...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Trung Quốc ngang nhiên tập trận ở Hoàng Sa (RFA) - Biển Đông : Trung Quốc tiếp tục tung tín hiệu hù dọa láng giềng (RFI) - Trung Quốc tập trận ở Tam Sa (VOA) - Đài Loan phản đối Luật Biển Việt Nam (BBC)



Trung Quốc ngang nhiên tập trận ở Hoàng Sa

(RFA) - Hải quân , không quân Trung Quốc thường xuyên tổ chức tập trận ở Biển Đông trong thời gian vừa qua

Theo tin trên tờ Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc, cuộc thao diễn quân sự vừa nói diễn ra vào ngày 2 tháng 1 trên đảo Quang Hòa, diễn ra cùng thời điểm với những cuộc tập trận ở Thẩm Dương và Tế Nam, nhằm  mục đích tăng cường năng lực và tinh thần chiến đấu của binh lính Trung Quốc. Đảo Quang Hòa là nơi Việt Nam tố cáo hạm đội Nam Hải của Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp vì thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Tờ báo của quân đội Trung Quốc còn cho rằng Quang Hòa là một đảo có vị trí chiến lược trong quần đảo Hoàng Sa, vì thế binh lính trú đóng tại đây phải được huấn luyện và cảnh  giác trong mọi tình huống, đặc biệt các dịp lễ hội.

Ngoài đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Trường Sa, rồi Thẩm Dương và Tế Nam, quân đội Trung Quốc còn mở cuộc tập trận tại thủ phủ Hàng Châu tỉnh Chiết Giang cũng trong dịp năm mới vừa qua. Đây là những cuộc tập trận mà Trung Quốc gọi là sẳn sàng chiến đấu, gồm những thao tác như phòng không, chống khủng bố,  duyệt binh khẩn cấp và chiến đấu .

Điểm cần lưu ý là tất cả những cuộc tập trận vừa kể đều diễn ra tại các thành phố dọc biển Đông hoặc biển Hoa Đông , nơi tình hình tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước lân bang, trong đó có Việt Nam, chưa được giải quyết .

Báo China Morning Post trích dẫn lời nhận xét của ông Nghe Lạc Hùng, chủ nhiệm khoa nghiên cứu chính sách quốc phòng thuộc đại học Khoa Học Chính Trị Và Luật ở Thượng Hải, rằng trong số các quốc gia nằm trong vòng tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với Trung Quốc thì Nhật Bản là đối tượng nguy hiểm và cần đề phòng nhất bởi Tokyo từng nổi tiếng với vụ đánh úp Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ  trước đây.

...♥.♥.♥...

Biển Đông : Trung Quốc tiếp tục tung tín hiệu hù dọa láng giềng

(RFI) - Quân đội Trung Quốc đã thực hiện một loạt những cuộc tập trận nhằm nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu tại ba vùng Thẩm Dương, Tế Nam và Tam Sa. Trích dẫn báo của quân đội Trung Quốc. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày hôm nay, 04/01/2013 đã tiết lộ tin về những cuộc thao diễn vừa được tổ chức hôm thứ Tư 02/01.

Các chỉ huy quân sự Trung Quốc bắn súng hiệu khởi động cuộc tập trận hải quân trên biển Hoa Đông ngày 19/10/2012. REUTERS/China Daily

Nhật báo Hồng Kông đặc biệt chú ý đến cuộc diễn tập của binh lính thuộc Hạm đội Nam Hải đóng quân trên đảo mà Trung Quốc gọi là Sâm Hàng (Chenhang), trong nhóm đảo tên quốc tế là Duncan (Việt Nam gọi là Quan Hòa) trong quần đảo Hoàng Sa, nơi có đặt một sân bay.

Theo tờ báo của quân đội Trung Quốc, do việc đảo Sâm Hàng chiếm một vị trí chiến lược thuộc loại quan trọng nhất gần Tam Sa, đơn vị đồn trú tại nơi này đã được huấn luyện để luôn luôn đề cao cảnh giác, đặc biệt trong những dịp lễ tết. Các sĩ quan chỉ huy đã tăng cường lực lượng tuần tra vào những dịp này.

Riêng về thành phố Tam Sa mà Bắc Kinh đã quyết định thành lâp ngày 21 tháng Sáu 2012 để cai quản toàn bộ vùng Biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền, dân số thường trú tại đây chỉ khoảng 1.000 người, nhưng theo báo South China Morning Post, đơn vị quân đội đồn trú lên đến 6000 người.

Cùng ngày, các bài tập phòng không, chống khủng bố, đối phó với tình trạng khẩn cấp cũng diễn ra tại Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, và Tế Nam, thủ phủ của Sơn Đông. Tập trận cũng được thực hiện ở Chiết Giang, thủ phủ tỉnh Hàng Châu, vào đúng ngày đầu năm dương lịch.

Trả lời nhật báo Hồng Kông, ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), giám đốc Viện nghiên cứu về sức mạnh hải quân và chính sách quốc phòng tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật học ở Thượng Hải, cho rằng các cuộc tập trận nhằm cải thiện năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc đối phó với các cuộc tấn công bất ngờ, đặc biệt là từ quân đội Nhật Bản.

Nhìn chung, chuyên gia Trung Quốc này ghi nhận : « Tất cả các cuộc tập trận đều diễn ra ở các thành phố dọc theo Biển Đông và Hoa Đông, nơi mà các tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng vẫn chưa được giải quyết. Trong số các đối thủ, Nhật Bản là quốc gia đặt ra nhiều thách thức nhất trong biện pháp phòng ngừa vì họ đã nổi tiếng với các cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) năm 1941. »

...♥.♥.♥...

Trung Quốc tập trận ở Tam Sa

(VOA) - Quân đội Trung Quốc vừa tiến hành một loạt các cuộc tập trận chuẩn bị khả năng sẵn sàng tác chiến ở Thẩm Dương, Tế Nam, và Tam Sa. Thành phố Tam Sa được Bắc Kinh thành lập hồi tháng 7 năm ngoái, đặt trụ sở chính quyền trên đảo Vĩnh Hưng - Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm - thuộc quần đảo Hoàng Sa để quản lý các quần đảo Trung Sa-Hoàng Sa-Trường Sa.

Thành phố Tam Sa được thiết lập trên một hòn đảo mà Việt Nam và Ðài Loan cùng tuyên bố chủ quyền

Truyền thông Trung Quốc nói các cuộc thao dượt quân sự khai diễn hôm 2/1 nhằm tăng cường tinh thần và khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Theo Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc, binh sĩ thuộc hạm đội Hải Nam Trung Quốc đóng ở đảo Quang Hòa Đông thuộc nhóm đảo Quang Hòa, quần đảo Hoàng Sa, được còi báo động đánh thức từ sáng sớm để nhanh chóng bước lên tàu chiến.

Báo này nói đảo Quang Hòa Đông  là một trong những đảo chiến lược quan trọng nhất gần Tam Sa nên lực lượng đồn trú tại đây được huấn luyện luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ, nhất là trong các dịp lễ.

Vẫn theo bài báo, Trung Quốc đã bố trí thêm binh sĩ tuần tra khu vực này.

Hiện có khoảng 1.000 cư dân Trung Quốc sinh sống tại Tam Sa nhưng có ít nhất 6.000 binh sĩ đồn trú sau khi nơi này được nâng cấp lên thành phố hành chính cấp huyện.

Trong cùng ngày, các cuộc thao dượt khác bao gồm phòng không, chống khủng bố, ứng cứu khẩn cấp cũng diễn ra ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, và Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông.

Ngoài ra, các cuộc diễn tập quân sự cũng được tiến hành tại thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang trong ngày đầu năm mới.

Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách quốc phòng và Sức mạnh trên biển thuộc Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, Ni Lexiong, cho biết tất cả các cuộc thao dượt diễn ra tại các thành phố nằm dọc Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết với các nước láng giềng.

Nguồn: South China Morning Post/Global Times/People’s Liberation Army Daily

...♥.♥.♥...

Đài Loan phản đối Luật Biển Việt Nam

(BBC) - Đài Loan lên tiếng phản đối Luật Biển mới của Việt Nam vì đụng tới chủ quyền các quần đảo tại Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Steve Hsia nói vào hôm 03/01/2013.

Đài Loan đang củng cố kho khí tài như tàu ngầm trong lúc có căng thẳng trong vùng.

Luật Biển 2012 của Việt Nam, vốn có hiệu lực vào ngày 01/01/2013, tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

"Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại và phản đối mạnh mẽ về luật này của Việt Nam," ông Hsia dẫn chiếu tới một thông cáo do Bộ Ngoại giao Đài Loan đưa ra hôm thứ Tư, theo truyền thông Đài Loan.

Ngoài ra, ông cho biết, Bộ đã chỉ đạo văn phòng đại diện ngoại giao của Đài Loan tại Việt Nam để truyền đạt lập trường của chính phủ Đài Loan tới nhà chức trách Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cho biết trong tuyên bố của mình rằng dù xét trên bình diện địa lý, lịch sử hay luật quốc tế, quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa, Đông Sa (Pratas) và Bãi Macclesfield, cũng như vùng biển xung quanh các khu vực này cũng như thềm lục địa và đất bồi là một phần vốn có của lãnh thổ Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói họ nắm giữ quyền chủ quyền không thể tranh cãi đối với bốn quần đảo và vùng biển lân cận , và sẽ không công nhận bất kỳ việc thừa nhận hay chiếm đóng nào tại các khu vực này của bất kỳ nước nào với bất kỳ lý do gì.

Tuy nhiên, Bộ này cho biết, Đài Loan là sẵn sàng làm việc với các nước khác để duy trì tự do hàng hải và khám phá các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, dựa trên các nguyên tắc cơ bản gồm "gìn giữ chủ quyền, gác bỏ tranh chấp, hòa bình và có đi có lại, tìm kiếm thăm dò và khai thác chung."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng kêu gọi các bên tuyên bố có chủ quyền kiềm chế, thay đối đầu bằng đối thoại và hợp tác trong việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho khu vực.

Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại và phản đối mạnh mẽ về luật này của Việt Nam"
Steve Hsia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan

Đài Loan hiện đang kiểm soát quần đảo Đông Sa và đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là đảo Thái Bình), là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.

Đảo này có diện tích 0,49km2, nằm cách Cao Hùng 1.600km về phía tây nam.

Việt Nam nói đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng trái phép.

Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo này.

Vào tháng Chín năm 2012, Bộ Ngoại giao Đài Loan lên tiếng bác bỏ phản đối của Việt Nam quanh chuyến thăm vào tháng Tám của các quan chức Đài Loan tới đảo Ba Bình.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói: "Không nước nào được quyền bình luận về những hoạt động bình thường, được tiến hành trên đảo này khi Đài Loan thực thi quyền toàn vẹn lãnh thổ và quyền quản lý của mình."

Người Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lương Thanh Nghị vào lúc đó khẳng định chuyến thăm là điều ông gọi là "hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam" ở Trường Sa.

Chủ quyền đối với một số đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa và các bãi đá cạn - một số bãi chỉ có thể nhìn thấy khi triều xuống - đang là vấn đề tranh cãi giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines.

Không hòn đảo nào có dân cư sinh sống thực sự và tất cả các nước có tranh chấp, trừ Brunei, đều ít nhiều có hiện diện quân sự tại một số đảo.

Hồi tháng Ba năm 2012, Việt Nam cử một số sư sãi ra làm các nghi lễ tôn giáo tại một số chùa trên quần đảo Trường Sa.

Tranh chấp tại Trường Sa có lúc đã nổ bùng thành đối đầu quân sự với cuộc giao tranh ngắn tại bãi đá Gạc Ma giữa Trung Quốc và Việt Nam đã khiến gần 70 lính hải quân Việt Nam thiệt mạng vào năm 1988.

Việt Nam và Trung Quốc cũng tranh cãi về quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hồi đầu năm nay đã bắt giữ một số tàu cá của Việt Nam.

Vào năm ngoái giữa Trung Quốc và Philippines, giữa Trung Quốc và Việt Nam, đã nổ ra những cuộc đấu khẩu gay gắt về chủ quyền ở Biển Đông liên quan tới quyền thăm dò khai thác dầu khí.

...♥.♥.♥...


...♥.♥.♥...

Nguồn : RFA-04-01-2013

Nguồn : RFI - Trọng Nghĩa - Thứ sáu 04 Tháng Giêng 2013

Nguồn : VOA - 04.01.2013

Nguồn : BBC - Thứ năm, 3 tháng 1, 2013

...♥.♥.♥...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...