(Biển Đông) - Không chỉ kế tục xuất sắc hai hướng hành động của Chúa cha, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn vượt lên bằng tầm nhìn hướng biển mang tính chiến lược - Đó là vươn ra biển xác lập chủ quyền của mình ở những hòn đảo ven bờ, và quan trọng hơn là vươn xa làm chủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài biển Đông.
Đây là một trong những bản đồ trong “Phủ biên tạp lục” do Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776. Ông mô tả tỉ mỉ địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa và Trường Sa, công việc khai thác của chúa Nguyễn đối với 2 quần đảo này. (Theo sách Kỷ yếu Hoàng Sa của NXB Thông tin và Truyền thông).
Năm 1558, Nguyễn Hoàng nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Cũng bắt đầu từ đó trên đất nước Việt Nam diễn ra cục diện Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài trên hai trăm năm ở 9 đời chúa. Nguyễn Hoàng băng hà năm 1614, ở ngôi 56 năm, hưởng thọ 89 tuổi. Trong những năm thống lĩnh vùng Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng vừa lo chống lại những cuộc chinh phạt của Lê-Trịnh từ Đàng ngoài, nhưng chủ yếu là lo củng cố quyền lực và mở nước về phương Nam. Vì thế tầm nhìn hướng biển của Nguyễn Hoàng, do những điều kiện khách quan quy định, còn rất hạn hẹp. Nhưng người kế vị ông, chúa Nguyễn Phúc Nguyên, không chỉ kế tục xuất sắc hai hướng hành động của Chúa cha, mà còn vượt lên bằng tầm nhìn hướng biển mang tính chiến lược.
Sở dĩ Nguyễn Phúc Nguyên cùng quân dân Đàng trong lập được những kỳ tích đó bởi lẽ ông đã thu phục được Đào Duy Từ, người mà vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng ngoài không dung nạp, đã trốn vào Đàng trong, đang sống ẩn dật với nghề dạy học ở chốn thôn quê. Sách Đại Nam thực lục, tập I, phần Tiền biên, trang 43 có ghi lại cuộc gặp gỡ giữa hai con người vốn xa lạ này và rồi Đào Duy Từ trở thành người cố vấn chính trị-quân sự thân cận nhất của Chúa.
Dưới sự cố vấn của họ Đào, lũy Trường Dục chạy từ chân núi Trường Dục tới bãi cát Hạc Hải (Nhật Lệ) được xây dựng nhanh chóng, trở thành thành lũy kiên cố, vững chắc, ngăn chặn quân Trịnh từ phía Bắc. Cùng với công trình quân sự đó, cũng theo lời khuyên của họ Đào, chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở nước về phương Nam cho đến tận vùng cực nam Trung Bộ hiện nay. Có lẽ, cũng trong thời kỳ này mà xuất hiện tầm nhìn hướng biển của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Đó là vươn ra biển xác lập chủ quyền của mình ở những hòn đảo ven bờ và quan trọng hơn là vươn xa làm chủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài biển Đông.
Sách Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn đã xác nhận một sự thực:“Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã Yên Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng Giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu tháng lương”(1). Ở một chỗ khác, Lê Quý Đôn viết: “Họ Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn lấy người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn lấy người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Quan địa phương cấp phát phó từ và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác.
Nhà nước sai chức cai đội Hoàng Sa kiêm lãnh quản đốc đội Bắc Hải này, vì chẳng qua họ chỉ lấy được những hải vật kể trên mà thôi, còn như vàng bạc và các của cải quý báu thì ít khi họ tìm kiếm được”.(2)
Gần đây, người ta phát hiện nhiều thư tịch cổ liên quan đến đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn cho biết thêm những chứng cớ vững chắc về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo lớn đó. Hằng năm, người đảo Lý Sơn được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi cuộc đi ra đảo xa là muôn vàn khó khăn nên các Chúa Nguyễn đều cho mỗi người lính mang theo một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi giây lạt và một tấm thẻ bài có khắc họ tên, quê quán để phòng nếu chẳng may hy sinh, đồng đội sẽ bó thi hài vào chiếu và thả xuống biển. Trước khi lên đường, thường vào tháng Hai Âm lịch, dân làng làm lễ gọi là “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”, tái hiện những hùng binh năm xưa trên những chiếc thuyền nan mỏng manh đã dong buồm vượt trùng dương gìn giữ bờ cõi, đồng thời làm những “ngôi mộ gió” – mộ chôn những hình nhân tượng trưng cho những người lính hy sinh vì Hoàng Sa.(3)
Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1698 với việc “sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay phong làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay phong làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay), trên căn bản hình thể nước Việt như ngày nay. Tháng Tám năm Mậu Ngọ, 1702, Chúa Nguyễn Phúc Chu được Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan báo: “Giặc biển là người Man An Liệt (tức người Anh) có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban (các cấp bậc trong quân đội) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác” (4). Ngay lập tức “Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy”(5) để xác định chủ quyền của đất nước, mặc dù lúc đó Côn Đảo chưa có người ở. Trương Phúc Phan lập tức cho nghiên cứu phương án đánh đuổi quân Anh khỏi Côn Đảo. Tổng trấn Trương mộ 15 lính người Ma-lai-xi-a, dùng kế trá hàng lọt được vào lính Anh chiếm đóng trên đảo. Sau một thời gian chung sống với lính Anh, nghiên cứu cung cách phòng vệ của họ và cuối cùng tháng 10 năm Quý Mùi, 1703 họ thống nhất ra tay hành động, tiêu diệt được nhiều lính đánh thuê Anh và thu vô số chiến lợi phẩm. Trong Đại Nam Thực lục, tập I, phần Tiền biên, có ghi vắn tắt sự kiện quan trọng đó như sau: “Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An liệt. Trước là Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và đang đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban, nhị ban, bắt được ngũ ban trói lại, còn tam ban, tứ ban thì theo đường biển trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường”.(6)
Thời đó, Côn Đảo thường là nơi lui tới của bọn hải tặc. Để khẳng định chủ quyền của mình trên đảo này, chúa Nguyễn Phúc Chu ra lệnh cho Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan (người Quảng Bình) đánh đuổi quân Anh ra khỏi đảo. Từ đó trở về sau, thực dân Anh mặc dù ở gần đó (thống trị Malaysia), nhưng không dám bén mảng vì đất này đã có chủ.
Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với cương vực nước ta. Tháng Tám năm Mậu Tý, 1708, Mạc Cửu dâng nộp mảnh đất Hà Tiên mà ông đã có công khai phá cho chúa Nguyễn và ông được chúa Nguyễn trọng dụng, phong cho ông làm Tổng binh Trấn Hà Tiên. Mùa hạ, tháng 4 năm Tân Mão, 1711, Tổng binh Trấn Hà Tiên Mạc Cửu đến cửa Chúa tạ ơn và được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên hậu thưởng. Cùng mùa hạ năm đó, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai cho lính ra đảo Trường Sa đo đạc, vẽ bản đồ.(7)
Rõ ràng, từ chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đặc biệt dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, tầm nhìn hướng biển mang tính chiến lược có sự phát triển liên tục, từ chiếm hữu đến khẳng định chủ quyền đất nước trên các đảo gần bờ và đặc biệt là hai quần đảo ngoài khơi xa Hoàng Sa và Trường Sa. Tầm nhìn hướng biển đó vẫn được tiếp tục dưới thời các chúa Nguyễn tiếp theo và đặc biệt được nâng cấp khi thành lập Vương triều Nguyễn năm 1802, bắt đầu từ Gia Long và tiếp nối mạnh mẽ hơn dưới thời vua Minh Mạng.
Chú thích:
(1), (2). Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Quyển hai. Bản dịch của Lê Xuân Giáo, tủ sách cổ văn, Ủy ban dịch thuật, Sài Gòn, 1972, tr.208-212.
(3). Biển và Đảo Việt Nam (Mấy lời hỏi-đáp). NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 212, tr.108.
(4), (5). Đại Nam Thực lục, Tập 1. Nxb Giáo dục, HN, 2002, tr.115.
(6). Đại Nam Thực lục. Sdd, tr.117.
(7). Đại Nam thực lục. Sdd. Tr.122 và 126.
Theo PGS, TS Phạm Xanh
...♥.♥.♥...
http://vnhsts.blogspot.com/2013/02/tam-nhin-huong-bien-cua-cac-chua-nguyen.html
...♥.♥.♥...
http://vnhsts.blogspot.com/2013/02/tam-nhin-huong-bien-cua-cac-chua-nguyen.html
...♥.♥.♥...
Các đấng chí tôn kêu các chúa và các vua Triều Nguyễn bằng "thằng" không đó.
Trả lờiXóa