...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

“Luật được bắn” và Điều 4 có liên quan?

(RFA - 19.03.2013) - Ngay khi Bộ công an vừa trình dự thảo cho phép được bắn đối với ai chống lại người thi hành công vụ, ngay lập tức dư luận lên tiếng chống đối mạnh mẽ và cho rằng luật này sẽ gây thêm nhiều vụ giết người vô tội nữa.

Trong dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chận và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ Bộ Công an đề xuất nếu đối tượng vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được phép nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ.

Quá nhiều quyền hành cho công an

Sau khi tin này công khai trên mặt báo lập tức hàng ngàn phản hồi từ người dân với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đa số không đồng tình vì lo rằng công an sẽ lạm dụng quyền này để gây ra thêm nhiều vụ giết người khác. Chị Trịnh Kim Tiến, con của ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an Hà Nội hành hung đến chết, cho biết suy nghĩ của mình khi nghe đề xuất này:

Cảnh sát giao thông bắt người vi phạm. Screen capture
Tôi nhận được tin Bộ công an đề xuất luật cho phép bắn người chống cán bộ thi hành công vụ khi trên đường về nhà ăn giỗ bố mình lần thứ hai. Khi đọc tin này tâm trạng đầu tiên của tôi là bức xúc và phẫn uất. Trên hết là sự đau xót vì tôi cho rằng đây là một cái luật hết sức phi nhân nó đang khinh thường mạng sống con người một cách quá đáng. Bất cứ công dân nào cũng phải có quyền con người và khi họ đề xuất luật cho bắn trực tiếp vào người như vậy thì không cần phải đặt ra tòa án để giải quyết các sự vụ nữa vì công an nắm hết mọi quyền lực trong tay chi phối tất cả mọi thứ.


Bất cứ công dân nào cũng phải có quyền con người và khi họ đề xuất luật cho bắn trực tiếp vào người như vậy thì không cần phải đặt ra tòa án để giải quyết các sự vụ nữa vì công an nắm hết mọi quyền lực trong tay chi phối tất cả mọi thứ.
Chị Trịnh Kim Tiến

Một nạn nhân khác là ông Nguyễn Quang Phục cha của anh Trần Quốc Bảo cũng bị công an đánh chết mà không có bất cứ phiên tòa nào xét xử, ông Phục cho biết:

Tôi là một nạn nhân có người thân chết trong trại giam của công an thì tôi thấy đây là điều bất hợp lý. Thực tế mà nói đạo đức trong ngành công an hiện nay đang bị vi phạm rất nhiều, mất lòng tin của nhân dân. Nều giao cái quyền cho họ được dùng vũ khí nóng trong khi họ nói là chống người thi hành công vụ thì thực tế không có vì họ toàn lập ra. Như con tôi bị họ đánh chết rõ ràng nhưng họ bảo con tôi chết trên đường đi họ không đánh nhưng do con tôi tự thương mà chết. Đây là điều vô lý cho nên khi cho phép họ dùng những quyền hành như thế thì họ sẽ dựng nên những hiện trường giả để đang là kẻ phạm tội sẽ trở thành những kẻ vô tội cho nên cái này tôi kịch liệt phản đối.

Người thứ ba là Võ Thị Uyên em ruột của nạn nhân Võ Văn Khánh kể lại cái chết của anh mình do công an gây ra:

Một vài kiểu hành xử theo kiểu công an,
người có trách nhiệm bảo vệ dân

Chiều đó ảnh có điện cho chị con nói cậu xin cho ảnh ra, ảnh vừa nói vừa khóc. Lúc đó công an nó giựt máy nó nói là anh con mua xe ăn cắp rồi nó cúp máy, chị con điện lại không được nó khóa máy luôn. Bố của ảnh chiều hôm đó vô, hôm đó là chiều thứ Sáu xin vô gặp ảnh mà nó không cho. Đến tối đó khoảng 12 giờ thì chị con nhận điện thoại nói là anh con tự tử chết. Ba con vô bệnh viện lúc đó cũng không để ý nữa cứ tưởng là ảnh tự tử vì công an nói ảnh lấy giây giày để tự tử. Nhưng khi mang ảnh về nhà thấy ảnh bị nhiều vết bầm, khi khám nghiệm tử thi thì ảnh bị gãy hai cái xương sườn. Sau đó công an ngoài Đà Nẵng vô thì nói là ảnh không bị chi hết gãy hai xương sườn là do vết mổ.

Còn hàng trăm cái chết khác do công an gây ra trong thời gian gần đây đã khiến bất cứ đề xuất nào cho ngành công an cũng đều bị người dân nghi ngờ chống đối. Là nạn nhân của công an ông Nguyễn Quang Phục không thể bỏ qua chi tiết bao che lấp liếm qua vụ án của con ông để từ đó ông cho rằng việc đề xuất được bắn là ý đồ trấn áp người vô tội, nhất là trong tình hình dân oan hiện nay ông nói:

Tôi là một trong những người gia đình là nạn nhân bị công an đánh chết mà họ lập hiện trường giả, họ không công nhận họ đánh. Về sau này thực tế nó sẽ chứng minh lời tôi nói là đúng. Nếu như Đảng và nhà nước Việt Nam cho phép công an cái quyền lớn như thế thì tính mạng con người quá là rẻ mạt
ông Nguyễn Quang Phục

Tôi chỉ đơn cử như những cuộc đình công lãng công hoặc là những người dân bị mất đất mà người ta ra người ta giữ đất nếu mà anh dùng vũ khí nóng trấn áp thì rất là nguy hiểm. Tôi là một trong những người gia đình là nạn nhân bị công an đánh chết mà họ lập hiện trường giả, họ không công nhận họ đánh. Về sau này thực tế nó sẽ chứng minh lời tôi nói là đúng. Nếu như Đảng và nhà nước Việt Nam cho phép công an cái quyền lớn như thế thì tính mạng con người quá là rẻ mạt

Cô Trịnh Kim Tiến cũng đống tình với ông Phục, cô nói:

Sau khi luật này thông qua thì cái tội gọi là chống người thi hành công vụ sẽ liên tục gia tăng. Tội danh chống người thi hành công vụ là một khái niệm hết sức mơ hồ trong pháp luật Việt Nam hiện tại. Do không định nghĩa rõ ràng cái tội danh chống người thi hành công vụ nên khi người bị bắn chết thì người ta không thể cãi lại được.

Dân lo sợ hơn là tội phạm 

Công an trong một vụ giải tỏa đất
Tuy nhiên nếu suy xét vấn đề ở một góc khác người ta có thể nhận thấy rằng việc không cho cảnh sát bắn người tấn công họ mới đáng lo, vì như vậy là cách khuyến khích tội phạm có tổ chức, có vũ khí sẽ lộng hành hơn và do đó an ninh của xã hội sẽ bị đe dọa.

Ở các nước dân chủ, cảnh sát là người bảo vệ luật pháp, tức là bảo vệ người dân. Tại Hoa kỳ, khi cảnh sát yêu cầu dừng xe thì người bị yêu cầu phải thực hiện bất kể anh ta là ai, quyền lực tới mức nào. Nếu không tuân thủ những quy định chung mà luật pháp đưa ra người lái xe có thể bị bắt và nếu có hành vi nguy hiểm thì cảnh sát sẽ nổ súng để trấn áp như trấn áp tội phạm mà không bị dư luận lên án.

Tuy nhiên người cảnh sát này không thể tùy tiện hay có hành động bắn dân nếu không chứng minh được trước tòa án rằng anh ta bị tấn công hay sắp lâm vào tình trạng nguy hiểm. Những bằng chứng đưa ra trước tòa có thể là người chứng, bạn đồng nghiệp có mặt tại hiện trường và quan trọng nhất là hình ảnh video từ xe cảnh sát thu được.

Nếu không cho bắn như hiện nay thì có thể tội phạm khó khuất phục hơn nhưng khi đã cho phép để nâng cao mức hiệu quả của luật pháp thì điều 4 Hiến pháp phải bỏ trước khi cho luật này được ban ra. Điều 4 còn đó, đảng vẫn thay tòa xử án thì việc cho phép bắn chỉ làm dân thêm sợ hãi chứ không thay đổi được gì

Cơ quan pháp y là nơi thứ hai giúp cho tòa án biết anh cảnh sát này có tấn công người lái xe một cách không cần thiết hay không qua cách khảo sát vết đạn bắn vào người nạn nhân có đúng là từ phía trước hay từ bên hông, hay phía sau. Tòa sẽ căn cứ vào những bằng chứng này để tha bổng hay kết án người cảnh sát.

Khi Bộ Công an Việt nam đề xuất việc cho phép bắn người thì ngay lập tức những hình ảnh phản cảm từ bao năm qua đã che hết tầm nhìn của người dân. Qua kinh nghiệm bản thân người dân biết chắc rằng các cơ quan tư pháp không thể kiểm tra, giám sát hay truy cứu trách nhiệm người bắn nếu quy định này được thông qua.

Mới nhất là vụ Vĩnh Yên đang gây làn sóng phẫn uất trong dư luận cả nước. Nạn nhân được cơ quan pháp y xác nhận bằng văn bản là đã chết do say rượu té xuống cống và bị ngộp nước mà chết trong khi đó thi thể của nạn nhân bị bầm tím từ phần ngực tới đầu, răng bị mất nhiều cái, não bị nhão vì vật cứng đập vào…tất cả chứng cứ cho thấy rằng cơ quan pháp y luôn đứng phía sau làm theo lệnh của những cán bộ chức quyền trong Đảng, mà khi Đảng đã yêu cầu thì không một cơ quan nào dám làm trái lệnh.

Nếu đề xuất được bắn kẻ chống người thi hành công vụ trở thành luật thì xã hội sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn. Người dân làm sao yên tâm khi biết rằng không một tòa án nào thực thi công lý qua tìm hiểu, truy xét xem kẻ bắn người có phải thực sự bị tấn công hay do vòi tiền không được, tư thù cá nhân, thậm chí sau một chầu nhậu say đương sự có sẵn súng trong tay và bắn người như bắn bia vì đã được pháp luật cho phép.

Nếu không cho bắn như hiện nay thì có thể tội phạm khó khuất phục hơn nhưng khi đã cho phép để nâng cao mức hiệu quả của luật pháp thì điều 4 Hiến pháp phải bỏ trước khi cho luật này được ban ra. Điều 4 còn đó, Đảng vẫn thay tòa xử án thì việc cho phép bắn chỉ làm dân thêm sợ hãi chứ không thay đổi được gì hơn trong hoàn cảnh hiện nay.

...♥.♥.♥...


...♥.♥.♥...

1 nhận xét:

  1. Đã nói là "bạo lực cách mạng " mà. Làm nhẹ hều thì sao gọi là bạo lực được. Bản chất thế thì phải làm thế và tiến lên một bước nữa là Bùm

    Trả lờiXóa

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...