...♥.♥.♥... Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam ...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Trung Quốc đẩy mạnh việc dùng tàu ''phi quân sự'' khống chế Biển Đông

Trực thăng và tầu Hải tuần 21
hoạt động tại vùng Biển Đông, 27/12/2012.
REUTERS/China Central Television via Reuters TV
(RFI - Trọng Nghĩa - 09.03.2013) - Theo báo chí Trung Quốc, một đội tàu tuần tra Trung Quốc lại vừa rời cảng Tam Á trên đảo Hải Nam chiều 08/03/2013 trực chỉ quần đảo Hoàng Sa. Thời gian hoạt động dự trù là 9 ngày. Hồi đầu tháng, một tiểu hạm đội tàu tuần tra khác cũng được Bắc Kinh triển khai hoạt động trong nửa tháng trên một khu vực bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông. Dụng tâm « lấy thịt đè người » của Trung Quốc ngày càng rõ ràng : dùng tàu gọi là "dân sự" để áp đặt quyền kiểm soát thực tế trên các vùng biển đảo, mà nước này tranh giành với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Điểm cần ghi nhận trước tiên là tiềm lực của các đội tàu tuần tra được Trung Quốc tung xuống Biển Đông càng lúc càng mạnh. Đội tàu vừa được phái đi hôm qua gồm ba chiếc Hải giám 83, 262 và 263, thuộc Cơ quan Hải giám Trung Quốc. Đội tàu này còn được tăng cường một phi cơ trực thăng mang ký hiệu Hải giám B-7103.

Báo chi Trung Quốc không ngần ngại phô trương rằng đây là lần đầu tiên từ khi họ thành lập "thành phố Tam Sa" (vào tháng 7/2012) mà cả trực thăng lẫn tàu tuần tra của lực lượng Hải giám được triển khai hoạt động tại vùng quần đảo mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam từ năm 1974.

Trước đó, đội tàu gồm ba chiếc Hải tuần 21, 31 và 166 mà Bắc Kinh cử đi tuần tra tại cả ba vùng mà họ đòi chủ quyền ở Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclefiels và Trường Sa, cũng được một máy bay trực thăng tháp tùng, và báo chí Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh rằng lần đầu tiên trực thăng Trung Quốc tuần tra trên bầu trời Trường Sa.

Cho dù mạnh như vây, và đây là điểm thứ hai cần ghi nhận : các đội tàu trung quốc trên danh nghĩa đều không phải là tàu quân sự, mà chỉ là tàu dân sự như trong trường hợp các chiếc « hải tuần », trực thuộc Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, hay « bán quân sự » đối với các chiếc « hải giám » vốn thuộc Cục Hải dương, một cơ quan tương đương với cảnh sát biển hay tuần duyên ở các nước khác.

Theo giới quan sát, khi liên tục đưa các chiếc tàu loại này xuống Biển Đông, dụng tâm của Trung Quốc là tạo ra một tình trạng kiểm soát thực tế trên các vùng biển đảo mà họ đòi chủ quyền, dùng số đông để trực tiếp thách thức quyền kiểm soát của các đối phương đang tranh chấp với họ. Lực lượng tuần tra của các nước như Philippines hay Việt Nam còn rất mỏng so với Trung Quốc nên phải chịu lép vế trong lãnh vực này.

Một điểm khác là chủ trương dùng tàu phi quân sự. Khi viện đến loại phương tiện này, Bắc Kinh luôn luôn có thể nói là họ vẫn hiếu hòa, và không dùng đến lực lượng Hải quân, và nếu đối phương lỡ dùng đến quân đội để can thiệp thì lập tức sẽ bị Trung Quốc bắt lỗi.

Theo nhận xét của bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, chuyên gia về Trung Quốc của nhóm International Crisis Group trên trang web của đài truyền hình Mỹ CNN ngày 08/03/2013, đó là trường hợp đã từng xẩy ra với Philippines trong vụ bãi ngầm Scarborough hồi tháng 4/2012.

Khi Manila vụng về cho một chiến hạm đến chặn bắt các tàu cá của Trung Quốc tại khu vực này, Bắc Kinh đã lợi dụng ngay cơ hội để lấn lướt, củng cố yêu sách của mình trên bãi cát ngầm đang tranh chấp bằng cách triển khai các tàu gọi là phi quân sự trong khu vực, và buộc Philippines phải triệt thoái ngay chiến hạm của họ ra khỏi khu vực.

Hiện giờ, Trung Quốc vẫn còn mặc nhiên kiểm soát bãi Scarborough mà họ goi là Hoàng Nham, một tình hình với thời gian sẽ biến thành một nguyên trạng mới, tương tự như những gì đã xẩy ra với Đá Vành khăn Mischief Reef của Philippines bị thôn tính vào năm 1995, hay quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị đánh chiếm từ năm 1974.

...♥.♥.♥...


...♥.♥.♥...

1 nhận xét:

  1. Không còn gì phải nghi ngờ. Những hoạt động của Trung Cộng đã được lên Kế Hoạch từ trước. Vấn đề còn lại không phải là Trung Cộng làm gì? Mà là Việt Cộng phải làm gì khi đất dước càng lúc càng mòn dần. Mòn lãnh thổ thân yêu, mòn niềm tin trong nhân dân, mòn tư cách trong lãnh đạo. Lịch sử đã chứng minh một sức sống mãnh liệt của dân tộc. Điều này cần phải được thể hiện. Ai là người có khả năng và không có khả năng làm nên một lần nữa Hội Nghị Diên Hồng, Hội thề Lũng Nhai? Một câu hỏi cần trả lời ngay bây giờ. Kẻo không kịp nữa.

    Trả lờiXóa

.♥.♥.♥... HS-TS-VN ...♥.♥.♥.
(Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam
.♥.♥.♥... NĂM NAY TỚI HOÀNG SA ...♥.♥.♥.

...♥.♥.♥... (Paracel + Spratly) Islands belong to Viet Nam ...♥.♥.♥...