...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Biển Đông : Việt Nam cần hỗ trợ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc

Biểu ngữ của người biểu tình tại Hà Nội :
"Trung Quốc đừng đụng vào Việt Nam". Reuters
(Trọng Nghĩa - RFI - 25.02.2013) -  Cho dù bị Bắc Kinh từ khước, Manila vẫn kiên quyết tiếp tục nhờ Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc phân xử về tính chất phi pháp của đường chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra nhằm tranh giành chủ quyền tại Biển Đông. Trong lúc Philippines mạnh dạn đối đầu với Trung Quốc trên hồ sơ này, Việt Nam – nước có nguy cơ bị đường lưỡi bò gây thiệt hại nhiều nhất – lại duy trì một thái độ hết sức thận trọng, không công khai ủng hộ việc làm của nước đồng hội đồng thuyền với mình.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine, Hoa Kỳ) cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải tỏ thái độ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ việc làm « đúng hướng » và « tích cực » của Philippines.

Ngày 19/02/2013 đại sứ Trung Quốc tại Philippines, bà Mã Khắc Khanh đã tuyên bố rằng Bắc Kinh bác bỏ đề nghị của Manila là hai bên cùng ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để nhờ phân xử về tấm bản đồ « lưỡi bò » của Trung Quốc, xâm phạm các vùng ngoài Biển Đông mà Philippines xác định thuộc chủ quyền của mình.

Phản ứng của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên, cũng như phản ứng tiếp theo của Philippines một hôm sau (ngày 20/02/2013), khi chính quyền Manila - bất chấp tuyên bố bác bỏ của Trung Quốc - đã tái khẳng định quyết tâm tiếp tục vụ kiện, điều mà Philippines hoàn toàn có quyền xúc tiến chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 mà cả hai nước đều ký kết.

Cuộc đọ sức Philippines – Trung Quốc khởi đầu ngày 22/01/2013, với việc chính quyền Manila đã chính thức loan báo quyết định kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển ITLOS trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Mục tiêu của Philippines là muốn Liên Hiệp Quốc xác nhận tính chất « phi pháp » của tấm bản đồ « chủ quyền lưỡi bò » đang được Trung Quốc sử dụng để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Hành vi quyết đoán của Trung Quốc không chỉ nguy hại cho Philippines, mà còn phủ nhận chủ quyền của ba nước ASEAN khác là Brunei, Malaysia, và nhất là Việt Nam, quốc gia được cho là sẽ bị thiệt hại nhiều nhất nếu đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông không bị ngăn chặn.

Thế nhưng cho đến nay, cả ba nước Đông Nam Á « nạn nhân » còn lại của Trung Quốc, về mặt công khai, đều tránh tuyên bố ủng hộ hành động đối phó với Trung Quốc của Philippines.

Nước Đông Nam Á hiếm hoi có phản ứng, nhưng rất thận trọng, chính là Việt Nam. Hai hôm sau khi Philippines loan báo việc kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế, ngày 24/01/2013, trả lời báo chí về sự kiện này, chính quyền Việt Nam, qua lời ông Nguyễn Duy Chiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao chỉ nhắc lại :

« Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS… Việt Nam cho rằng « các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ».

Nội dung tuyên bố này được cho là quá thận trọng, chỉ « hàm ý ủng hộ » Philippines, trong lúc cấp đưa ra tuyên bố lại chỉ là một phó chủ nhiệm ủy ban thuộc Bộ, chứ không phải là Phát ngôn viên. Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam lại quá e dè như vậy trước một hành động được nhiều chuyên gia cho là đúng hướng của Philippines, và có thể có ảnh hưởng tích cực đối với tất cả các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông.

Quyết định kiện Trung Quốc của Philippines : đúng hưóng và tích cực

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông đã tìm cách giải thích thái độ thận trọng của Việt Nam bằng sự lệ thuộc kinh tế quá nặng, sợ bị lâm vào tình trạng « nước xa, lửa gần ». Tuy nhiên, theo giáo sư Long, Việt Nam không thể tiếp tục chần chờ mà phải tỏ thái độ kiên quyết hơn để chống lại đường lưỡi bò của Trung Quốc, không được quyền để cho Philippines trở thành một con chốt bị thí trong cuộc đấu tranh chống lại việc Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.

Mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long dành cho RFI, trong đó ông nhấn mạnh trước tiên đến tính chất « đúng hướng và tích cực » trong quyết định của Philippines tiếp tục đưa đường lưỡi bò ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc, bất chấp sự bác bỏ của Bắc Kinh.

Ngô Vĩnh Long : Trước hết việc Philippines quyết tâm tiếp tục đưa Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về đường lưỡi bò và một số vấn đề liên quan khác - mà Trung Quốc qua đó đe dọa an ninh Philippines - là một việc làm đúng hướng và rất tích cực.

Còn việc Trung Quốc bác bỏ yêu cầu của Philippines chứng minh thái độ ương ngạnh, bất chấp hiệp ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển mà chính Trung Quốc đã ký kết. Nhưng việc này không thể nào bắt tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu cầu của Philippines.

Theo UNCLOS mà Trung Quốc và 164 nước khác đã công nhận và ký kết, thì sau khi một nước đã chính thức khởi tố, như Philippines đã làm, và đề nghị một trong 5 vị thẩm phán cho phiên tòa, thì bên bị cáo, trong trường hợp này là Trung Quốc, có 30 ngày để đề nghị một vị thẩm phán thứ hai. Sau đó hai bên, bên khởi tố và bên bị cáo, có thêm 60 ngày để đồng ý trên việc chọn lựa ba vị thẩm phán còn lại.

Nếu bên bị cáo không đề nghị một vị thẩm phán, hay nếu hai bên không đồng ý trên việc chọn ba vị còn lại, thì phiên tòa xét xử vẫn tiếp tục được hình thành, nhưng trong trường hợp này thì chủ tịch của tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ITLOS sẽ chọn các vị thẩm phán còn lại.

Do đó, nếu Trung Quốc tiếp tục bác bỏ việc đưa đường lưỡi bò và các vấn đề liên quan ra trước Tòa án Liên Hiệp Quốc, thì phiên tòa vẫn được tiếp tục.

Không chỉ đem Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc, mà còn là đem ra trước tòa án công luận

Chúng ta cũng nên nhớ rằng vấn đề quan trọng ở đây không chỉ là đem Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc, mà còn là đem Trung Quốc ra trước tòa án công luận, hay tòa án chính luận quốc tế, thì chính việc Trung Quốc bác bỏ đề nghị của Philippines, đã đưa Trung Quốc vào thế bị động trước công luận quốc tế, đặc biệt là vì Trung Quốc là một cường quốc đang lên, mà lại có những hành động bất chấp luật pháp !

Ở đây tôi cũng xin nói thêm rằng trong khi Trung Quốc bác bỏ việc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong trường hợp của Philippines, thì họ lại cũng đang dùng UNCLOS để đưa Nhật ra tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bên làm thế này, bên làm thế kia (…), Trung Quốc không thể nào xử sự một cách ngang tàng như trong hai trường hợp mà tôi vừa mới đề cập đến mà không bị tòa án công luận quốc tế dị nghị.

Thì việc làm của Philippines đẩy Trung Quốc vào thế bị động rất lớn. Tôi nghĩ rằng nếu mà Trung Quốc tiếp tục phủ nhận việc này (yêu cầu của Philippines, thì họ chỉ phá vỡ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà thôi, và tôi nghĩ rằng Trung Quốc chắc là sẽ không dám làm việc đó.

RFI : Giáo sư nhận xét như thế nào về phản ứng công khai của Việt Nam về việc Philippines kiện Trung Quốc ?

Ngô Vĩnh Long : Đến nay Việt Nam rất thận trọng, không biết là phía trong Việt Nam đã có dàn xếp gì, hay nói chuyện gì với Philippines hay chưa, (chẳng hạn như) nói rằng « Anh nên đi bước đầu, để rồi sau đó chúng tôi sẽ làm theo, sẽ xem cái hướng như thế nào, để rồi chúng tôi sẽ đẩy mạnh dư luận quốc tế, hoặc là đẩy mạnh các nước trong ASEAN » ?

Dù « nước xa lửa gần » nhưng không thể chần chừ

Thực sự ra tôi không biết là Việt Nam đã làm gì, nhưng mà bề ngoài thì đến nay Việt Nam rất thận trọng, thận trọng đến nỗi mà đã nhiều lần cấm nhân dân biểu tình về vấn đề Biển Đông.

Cũng có lý do khiến Việt Nam thận trọng : Trên hầu hết các lãnh vực,Việt Nam có quan hệ rất gần gũi với Trung Quốc, cho nên Việt Nam có thể nghĩ rằng nếu chưa có sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước, mà mình lại sát Trung Quốc, thì « nước xa mà lửa gần », chưa có nước mà lửa nó đã bốc cháy ở tất cả các làng xã rồi thì lúc đó có thể là dẹp không kịp.

Ngoài những vấn đề chung của đất nước là vấn đề liên hệ kinh tế. Về kinh tế, thương mại hai bên rất lớn, Việt Nam là nước bị nhập siêu nhiều nhất với Trung Quốc, hàng Trung Quốc đi vào Việt Nam lan tràn…Cũng có thể nói đến ngân hàng : Hầu hết các ngân hàng Việt Nam đã bị Trung Quốc chi phối. Có những số liệu tôi không thể kể ra được, nhưng rất đáng ngại, Rồi trong các lãnh vực đầu tư trong nước…

Cho nên lợi ích của nhiều người trong vấn đề này rất lớn, dẫu mà lãnh đạo Việt Nam có để ý đến những vấn đề này, thì tôi chắc là họ cũng rất đang bối rối, không biết làm như thế nào để Trung Quốc khỏi phản ứng mạnh, gây ra khó khăn, nếu không muốn nói là sụp đổ ở nhiều lãnh vực.

Nhưng tôi nghĩ là Việt Nam không thể tiếp tục đi cái đường như hiện nay, vì như vậy, không những làm cho dân chúng bất mãn, mà còn làm cho những nước ở bên ngoài không biết là có thể trợ giúp Việt Nam cho đến đâu, cũng không biết là có phải Việt Nam đi đêm với Trung Quốc…

Đến một lúc nào đó, Việt Nam phải có những hành động cụ thể, chứng tỏ nỗ lực trong việc bảo vệ an ninh của chính mình, cũng như của toàn khu vực…

Theo tôi không thể chần chờ mãi được, càng chần chờ càng yếu thế đi. Trong khi nhân dân trong nước vẫn còn ủng hộ chính phủ…, và nước ngoài họ cũng đang muốn ủng hộ Việt Nam, càng ngày càng nhiều, thì chính phủ Việt Nam phải có sự lựa chọn.

RFI : Việt Nam có thể làm gì ?

Ngô Vĩnh Long : Trước hết nên củng cố lòng tin của nhân dân trong nước. Vấn đề là phải chứng minh cho nhân dân trong nước là chính phủ Việt Nam không phải cái gì cũng nghe theo Trung Quốc, chứng minh là chính phủ Việt Nam và chế độ ở Việt Nam đang trên đà dân chủ hóa, để được sự ủng hộ của dân chúng.

Củng cố lòng tin trong nước để tranh thủ hậu thuẫn bên ngoài

Vấn đề dân chủ hóa bên trong rất quan trọng trong vấn đề lấy được sự ủng hộ và lòng tin của nước ngoài. Nếu mà vì sợ Trung Quốc gây khó khăn mà đàn áp những người có lòng yêu nước, chống Trung Quốc, bắt họ bỏ vào tù, dầu là không lâu đi nữa, thì cũng gây phản ứng không tốt, không những trong nước, mà cả đối với nước ngoài.

(…) Một nước Việt Nam có chính thể không dân chủ, đàn áp dân chúng, thì khó có được sự ủng hộ của dân chúng để tạo sức mạnh bên trong, chống lại sự lũng đoạn của nước ngoài, trong trường hợp này là Trung Quốc, mà cũng khó lấy được sự ủng hộ của các nước trong khu vực hay trên thế giới.

(…) Philippines – vì là một nước xa Trung Quốc, quan hệ đối với Trung Quốc cũng rất là nhỏ, cho nên Philippines thấy là họ có thể đi đầu. Khi người ta đi đầu, và đúng hướng, thì không nên để cho người ta thành con tốt bị thí...

...♥.♥.♥...


...♥.♥.♥...

1 nhận xét:

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...