Đài Loan lại phát triển hạ tầng phi pháp ở Trường Sa
(Thanh Niên - Văn Khoa 03.02.2013) - Đài Loan vừa lắp đặt hệ thống viễn thông di động phi pháp tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đài Loan vừa lên kế hoạch mở rộng đường băng phi pháp ở Ba Bình - Ảnh: Nhân Dân nhật báo |
Hãng thông tấn CNA dẫn thông báo từ Công ty viễn thông Chunghwa của Đài Loan cho hay hệ thống trên, với vốn đầu tư 7 triệu đài tệ (gần 5 tỉ đồng), cho phép hơn 100 nhân viên tuần duyên đồn trú trái phép ở Ba Bình sử dụng điện thoại di động.
Đây là một trong những động thái mới nhất của Đài Loan vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa. Báo United Evening News ngày 11.1 đưa tin Cục Tuần duyên Đài Loan (CGA) dự kiến đầu tư 19 triệu đài tệ nâng cấp cầu tàu tại Ba Bình.
Đến ngày 16.1, báo trên tiếp tục đưa tin Đài Bắc đã quyết định mở rộng đường băng, trên đảo Ba Bình, từ 1.200 m lên 1.500 m và xây dựng thêm một bến cảng tại đây. Trước đó, Đài Loan đã xây dựng phi pháp một số công trình ở Ba Bình như trạm radar, trung tâm khí tượng thủy văn, nhà máy điện, đường băng và trạm trú ẩn.
Trong khi đó, báo The Taipei Times ngày 13.1 dẫn lời Chủ tịch đảng Dân tiến (DPP) đối lập ở Đài Loan Tô Trinh Xương cho rằng cách xử lý gần đây của chính quyền đương nhiệm đối với biển Đông gây căng thẳng “không cần thiết”.
...♥.♥.♥...
Hải quân Trung Quốc kéo vào Biển Đông diễn tập tác chiến
(RFI - Tú Anh 03.02.2013) - Truyền hình Trung Quốc phô trương và báo chí Philippines báo động ba tàu chiến Trung Quốc thuộc hạm đội Bắc hải đã vượt 1200 hải lý đi ngang qua eo biển Ba Sĩ, tiến vào « Nam hải » để « thực tập tác chiến » bằng đạn thật . Động thái biểu dương lực lượng diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tranh giành biển đảo gây căng thẳng với nhiều nước láng giềng.
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010 © AFP/ Park Yeong-Dae
|
Theo Tân hoa xã, ba tàu chiến Trung Quốc gồm khu trục hạm Thanh Đảo và hai tàu hộ tống từ Bắc hải kéo xuống Nam Hải ( mà Việt Nam gọi là Biển Đông ) vừa di hành vừa tập tác chiến. Ba chiến hạm này rời cảng Thanh Đảo từ ngày 29/01/2013 xuống Hoa đông, từ đó đi ngang eo biển Miyako ra Thái Bình dương thực tập tác chiến bằng đạn thật trên đường di chuyển.
Từ Thái Bình dương , ba chiến hạm nói trên tiến về phương nam, qua eo biển Ba Sĩ nằm giữa đảo Hoa Lan của Đài Loan và đảo Luzon của Philippines xâm nhập Biển Đông vào lúc 3 giờ 40 giờ quốc tế hôm nay 03/01/2013. Đài truyền hình Trung Quốc CCTV cho biết thêm là nhóm chiến hạm này có chương trình thao dợt trong hai ngày tới đây mà họ gọi là « trong khuôn khổ chương trình tập trận và tuần tra đường xa trong vùng biển quốc gia ».
Báo chí Philippines tỏ ra rất quan ngại về động thái không bình thường của hải quân Trung Quốc. Nhật báo Philippines Star nhấn mạnh đến tình hình căng thẳng do Trung Quốc tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Malaisia cũng như chính sách tăng cường võ trang của Bắc Kinh để làm bá chủ khu vực mà giới lãnh đạo Trung Quốc gọi là « ao nhà ».
Sự kiên hạm đội Bắc Hải có địa bàn hoạt động ở Hoàng Hải, Bột Hải nhưng lại kéo xuống phương nam thuộc vùng trách nhiệm của hạm đội Nam hải cũng nêu lên nghi vấn. Bắc Kinh âm mưu gì tại Biển Đông của Việt Nam và biển tây Philippines ? Phải chăng Trung Quốc chuẩn bị tình huống phải huy động hạm đội Bắc Hải và Đông Hải xuống tăng cường ?
...♥.♥.♥...
Cần thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo
(Tiền Phong - Vietnam+ 02.02.2013) - Ngày 1-2, tại TPHCM, Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các nhân sĩ, trí thức hàng đầu khu vực phía Nam về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các đại biểu đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới. Một số ý kiến nêu bật vấn đề cần thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bản Hiến pháp sửa đổi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Danh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, nói rằng, trước tình hình phức tạp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hiện nay, ngay trong lời nói đầu của Hiến pháp cần ghi rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Theo ông Danh, lời nói đầu Dự thảo Hiến pháp sửa đổi có ghi “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng và bảo vệ tổ quốc…” chưa thể hiện rõ thực hiện chủ quyền quốc gia tại các hải đảo ở biển Đông.
Ông đề nghị bổ sung cụm từ “chủ quyền quốc gia” là “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các đảo khác tại biển Đông”. Một số đại biểu đóng góp các vấn đề liên quan quyền con người trong tố tụng hình sự.
...♥.♥.♥...
HRW: 'VN đàn áp có hệ thống'
(BBC - 31.01.2013) - Phúc trình của tổ chức Human Rights Watch (HRW) nói chính phủ Việt Nam "đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa và trấn áp những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước".
Blogger Điếu Cày nói mình vô tội trong phiên tòa ngày 28/12/2012 |
Tài liệu thường niên về tình hình nhân quyền thế giới của tổ chức đặt trụ sở ở New York vừa công bố hôm 31/1.
HRW cáo buộc Việt Nam "tùy tiện bắt bớ các nhà hoạt động, giam giữ biệt lập trong thời gian dài, không cho họ gặp gỡ gia đình hoặc tiếp cận với các nguồn trợ giúp pháp lý, tra tấn và truy tố họ ra trước các tòa án bị chính trị tác động".
Họ bị "áp đặt các mức án tù thật nặng với các tội danh mơ hồ về xâm phạm an ninh quốc gia".
Đấu đá phe phái
HRW cho rằng "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tranh nhau giành quyền kiểm soát bộ máy kinh tế chính trị, dẫn đến một cuộc tranh giành quyền lực hiện vẫn còn đang tiếp diễn"
"Tuy nhiên, chẳng có bên nào lên tiếng hay có biểu hiện hướng tới cam kết bảo đảm nhân quyền."
Chi tiết đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhắc Thủ tướng về "văn hóa từ chức" được HRW dẫn ra như ví dụ cho thấy ở bề nổi, ngôn luận cá nhân, báo chí, chính trị "được tự do hơn".
Nhưng vẫn có "bàn tay đàn áp" với những ai "có phát ngôn đi quá giới hạn, hoặc dám đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như phê phán chính sách đối ngoại của nhà nước đối với Trung Quốc hoặc chất vấn sự độc quyền của đảng cộng sản".
Ngày 5/8 năm ngoái, hơn 100 người tuần hành bằng xe đạp để cổ vũ quyền của những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính lần đầu tiên. Sự kiện diễn ra yên lành.
Nhưng cùng ngày hôm đó, hơn 20 người bị tạm giữ vì "gây rối" khi tuần hành ở Hà Nội phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Điều luật 'mơ hồ'
HRW tiếp tục chỉ trích trong năm 2012, chính quyền Việt Nam dùng những điều luật hình sự "mơ hồ" để bỏ tù "ít nhất 33 nhà hoạt động và bắt giữ thêm ít nhất 34 nhà vận động tôn giáo và chính trị khác".
Nhạc sĩ Việt Khang là một trong những người bị tống giam theo điều 88 |
Bên cạnh đó, ít nhất 12 nhà vận động nhân quyền bị bắt từ năm 2011 vẫn đang bị tạm giam chưa xét xử.
Báo cáo đề cập các vụ xử gây chú ý như phiên tòa với ba blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần, và Phan Thanh Hải, hay hai nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình và Võ Minh Trí (nghệ danh Việt Khang) xử theo điều điều 88 bộ luật hình sự.
Trong phần về các đối tác quốc tế, báo cáo nhận định quan hệ "phức tạp" với Trung Quốc "đóng vai trò then chốt" trong chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam.
"Với Trung Quốc, chính quyền Hà Nội cam kết tình hữu nghị, nhưng về mặt đối nội, họ phải ứng phó với những lời chỉ trích rằng chính phủ đã không có được phản ứng thích đáng trước những biểu hiện hung hăng của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang trong vòng tranh chấp."
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ "tiếp tục phát triển" khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy vậy, HRW nói các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã bày tỏ rằng "thất bại trong việc cải thiện nhân quyền sẽ hạn chế mức độ gần gũi trong quan hệ giữa hai chính phủ".
Ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW, nói: "Năm qua nên là sự thức tỉnh cho những nước như chính phủ Nhật vẫn làm ăn bình thường trong khi công dân Việt Nam thường xuyên bị án tù dài chỉ vì bày tỏ ý kiến."
...♥.♥.♥...
...♥.♥.♥...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.