(Danchimviet - Nguyễn Thanh Giang)
Sáng 19 tháng 3 năm 2013 chuông điện thoại reo. Một giọng phụ nữ thanh nhẹ:
- Cháu là Y. ở Bộ Công an. Sáng nay bác có nhà không? Có các anh ấy muốn đến thăm và hỏi bác mấy chuyện.
Hơn nửa giờ sau tôi phải tiếp ba cán bộ của Bộ Công an, trong đó có người phụ nữ vừa gọi điện. Họ không gay gắt lắm. Có người khá giỏi tiếng Anh (Ít nhất là hơn tôi).
Tôi “được” thẩm vấn xoay quanh bốn vấn đề:
Vấn đề thứ nhất –
- Bác có ký tên vào bản Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp của 72 vị này không?
- Có
- Bác đồng ý với những gì đã viết trong Bản Kiến nghị chứ?
- Tôi đồng ý về cơ bản
- Thế còn những gì bác chưa thật nhất trí?
- Tôi không nhớ lắm
- Xin đọc lại để bác nghe nhé …..
- Thế thì tôi đồng ý hoàn toàn
Vấn đề thứ hai –
- Họ đưa ra các bài mới viết của tôi, rút từ mạng, in trên giấy đẹp và yêu cầu tôi ký xác nhận: “Sửa đổi Hiến pháp thế nào? Vì sao phải bỏ Điều 4?”, “Sửa đổi hiến pháp Việt Nam phải bắt đầu với việc bỏ Điều 4”, “Ông Nguyễn Phú Trọng rất hàm hồ”, “Thành lập “Quỹ Hỗ trợ Dân chủ Việt Nam””.
- Tôi ký ngay.
Vấn đề thứ ba –
- Từ ngày Góp ý Dự thảo Hiến pháp bác đã trả lời phỏng vấn các đài RFI, RFA, BBC, hãng AFP, chương trình phát thanh Từ Cánh Đồng Mây …..?
- Tôi chỉ khẳng định được rằng đã trả lời năm cơ quan thông tấn vừa kể đầu tiên, các tên kể sau tôi không khẳng định được; hoặc vì không biết, hoặc vì không nhớ.
- Bác tuổi cao nên có thể không nhớ nhưng nói không biết thì nghe hơi lạ!
- Nhiều lúc họ gọi điện thoại đến hỏi ào ào, tôi phải trả lời ào ào. Khi mệt quá tôi đành tự động cắt. Nói thật, những cuộc phỏng vấn cưỡng bức như vậy làm tôi rất khổ. Không trả lời thì bất lịch sự. Trả lời thì đầu óc rất căng thẳng, mệt mỏi. Không thể nói chung chung, nhạt nhéo nhưng nhỡ lời thì dễ bị quy tội mà không cãi lại được.
Vấn đề thứ tư –
- Bác có đọc ba bài viết của Nguyễn Phương Anh trong đó có nói đến bác?
- Cách đây hơn tuần nhà văn Trần Khải Thanh Thủy báo cho tôi về các bài viết đó. Tôi bảo Thủy đọc cho tôi nghe. Đọc xong cô ấy bảo cô ấy sẽ viết bài phản bác những chi tiết bịa đặt. Tôi đề nghị, đừng đôi co làm gì. Những người đọc có tri thức người ta hiểu đấy mà. Hãy tin ở công chúng.
Sau đó vài ngày ai đó lại email các bài đó cho tôi. Không biết hai hay ba bài, nhưng tôi đã delate, không đọc.
- Nhưng bác trả lời thế nào khi NPA nói bác là Việt Tân gạo cội đã từng giới thiệu TKTT vào Việt Tân và đã cắt cử một số ra nước ngoài dự các lớp tập huấn do Việt Tân tổ chức?
- Ai cũng biết tôi thân Nguyễn Gia Kiểng và từng phối hợp chặt chẽ với Tập hợp Dân chủ Đa nguyên để khai sinh và duy trì tờ bán nguyệt san Tổ Quốc đã được gần bẩy năm. Tôi tin công an biết đã là Việt Tân gạo cội thì không thể chơi thân đến mức “tặng” THDCĐN cả một tờ tập san đang có uy tín nhất nhì ở trong nước.
Tôi đóan định được thế lực nào đã kích động và xúi bẩy Nguyễn Phương Anh nói và viết như vậy.
- Nhưng có bằng chứng rằng bác cũng quan hệ thân thiết với Việt Tân?
- Các bạn có thấy tôi thân với cả chính “công an Việt cộng” không?
(Các bạn có biết tôi tin rằng sau này, và có thể rất gần đây thôi, nếu có ai muốn tìm hiểu để viết về tôi thì ai sẽ là người cung cấp tư liệu chính xác và đánh giá đúng đắn về tôi hơn cả không? …… Chính là các anh các chị. Song, điều tôi tin là phải đến lúc ấy cơ. Bây giờ mà nói thật về tôi thì không những mất lon mất gạch mà có thể mất cả cơm con)
Tôi thân với Việt Tân trước khi quen biết THDCĐN. Cách đây gần hai chục năm, chủ tịch đảng Việt Tân Đỗ Hoàng Điềm từng đi phiên dịch cho tôi trong mấy buổi tại văn phòng đại biểu quốc hội Ed Royce ở California. Năm 1996 khi được tin tôi đang cộng tác nghiên cứu về Cổ từ ở trường đại học UCLA, Ed Royce viết thư mời và đón tôi.
Sau mấy ngày làm việc đó tôi đã đến viếng mộ thân sinh Đỗ Hoàng Điềm.
- Bác quan hệ phóng túng quá và hơi mất cảnh giác?
- Sao mà phải cảnh giác tới mức cự tuyệt vô điều kiện với người này người kia. Tôi đã từng nói với một số quan chức an ninh tương đối bự rằng tôi tiếp các anh cũng như tiếp CIA. Không dễ biến tôi thành tay sai cho bất cứ thế lực nào. Điều này thì hẳn các anh đã tự chiêm nghiệm được. Có chăng, đối tượng tiếp xúc bị tôi cảm hóa bằng chính sự thuyết phục của tôi.
Vấn đề thứ năm –
- Bác tung bài “Thành lập “Quỹ Hỗ trợ Dân chủ Việt Nam”” lên mạng để kêu gọi đóng góp ý kiến cho chủ trương thành lập, kêu gọi đóng góp cho Quỹ, kêu gọi tham gia làm thành viên của Quỹ…
- Vâng
- Bác có thấy như vậy là phạm pháp không?
- Không! Tôi thành lập Quỹ để trợ giúp các tù nhân lương tâm đang bị tù tội nên bản thân và gia đình bị khốn đốn. Vậy là nhân đạo. Trợ giúp các hoạt động cải thiện môi trường dân chủ tức là giúp nhà nước xây dựng một đất nước giầu mạnh, dân chủ, văn minh.
- Ai cho bác làm, đấy là việc của Nhà nước.
- Nhà nước làm không xuể thì “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Các anh các chị thấy đấy, nhà nước “nuôi” mà các anh các chị đã được đầy đủ đâu. Nông dân và công nhân thì quá khổ. Bệnh nhân vào bệnh viện thì tàn tệ hơn đi tù ở các nước tư bản ….
Vả lại, nếu tôi huy động được nhiều ngoại tệ rót vào trong nước thì phải xem là tôi có công chứ.
- Bác xin cho người ta nhưng bác có nắm vững người ta dùng tiền ấy làm việc xấu hay tốt thế nào đâu?
- Tôi đẻ đứa con ra. Nếu nó trở thành bác học, thành anh hùng thì tôi thơm lây. Nếu nó cướp của, giết người thì cũng không ai nỡ trừng phạt tôi.
Như tôi đã nói, người xin và người cho đều không có tội. Người cho nên được biểu dương; người nhận, kể cả xin đều đáng thương cảm. Huống chi tôi chỉ đi xin hộ.
- Nhưng bác động viên đông đảo đua nhau “làm dân chủ” để được tài trợ
- Ai dấn thân “làm dân chủ” chỉ vì tiền thì họ có chết cũng đáng thôi
- Bác già rồi, con cháu, nhà cửa thế này là đề huề lắm rồi, nhiều quan chức mơ không được. Bác nên tĩnh dưỡng, đừng ôm rơm nặng bụng, có khi mang vạ vào thân. Mà bác từng thấy đấy, bác xin tiền, nhận tiền cho người này, người khác nhưng được mấy người mang ơn, thậm chí họ còn phỉ báng bác, tố cáo bác.
- Người chỉ úp mặt vào cái máng hạnh phúc gia đình thì không hơn con lợn. Tôi đã từng làm phúc mà phải tội, đã từng bị các “đồng chí” vu oan đến nối tưởng như rồi đây chết không nhắm mắt được, nhưng tôi biết ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Những người cộng sản xưa kia cũng đã từng đấu đá nhau quyết liệt, thậm chí bán nhau cho thực dân Pháp. Nhưng rồi họ vẫn làm được Cách mạng Tháng Tám đấy thôi. Hãy tin vào quảng đại, tin vào lịch sử.
*
Vào cuộc họ dự kiến nhiều buổi nhưng hết buổi sáng họ đã đưa tôi ký biên bản.
Không biết rồi sẽ như thế nào?
Hà Nội 20 tháng 3 năm 2013
Nguyễn Thanh Giang
3 Phản hồi cho “Trợ giúp tù nhân lương tâm không thể coi là có tội”
...♥.♥.♥...
...♥.♥.♥...
Cám ơn ông Nguyễn Thanh Giang.Khen!
Lòng đã quyết rồi thì nó muốn ra sao cũng được…