...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Cảng Gwadar trong chiến lược Chuỗi Ngọc Trai của Trung Quốc



(Biển Đông) - Hôm 18.2, Pakistan và Trung Quốc đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền quản lý hoạt động cảng chiến lược Gwadar cho Công ty điều hành cảng hải ngoại Trung Quốc (OPHL). Với sự kiện này, Trung Quốc đã tiến thêm một bước quan trọng trong chiến lược Chuỗi Ngọc Trai nhằm bảo đảm nguồn cung ứng dầu khí từ Trung Đông, đồng thời mở rộng sự kiềm tỏa, bao vây Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh chủ yếu của họ tại Nam Á.

Cảng Gwadar nằm trong biển Ả Rập, thuộc tỉnh Balutchistan (Tây Nam Pakistan), nơi tình hình thường xuyên căng thẳng do bạo động, xung đột giữa các cộng đồng tôn giáo.

Gwadar, hải cảng có vị trí chiến lược của Pakistan.

Cảng này còn nằm gần eo biển Hormuz, nơi luân chuyển một phần ba tổng khối lượng dầu khí thế giới vận chuyển bằng đường biển. Đối với một cường quốc kinh tế phải nhập khẩu dầu khí từ Trung Đông và châu Phi, làm chủ được cảng Gwadar là một vấn đề có tính chiến lược. Việc phát triển một hành lang nối liền cảng Gwadar với miền Tây Trung Quốc cho phép rút ngắn hàng ngàn cây số trong việc tiếp tế nguồn năng lượng sống còn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đang dự định xây dựng một đường ống dẫn nhiên liệu từ cảng Gwadar tới Tân Cương, cực Tây nước này.

Cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng nhưng thuộc quyền điều hành của tập đoàn PSA của Singapore. Năm 2011, PSA và Công ty điều hành cảng hải ngoại Trung Quốc (OPHL) đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao quyền quản lý hải cảng này, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan thông báo tại Bắc Kinh rằng Islamabat sẽ chuyển giao quyền sở hữu nó cho một công ty Trung Quốc, bất chấp tình hình an ninh đang trở nên xấu đi do sự phản đối của người dân địa phương.

Gwadar là cảng nằm ở cực phía Tây trong chiến lược « chuỗi ngọc trai » của Trung Quốc: Chiến lược này có mục tiêu thuê hoặc mua một loạt các cảng trong khu vực để bao vây Ấn Độ.

Theo chiến lược này, tại Nepal, Bắc Kinh đang xây dựng một « cảng cạn », thực chất là một bãi chứa các container, nằm trong đất liền nhưng có tuyến giao thông đấu nối với một cảng biển.

Chính quyền Bangladesh cho biết Trung Quốc là một trong bốn nước ( ba nước kia là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ) quan tâm đến dự án đầu tư xây cảng nước sâu trị giá khoảng 5 tỷ đô la, ở đảo Sonadia, trong vịnh Bengale.

Năm ngoái, Sri Lanka đã khai trương một cảng nước sâu, gần một tuyến vận tải đường biển Đông – Tây, nơi mỗi ngày có tới 300 tàu bè qua lại. Trung Quốc chỉ cấp tín dụng và không tham gia trực tiếp vào vốn của dự án. Nhưng, Bắc Kinh lại nắm 85% số vốn của công ty Colombo International Container Terminal, hiện đang xây một kho chứa container ngay tại thủ đô Sri Lanka.

Việc Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các cảng biển trong khu vực thể hiện tham vọng của Bắc Kinh không chỉ về kinh tế mà cả về quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony gần đây tuyên bố « lo ngại » trước quyết định của Pakistan chuyển giao quyền quản lý cảng Gwadar cho Trung Quốc.

Trong tất cả các dự án cảng mà Trung Quốc tham gia, Gwadar là nơi có nhiều khả năng nhất để trở thành một cảng quân sự, bởi vì đối với Bắc Kinh dường như Pakistan là quốc gia duy nhất mà mức độ tin tưởng giữa quân đội hai nước khá cao.

Theo đánh giá của giới chuyên gia Pakistan, chính quyền Islamabad có thể còn ưu tiên cho Trung Quốc tiếp cận các cảng quân sự hiện có ở Karachi hay Qasim. Giáo sư Hamayoun Khan, thuộc đại học Quốc phòng Islamabad, nhận định: Trung Quốc có thể thường xuyên sử dụng các cảng này và họ không cần phải xây thêm cảng quân sự mới vào thời điểm hiện nay.

Cảng Gwadar có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích chiến lược và phương tiện thông tin ở Bắc Kinh tìm cách làm giảm tầm quan trọng chiến lược của sự kiện này, bằng cách nhấn mạnh rằng sự quan tâm của họ chỉ đơn thuần về khía cạnh thương mại. "Thời báo Hoàn Cầu" nói rằng sức hút chủ yếu của cảng Gwadar đối với Trung Quốc là tạo sự thay thế eo biển Malacca, nơi 80% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc hiện nay đang phải đi qua.

Xét từ quan điểm an ninh, Ấn Độ có thể tự nhận thấy mình đang bị bao vây. Chính vì lẽ đó mà Ấn Độ đã thúc đẩy quan hệ với Ôman; xúc tiến kế hoạch phát triển cảng Chahbahar của Iran, song đây vẫn là một dự án về dài hạn. 

BDN ( Nguồn: RFI và Tin Tức )

...♥.♥.♥...

...♥.♥.♥...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...