảng ngày càng sa sút. Hội nghị trung ương 4 muốn chấn chỉnh lại, khôi phục lại tinh thần phê và tự phê trung thực của thuở nào. Nếu khôi phục được thì tốt còn nếu không thì đó là điều nguy hiểm.

(Hy vọng hội nghị 6) Chỉ ra một mớ nào đó thôi (bộ phận cán bộ suy thoái). Tôi hy vọng sẽ làm từng bước. Nếu đặt kỳ vọng lớn hơn thì sẽ thành ra thất vọng vì cũng không đạt được gì đâu bởi vì nhiều quá rồi (cán bộ suy thoái). Bây giờ giật mình tỉnh giấc mà làm thì làm sao mà giải quyết được.

Suy thoái đã kéo dài mấy chục năm, từ giải phóng đến giờ. Bây giờ đùng một cái một đợt này làm sao ráo rẽ được. Tắm một lần hổng sạch nổi đâu. Tắm nhiều lần và chịu tắm mới sạch. Còn không hoặc tắm lớt lác thì sẽ không tới đâu.

Hội nghị sáu lần này rất quan trọng vì sẽ ra được vấn đề, dù không ráo rẽ nhưng là bắt đầu của sự sạch sẽ.

Nếu kết quả không đạt như mong muốn từ đầu đặt ra thì nói chung ai cũng buồn hết. Tôi cũng sẽ rất buồn. Hậu quả của nó thì không thể nói trước được.

Nói chung (nội dung của hội nghị 6) toàn là những vấn đề rất phức tạp và khó khăn. Nhưng người ta đã đặt ra thì cũng đã lường trước được khả năng giải quyết rồi.
"Nếu kết quả không đạt như mong muốn từ đầu đặt ra thì nói chung ai cũng buồn hết. Tôi cũng sẽ rất buồn. Hậu quả của nó thì không thể nói trước được."
Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Lê Hiếu Đằng

Đảng viên, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM

 Dư luận đang quan tâm đến các vấn đề trong
ngành ngân hàng Việt Nam
Tôi đã từng sinh hoạt trong Đảng tôi thấy nếu chỉ dựa vào phê và tự phê, đấu tranh nội bội thì hiện nay không có hiệu quả nữa. Nó đã bị vô hiệu hóa ở chỗ trong các đảng viên có tình trạng nói dối và sợ lẫn nhau. Có bao giờ đảng viên bình thường dám phê bình lãnh đạo của mình. Bản thân lãnh đạo cũng nương nhẹ nhau vì cũng sợ người khác phanh phui ra khuyết điểm của mình.

Nếu hội nghị trung ương sáu không đặt lợi ích đất nước, lợi ích tổ quốc lên trên mà đăṭ quyền lợi phe nhóm hoặc bản thân cái ghế của mình thì sẽ không đi đến đâu. Sẽ đi đến tình trạng thỏa hiệp. Có thể là đi đến một giải pháp không triệt để trong vấn đề chống tham nhũng.

Muốn chống tham nhũng triệt để thì không phải thay đổi người này bởi người khác. Nói thẳng ra trách nhiệm nền kinh tế vừa qua không chỉ mình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà là trách nhiệm của cả Bộ Chính trị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm cá nhân còn tập thể Bộ Chính trị cũng phải nhận trách nhiệm trước Ban chấp hành trung ương và trước nhân dân nếu kiểm điểm nghiêm túc vì Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện.

Nếu không thì có thể cá nhân này xuống cá nhân kia lên nhưng nếu không nhìn thẳng vào sự thật để có một cơ chế chống tham nhũng hiệu quả, nếu không công nhận tam quyền phân lập thì làm sao chống tham nhũng hiệu quả được.

Nếu Đảng trở thành siêu quyền lực đứng trên cả luật pháp thì làm sao chống tham nhũng được? Sẽ đi đến tình trạng tự tung tự tác muốn làm gì thì làm không ai kiểm soát được.

Phải có cơ chế như thế nào đó để người dân giám sát các vị lãnh đạo. Nếu không thì đâu cũng vào đấy.

Trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, tôi cũng không tin lắm vào khả năng này. Dù sao tôi cũng rất mong Ban chấp hành trung ương nhìn thấy xu thế phát triển hiện nay của thế giới là xu thế vì hòa bình, tiến bộ xã hội, vì dân chủ.

Cán cân quyền lực tại Việt Nam
có chuyển động sau Hội nghị?
Nội lực chính là sức mạnh ở lòng dân. Với sức mạnh của người dân, người dân ủng hộ chế độ, đồng tình với chế độ, ủng hộ Ban chấp hành trung ương thì mới có thể chống lại giặc nội xâm là tham nhũng và giặc ngoại xâm là sự bành trướng của Trung Quốc.

Nếu chọn giải pháp thỏa hiệp mà không đặt ra thể chế phù hợp để người dân có quyền giám sát thật sự thì tham nhũng vẫn cứ tham nhũng. Kinh tế ngày càng kiệt quệ. Đời sống người dân ngày càng khó khăn làm suy yếu sức mạnh dân tộc. Đó là dịp để cho Trung Quốc có thể xâm lấn lần lượt trong tất cả các lĩnh vực từ biển đảo cho đến đất liền cho đến chính trị, kinh tế. Tôi cho đó là nguy cơ rất lớn của đất nước mà nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không thấy rõ thì có tội rất lớn với lịch sử.

Tôi có gặp một số có trách nhiệm trong Trung ương Đảng. Họ đều thấy vấn đề đó cả. Khổ nỗi hiện nay ngay trong Đảng cũng không có dân chủ nữa. Tuy trong bụng người ta thấy nghiêm trọng như vậy nhưng người ta không dám phát biểu, không dám đấu tranh vì sợ mất ghế, sợ trù dập thế này thế kia. Nếu các vị ủy viên trung ương không có dũng khí thì hội nghị sẽ không đi đến đâu.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua phát biểu của ông cũng thấy quyết tâm. Nhưng chỉ mình ông cũng không làm gì được. Với tư cách đảng viên tôi cũng đang chờ tổng bí thư, chủ tịch nước và Bộ chính trị sẽ có những việc làm cụ thể thể hiện kết quả cụ thể của hội nghị lần này. Dù sao cũng phải tin tưởng.

Kết quả tốt đẹp nhất (của hội nghị 6) là phải vạch rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân trong tình hình suy sụp của nền kinh tế.

Phải làm sao đưa những người trong sạch, những người có năng lực lên nắm những vai trò chủ chốt trong guồng máy của Đảng và Nhà nước. Không thể nhân nhượng trước những tiêu cực hiện nay của một số vị lãnh đạo.

Tôi đi làm công tác Mặt trận đi xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tiếp xúc nhiều đồng bào nghèo. Còn rất nhiều đồng bào nghèo. Nếu tiền tổn thất lớn lao như vậy đem xây dựng nhà cửa, bệnh viện, trường học cho người nghèo thì tốt biết bao nhiêu. Đây cũng là tiền người dân đóng góp qua thuế.

Nguyễn Khắc Toàn

Nhà hoạt động dân chủ từ Hà Nội

Đấu trường hội nghị trung ương 6
được đồn đoán rất khốc liệt
Dư luận trong nước cho đây là hội nghị đặc biệt quan trọng. Một cái đồn đoán mà tất cả các câu lạc bộ hưu trí, các câu lạc bộ lão thành ở Hà Nội và các thành phố trong cả nước đều loan là hội nghị là này để vận động hạ bệ ông Nguyễn Tấn Dũng và tất cả phe cánh bởi vì ông ấy là thủ tướng tệ hại nhất, thủ tướng phá hoại, thủ tướng làm thất thoát ngân khố quốc gia lớn nhất từ trước đến nay từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Hiện nay các cụ lão thành cũng đồn đoán có một tập tài liệu dài 313 trang mô tả về các sai phạm của các đảng viên từ cấp trung đến cấp cao trong nội bộ Đảng, nhưng tập trung chủ yếu là những sai phạm của ông Nguyễn Tấn Dũng. Mở đầu có thủ bút của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: ‘Kính gửi các đồng chí ủy viên trung ương tham khảo, xem xét’.

Tập tài liệu này có hình ảnh các cơ ngơi, tài sản của gia đình Nguyễn Tấn Dũng, con gái ông ấy và bản thân ông ấy, nhà thờ họ xây năm 2007 ở tỉnh Kiên Giang ra sao. Một số sai phạm của các ủy viên trung ương khác cũng được đưa vào tài liệu này nhưng nội dung chủ yếu nhằm vào ông Nguyễn Tấn Dũng. Các cụ lão thành đồn đoán rằng sẽ đưa ông Nguyễn Sinh Hùng lên thay (ông Dũng) và người lên thay ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ là phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Hội nghị hiện nay đang diễn ra rất bí mật. Lẽ ra việc này là công việc của toàn dân, của cả nước thì phải được công khai, minh bạch, rõ ràng. Đảng Cộng sản Việt Nam coi vận mệnh quốc gia và sinh hoạt chính trị là độc quyền của Đảng cho nên người dân chỉ sống trong đồn đoán mà thôi.
"Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng tệ hại nhất, thủ tướng phá hoại, thủ tướng làm thất thoát ngân khố quốc gia lớn nhất từ trước đến nay từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng"
Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn
Đây là một cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam rất gay gắt, rất nghiêm trọng trước nay chưa từng có. Các nhiệm kỳ thủ tướng trước đây như thời ông Đỗ Mười, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải cũng có lác đác các tin đồn lọt ra ngoài nhưng sau đó im re. Người ta cũng đạt được thỏa hiệp để cùng nhau ngồi giữ lại cái ghế quyền lực.

Nhưng lần này trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong mấy chục năm cầm quyền chưa bao giờ nghiêm trọng, lộ liễu, công khai, trắng trợn như lần này bởi vì sai phạm của Nguyễn Tấn Dũng quá nặng nề làm cho các đồng chí của ông trong Đảng hiện nay cũng không thể nhắm mắt làm ngơ được nữa vì họ cho những việc này rất nguy hiểm cho thanh danh của Đảng Cộng sản. Uy tín của Đảng đã xuống đến mức thấp nhất rồi cho nên họ thấy không thể để ông Dũng tiếp tục được nữa.

Tuy nhiên cuộc đấu tranh không hề dễ dàng bởi vì vậy cánh hiện nay của Nguyễn Tấn Dũng cũng rất là mạnh.

Tôi cũng không trông chờ gì vào hội nghị trung ương 6 theo hướng tích cực. Đây là cuộc đấu tranh nội bộ của họ. Cuộc đấu tranh này sẽ có lợi cho sự nghiệp đấu tranh dân chủ bởi vì càng ngày cái này cái nọ lộ rõ trước mắt người dân trong nước thì người ta thấy rằng cần thiết phải dân chủ hóa, phải minh bạch hóa hệ thống chính trị trong nước chứ không thể câm nín im lặng trước sự lũng đoạn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Chỉ có sự cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa các đảng phái trong môi trường đa nguyên đa đảng thì mới loại bỏ được những nhân vật như Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam có thanh toán được ông Dũng thì cũng sẽ có những Nguyễn Tấn Dũng khác."
Nguyễn Khắc Toàn, nhà bất đồng chính kiến
Chỉ có con đường này và có sự cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa các đảng phái trong môi trường đa nguyên đa đảng thì mới loại bỏ được những nhân vật như Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam có thanh toán được ông Dũng thì cũng sẽ có những Nguyễn Tấn Dũng khác.

Phải theo tấm gương của Miến Điện. Phải cải tổ chính trị từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài một cách triệt để. Phải mạnh dạn rũ bỏ quá khứ tai hại và sai lầm chính Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra cho nhân dân mấy chục năm nay.

Từ các cụ lão thành từ 50, 60 tuổi Đảng trở lên cho đến người dân thường thì họ đều ta thán về ông Dũng rất mạnh. Ngoài việc đưa đất nước đến bờ vực và làm thâm thủng ngân sách lớn như thế này, ông Dũng đã làm đất nước kiệt quệ, xã hội rất nhiều vấn nạn: thất nghiệp, bất công, tham nhũng, tội ác gia tăng, mất dân chủ.

Một nhân vật nào khác lên thay thì cũng vậy thôi. Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục gặp những khó khăn và bế tắc. Cái mô hình gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã bộc lộ rất nhiều bất cập mà cần phải có giải pháp khác. Không có vị thủ tướng nào của Đảng Cộng sản Việt Nam dù tài giỏi đến mấy mà tiếp tục giữ độc tài chính trị mà có thể cải cách được kinh tế, chính trị và xã hội theo hướng tích cực.

Dù kết quả hội nghị trung ương 6 thế nào đi nữa thì cũng là giải pháp tình thế để tiếp tục củng cố thể chế độc tài toàn trị. Tương lai đất nước vẫn mờ mịt.

...♥.♥.♥...

Nguồn : BBC - thứ ba, 9 tháng 10, 2012

...♥.♥.♥...



...♥.♥.♥...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...